Ô nhiễm không khí có thể gây trầm cảm và tăng tỷ lệ tự tử
Chồng mất được 2 năm thì bạn thân của anh tìm đến giao cho tôi một món đồ không thể ngờ nổi / Trắc nghiệm: Bức tranh đa hình đọc vị bạn trong mắt người khác
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng việc cắt giảm ô nhiễm trên toàn cầu có thể giúp hàng triệu người thoát khỏi trầm cảm.
Loại ô nhiễm hạt trong nghiên cứu này là loại ô nhiễm được tạo ra từ các nhiên liệu hóa thạch dùng chạy ô tô, dùng trong sinh hoạt dân dụng, và trong công nghiệp.
Thành phố Skopje ở Bắc Macedonia là một trong những thủ đô ô nhiễm nhất của châu Âu theo WHO. Ảnh: EPA. |
Các nhà nghiên cứu cho rằng bằng chứng mới đã củng cố thêm lời kêu gọi giải quyết vấn nạn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là “tình trạng khẩn cấp về khí bẩn đe dọa sức khỏe cộng đồng”.
Gây tổn thương não, phá hoại sức khỏe tâm thần
Isobel Braithwaite, tại Đại học UCL ở London (Anh) – trưởng nhóm nghiên cứu, nói: “Chúng tôi đã phát hiện ra rằng không khí ô nhiễm có thể gây tác hại lớn cho sức khỏe tâm thần của chúng ta, khiến cho việc làm sạch không khí chúng ta dùng để thở trở nên bức thiết hơn”.
Theo bà Braithwaite, việc đáp ứng giới hạn của EU trong việc ngăn ô nhiễm không khí có thể tạo khác biệt lớn. “Bạn có thể ngăn được 15% ca trầm cảm. Ở đây có mối quan hệ nhân quả. Tác động này là lớn vì trầm cảm là bệnh rất phổ biến và đang gia tăng”. Theo WHO, hơn 264 triệu người bị trầm cảm.
Braithwaite thông tin thêm: “Chúng tôi biết rằng các hạt nhỏ nhất trong không khí bẩn có thể tới được não thông qua đường mạch máu và mũi, và rằng không khí có liên quan trong việc tăng nặng chứng viêm não, gây tổn thương cho tế bào thần kinh, và tạo ra những thay đổi trong việc sản sinh hormone gây căng thẳng – tất cả đều có liên hệ với tình trạng sức khỏe tâm thần kém”.
Joseph Hayes, đang làm việc tại UCL và cũng thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Các bằng chứng cho thấy tự bản thân ô nhiễm đã làm tăng nguy cơ đối mặt với hậu quả là sức khỏe xấu”.
Nghiên cứu trên, được xuất bản trên tạp chí Environmental Health Perspectives, đã sử dụng các tiêu chí chất lượng nghiêm ngặt để lựa chọn và tập hợp dữ liệu nghiên cứu từ 16 nước xuất bản từ trước cho tới năm 2017, tiết lộ mối liên hệ rất mạnh về mặt thống kê giữa không khí độc hại và tình trạng trầm cảm, tự tử.
Nghiên cứu trên được hậu thuẫn bởi các nghiên cứu gần đây, bao gồm nghiên cứu liên hệ tình trạng ô nhiễm không khí với “tỷ lệ tử vong cực cao” ở những người mắc rối loạn tâm thần và nguy cơ trầm cảm tăng lên 4 lần ở những người trẻ độ tuổi từ 13-19.
Làm suy giảm trí tuệ, trí nhớ
Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng ô nhiễm không khí còn làm sa sút đáng kể năng lực trí tuệ và có mối liên hệ với chứng mất trí. Một nghiên cứu toàn diện trên toàn cầu vào đầu năm 2019 kết luận rằng ô nhiễm không khí có thể tàn phá mọi cơ quan nội tạng và gần như mọi tế bào trong cơ thể con người.
Dữ liệu được phân tích trong nghiên cứu mới đã tìm thấy mối liên hệ giữa trầm cảm và các phần tử ô nhiễm không khí nhỏ hơn 2,5micromet (tương đương 0,0025mm, còn gọi là PM2.5). Những người tiếp xúc với bụi ô nhiễm tăng mức 10 microgram trên một mét khối (µg/m3) ở cấp độ PM2.5 trong một năm hoặc hơn một năm sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 10%. Mức độ PM2.5 ở các thành phố dao động từ mức thấp như 6µg/m3 ở Ottawa (Canada) lên 114µg/m3 ở Delhi (Ấn Độ).
Tại các thành phố của Anh vào năm 2017, mức độ PM2.5 trung bình là 13µg/m3. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng việc hạ con số này theo mức giới hạn khuyến nghị 10µg/m3 của WHO có khả năng giảm trầm cảm ở các cư dân đô thị đi khoảng 2,5%.
Các dữ liệu liên quan đến nguy cơ tự sát là các dữ liệu về các phần tử bụi có kích cỡ lên tới mức 10 micromet (PM10). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hiệu ứng ngắn hạn, theo đó mức tăng 10µg/m3 trong 3 ngày có thể tăng nguy cơ tự sát lên thêm 2%.
Các nhà khoa học cho biết, những sự tăng nguy cơ dù nhỏ vẫn có thể gây hại cho nhiều người vì hơn 90% dân số toàn cầu sống trong môi trường không khí ô nhiễm dưới mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cần hành động từ cấp cơ sở đến cấp vĩ mô
Các kết quả này cho thấy các mối liên hệ mạnh, tuy nhiên chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn về mối quan hệ nhân quả do khía cạnh đạo đức không cho phép tiến hành thực nghiệm về mối đe dọa đối với sức khỏe con người.
Dẫu vậy, Ioannis Bakolis thuộc Đại học King’s College London vẫn đánh giá: “Đây là một nghiên cứu toàn diện trong thời gian 40 năm. Mặc dù các nghiên cứu hợp thành đến từ nhiều nơi trên thế giới, như Trung Quốc, Mỹ, Đức và có khác biệt về quy mô mẫu, cấu trúc nghiên cứu, và các phương thức đo lường trầm cảm, các kết quả là rất giống nhau”.
Ioannis Bakolis cho biết thêm: “Tất cả chúng ta cần làm những gì thiết thực có thể để giảm việc gây tăng ô nhiễm môi trường, như là bằng cách đi bộ hay đi xe đạp. Nhưng chúng ta cũng cần nghĩ tới việc thay đổi hệ thống, tức là cần đến các chính sách có thể giúp giảm tổng thể mức độ ô nhiễm. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc đi bộ, đi xe đạp và có thêm không gian xanh không chỉ cắt giảm ô nhiễm không khí mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần của con người”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo