Đời sống

Rước bệnh vì thói quen tỉa lông mũi, lấy ráy tai ngoài hàng

Mỗi lần cắt tóc ngoài hàng, nam giới thường kết hợp lấy ráy tai, tỉa lông mũi. Tuy nhiên, thói quen này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều loại bệnh.

Mẹo chải mascara chuẩn để lông mi không vón cục / 6 vật dụng trong nhà có thể gây ung thư mà nhiều người không biết

Vào một cửa hàng chuyên cắt tóc nam nhỏ trên đường Tân Lập, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chủ quán nhanh nhẹn mời khách ngồi chờ đến lượt. Cắt xong phần tóc, thợ cắt ngả ghế của khách nằm ngửa ra sau, bẻ đôi lưỡi dao lam mới thay vào dao cạo để chuẩn bị cạo lông mặt và râu.

Trước khi cạo lông mặt, người thợ này dùng một chiếc chổi để trong bát nước đầy bọt xà phòng, quét quét lên mặt khách. Trừ chiếc dao lam được dùng mới, còn lại toàn bộ dụng cụ như kéo, tông đơ, bàn chải, chổi quét thứ nước xà phòng kia đều được dùng chung cho mọi người.

Nhanh tay cạo sạch phần lông mặt, râu cho khách, thợ cắt lấy ra bộ dụng cụ để lấy ráy tai, tỉa lông mũi gồm một thanh dài có gắn lưỡi dao nhỏ xíu ở đầu để cạo lông trong tai, muỗng "xà beng" để lấy ráy, tăm bông, kéo nhỏ,...

Trước khi vệ sinh tai, mũi cho khách, những dụng cụ này không hề được khử trùng. Tất nhiên, chúng được dùng chung nhiều người với nhau. Lấy được chút ráy tai nào, anh thợ lại đưa lên cho khách xem rồi gạt đi, kệ chúng bắn đi đâu thì bắn. Xong màn lấy ráy tai, anh tiếp tục dùng chiếc kéo nhỏ luồn vào mũi, kéo khéo léo cắt sạch phần lông mũi của khách. Vị khách chỉ cần xì mũi nhẹ là có thể "tống" phần lông mới cắt ra ngoài.

Ruoc benh vi thoi quen tia long mui, lay ray tai ngoai hang hinh anh 1
Nhiều người sau khi lấy ráy tai đã bị ngứa tai hoặc ráy tai nhiều hơn, đóng đầy trong ống tai gây ù tai, nghe kém. Ảnh minh họa.

Khi được khỏi có sợ lây nhiễm bệnh từ tiệm cắt tóc, anh Huy Tài (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng), nói: "Cắt tóc xong tôi về nhà tắm gội ngay nên không sợ. Đa số đàn ông xưa nay đi cắt tóc đều như vậy, không làm đủ các bước thấy thiếu và khó chịu lắm".

"Vợ tôi cũng sợ lây bẩn khi đi cắt tóc, sắm riêng cho tôi một bộ dụng cụ lấy ráy tai để mang ra tiệm dùng nhưng nhiều người nhìn tôi khó hiểu, như trên trời rơi xuống. Vài lần như vậy, tôi cũng ngại, không mang theo nữa", một vị khách khác chia sẻ.

Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa da liễu Nguyễn Thiên Hương (tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM), tay của thợ cắt tóc là một kho vi trùng. Người thợ hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, cạo mặt, lấy ráy tai, trả tiền cho khách, hút thuốc,... Nếu không vệ sinh tay sạch sẽ sau mỗi lần cắt cho khách, nguy cơ lây nhiễm tất cả các loại bệnh truyền nhiễm ngoài da (nấm, hắc lào, lang ben, HIV, viêm gan B, sùi mào gà,...) rất cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, khi lấy ráy tai vật dụng không được sát trùng có thể gây viêm tai, nấm tai, viêm tai giữa, ảnh hưởng tới thính lực. Qua quá trình làm việc, bác sĩ Ngọc Dinh cũng tiếp nhận nhiều trường hợp viêm tai giữa thường xuyên, trường kỳ do vệ sinh tai không đúng cách.

Về việc có nên tỉa lông mũi hay không, vị chuyên gia này cũng cho hay nếu lông mũi dài ra ngoài mới nên cắt. Chúng giống như chổi chắn các bụi lớn khi hít thở không khí, làm cho tốc độ thở trong mũi được điều hòa. Cắt tỉa lông mũi bằng kéo, vật nhọn dễ làm niêm mạc mũi bị trầy, rách, vỡ mạch máu, gây hiện tượng chảy máu cam, có thể nhiễm trùng hoặc suy giảm chức năng khướu giác.

 

Theo news.zing.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo