Hời hợt trong việc nhận hợp đồng quảng cáo khiến nhiều nghệ sĩ Hoa ngữ bị lên án vì đại diện cho thương hiệu làm ăn bất chính.
Mới đây, Tân Hoa Xã có bài viết lên án hành vi quảng cáo bừa bãi của nghệ sĩ Hoa ngữ, chỉ đích danh nữ diễn viên Mã Y Lợi. Hãng thông tấn Trung Quốc nhận định thời gian hiện tượng quảng cáo tràn lan, thiếu kiểm soát diễn ra bát nháo trong giới nghệ thuật.
Theo Tân Hoa Xã, việc những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật không chỉ vi phạm đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn vi phạm pháp luật. Giới chức Trung Quốc hiện vào cuộc kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo không đúng sự thật.
Nghệ sĩ đồng lõa với tội phạm
Ngày 15/5, Sina đưa tin thương hiệu trà sữa do Mã Y Lợi làm người đại diện bị Cục Kinh tế Thượng Hải điều tra hành vi lừa đảo. Theo bản án của cơ quan chức năng, công ty này đã lập trang web giả, làm giả giấy ủy quyền, thuê người dàn cảnh để thu hút sự chú ý và lôi kéo nhà đầu tư.
Tiến hành triệt phá băng nhóm lừa đảo này, Đội Kinh tế Thượng Hải bắt giữ hơn 90 nghi phạm với tổng số tiền tang vật thu được là 108 triệu USD. Do Mã Y Lợi là người phát ngôn, đại diện thương hiệu, cô cũng trở thành một trong những đối tượng bị điều tra.
Phản hồi về vụ việc, đại diện của nữ nghệ sĩ tuyên bố đã đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế với thương hiệu trà sữa. Cô cho biết sẵn sàng tiếp nhận, hợp tác điều tra với cơ quan chức năng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến khán giả.
Trên QQ, một khách hàng họ Châu ở Thượng Hải cho biết ông đã bỏ gần 60.000 USD để đầu tư vào thương hiệu, nhưng sau đó mất sạch. Theo ông Châu, nhãn hiệu đã dùng hình ảnh của Mã Y Lợi tạo dựng lòng tin, hứa hẹn trả tỷ suất lợi nhuận hàng năm là 8%.
Tài tử Trịnh Khải cũng rơi vào tình trạng tương tự Mã Y Lợi. Một thương hiệu trà sữa do anh làm người đại diện kêu gọi đầu tư. Có khách hàng đã bỏ ra 1 triệu NDT (155.000 USD) tham gia, nhưng sau đó bị mất. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện có khoảng 700 nạn nhân của vụ việc, thiệt hại kinh tế lên tới hàng trăm triệu NDT.
Nam nghệ sĩ Uông Hàm từng khiến 370.000 khách hàng lao đao vì trót tin vào ứng dụng tài chính Love Money do anh quảng cáo. Số tiền thiệt hại lên đến 3,5 tỷ USD.
Mới đây, Cục quản lý và giám sát thị trường quận Triều Dương, Bắc Kinh đã phạt nặng số tiền 31.000 USD, đình chỉ hoạt động tuyên truyền của công ty thực phẩm Xiaoxiandun vì quảng cáo không đúng sự thật. Chương Tử Di, Trần Sổ, Ngô Hiểu Ba... hiện là đại diện thương hiệu yến sào.
Châu Kiệt Luân, Triệu Bản Sơn từng bị chỉ trích dữ dội khi quảng cáo thuốc giả. Cả hai không ngần ngại gọi sản phẩm là "thần dược", không gây ra tác dụng phụ. Trên thực tế, chất lượng của nhiều sản phẩm không “thần kỳ” như những gì hai nghệ sĩ miêu tả.
Không ít người tiêu dùng bị tác dụng phụ sau khi sử dụng và phải nhập viện điều trị. Sau khi Cục y tế phát văn bản điều tra, cả Châu Kiệt Luân và Triệu Bản Sơn đều phủi bỏ trách nhiệm với tuyên bố: "Chưa từng nhận quảng cáo".
Chỉ xin lỗi là chưa đủ
Theo Sina, những năm gần đây, các thương hiệu lớn nhỏ ở Trung Quốc chuộng xu hướng chọn người nổi tiếng làm gương mặt phát ngôn. Điều này kéo theo hiện tượng "gian lận", quảng cáo khống chất lượng, lợi dụng tên tuổi nghệ sĩ để thực hiện hành vi phạm pháp.
Thống kê của Cục công an thành phố Thượng Hải cho biết đường dây tội phạm lừa đảo trong ngành quảng cáo ở Trung Quốc tăng gấp 2 kể từ năm 2018. Số tiền tang chứng thu giữ được trong các vụ việc luôn vượt mức 15 triệu USD với hàng nghìn nạn nhân.
Theo Sina, khi xảy ra scandal liên quan tới thương hiệu phát ngôn, phần lớn các ngôi sao thường đưa ra lời xin lỗi và hứa hẹn sẽ nghiêm khắc hơn trong công việc, nhưng như vậy là chưa đủ. Trang tin cho biết nghệ sĩ cần phải chịu trách nhiệm cho thái độ tắc trách, hời hợt trong việc nhận hợp đồng quảng cáo.
Như trường hợp của Trịnh Khải, trước khi vụ lừa đảo bị phanh phui, thương hiệu trà sữa nằm trong danh mục doanh nghiệp cần giám sát hoạt động của cơ quan quản lý thị trường.
Theo Sohu, những người đứng đầu thương hiệu thực phẩm này đều bị cưỡng chế, hạn chế chi tiêu vì mắc nợ 500.000 USD.
"Dấu hiệu vi phạm phát luật rất rõ ràng, chỉ cần tra cứu trên Tianyancha - trang web truy vấn thông tin doanh nghiệp, là có tìm thấy. Nhưng phía Trịnh Khải vẫn đặt bút ký hợp đồng, Câu hỏi đặt ra nghệ sĩ dựa vào tiêu chí nào để nhận quảng cáo? Uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm hay tiền thù lao", Sohu bình luận.
Trong khi đó, nhãn hiệu yến sào do Chương Tử Di hay Trần Sổ làm đại diện, có hơn 5 lần bị Cục thương nghiệp Bắc Kinh xử phạt vì vi phạm luật kinh doanh như khai gian số liệu tài chính, phóng đại công dụng sản phẩm và quy trình sản xuất.
Tân Hoa Xã gay gắt nhận xét việc nghệ sĩ nhận quảng cáo sai sự thật chứng minh bản thân thiếu hiểu biết, lười tìm hiểu dẫn đến việc bị đối tác "dắt mũi". Chưa kể, điều này còn cho thay họ chạy đua trong vòng xoáy kim tiền, đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích xã hội.
Quan Hiểu Đồng vừa vướng vào thị phi khi giới thiệu món ăn chay giúp giảm cân, tốt cho sức khỏe và có thể thay thế hoàn toàn thực phẩm làm từ thịt. Tuy nhiên, công chúng cho rằng sản phẩm bánh bao được làm từ tinh bột, do đó không thể giúp giảm cân.
"Các ngôi sao ngày này nhận quảng cáo, nhưng chỉ quan tâm đến cát-xê, mức độ phù hợp với hình tượng và có được lợi ích gì sau dự án, bất chấp hiểm họa có thể xảy ra sau đó. Hiếm có ai dành thời gian tìm hiểu thương hiệu hay test sản phẩm trước khi nhận hợp đồng. Họ lệ thuộc vào công ty quản lý, nhưng không phải đơn vị nào cũng làm đúng quy trình", Sina cho biết.
Từ Văn Hải, giảng viên kiêm trợ lý giáo sư khoa Luật, Đại học Đồng Tề Thượng Hải cho biết cần phải cơ chế xử lý nghiêm khắc với nghệ sĩ vi phạm luật quảng cáo, không dung túng cho cá nhân biết luật vẫn phạm luật.
Theo ông, nghệ sĩ Trung Quốc đều có ê-kíp hỗ trợ đứng sau, cho nên không khó để truy vấn thông tin doanh nghiệp. Vì vậy, việc nhận quảng cáo sai sự thật là tiếp tay cho tội phạm, lừa dối và coi thường lòng tin của khán giả.
Đồng ý kiến, Tân Hoa Xã cho rằng đã đến lúc chấn chỉnh trên dưới hoạt động quảng cáo của showbiz, xóa bỏ tình trạng nghệ sĩ gián tiếp dẫn dụ công chúng vào đường dây lừa đảo.
Theo Cục cảnh sát Thượng Hải, đa số các nạn nhân đều không lấy lại được tiền đầu tư. Bản thân nghệ sĩ sau vụ việc cũng chỉ lên tiếng xin lỗi, rũ bỏ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Sau đó, họ lại tiếp tục kiếm tiền từ thương hiệu khác mà không phải nhận hình phạt nào cho hành vi sai phạm trước đó.
"Nghệ sĩ cần phải hiểu rõ vai trò của mình trong việc giới thiệu sản phẩm đến công chúng. Họ phải tìm hiểu kỹ thông tin, chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Không thể vì tiền mà nhắm mắt quảng cáo cho thương hiệu không đáng tin cậy, thậm chí lừa đảo. Người nổi tiếng có hành vi nói trên cần bị lên án và nhận hình phạt thích đáng để răn đe", nhà xã hội học Vương Mặc Linh nói trên Tân Hoa Xã.
Theo Di Hy/Zing