Đời sống

Sữa có thể bị những loại vi khuẩn nào 'tấn công' nếu bảo quản không tốt

Sữa là sản phẩm thông dụng hiện nay dành cho tất cả lứa tuổi. Tuy nhiên sản phẩm này cũng rất dễ bị vi khuẩn tấn công nếu không bảo quản tốt.

Uống sữa trước khi ngủ không hề tăng cân như nhiều người nghĩ mà còn mang lại 5 lợi ích bất ngờ sau / Món ăn giàu canxi gấp 3 lần sữa, ở chợ bán rẻ bèo lại là "đồ ăn trường thọ"

Có lẽ trên thế giới ít có loại thực phẩm nào phổ biến như sữa bởi sữa vừa bổ dưỡng, thơm ngon lại dễ tiêu hóa nên phù hợp với tất cả mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc trên khắp thế giới.

Sữa là nguồn cung cấp canxi rất tốt cho con người, tỷ lệ canxi và phốt pho trong sữa phù hợp, có lợi cho việc hấp thụ canxi của cơ thể. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi người nên uống khoảng 300g sữa hoặc các sản phẩm từ sữa mỗi ngày để đảm bảo nhu cầu canxi hằng ngày.Nhưng cũng chính vì vậy, sữa cũng là một môi trường mà vi khuẩn có thể phát triển mạnh nên cần phải hết sức cảnh giác khi sử dụng những nguồn sữa và chế phẩm sữa không đảm bảo vệ sinh…

Sữa là sản phẩm rất dễ để vi khuẩn tấn công

Sữa có thể bị nhiễm khuẩn từ nhiều giai đoạn

Có nhiều loại vi khuẩn sống cộng sinh ở tuyến sữa của bò sữa, dê nuôi lấy sữa. Những loại vi khuẩn này vô hại đối với súc vật nhưng lại có thể gây bệnh khi lây lan sang người.

Sữa có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình vắt sữa nếu không đảm bảo qui trình vệ sinh. Thông thường, với những dây chuyền chế biến sữa hiện đại, việc tiệt khuẩn được tiến hành theo những qui trình nghiêm ngặt nên nhiễm khuẩn sữa khó có thể xảy ra.

Sữa chỉ bị nhiễm khuẩn khi bao bì, hộp đóng gói bị rách thủng, rò rỉ hoặc sữa để quá hạn sử dụng, sữa cất giữ trong môi trường không thích hợp. Cuối cùng, sữa cũng thường bị nhiễm khuẩn khi người tiêu dùng chế biến các sản phẩm từ sữa như làm sữa chua, bánh kẹo… hoặc cất giữ sữa ở môi trường mất vệ sinh, để ruồi muỗi, gián… rơi vào sữa.

Những loại vi khuẩn thường gặp trong sữa

Có rất nhiều loại vi khuẩn đã được tìm thấy trong sữa. Bacillus cereus là loại vi khuẩn sinh độc tố gây nôn mửa và tiêu chảy nặng. Vi khuẩn này là loại sinh nha bào, một loại vỏ đặc biệt giúp vi khuẩn không bị chết bởi nhiệt độ cao và có thể sống sót khi sữa được tiệt khuẩn bằng phương pháp Pasteur.

Mặc dù rất hiếm, nhưng có trường hợp Bacillus cereus cũng được tìm thấy trong sữa bột và một số chế phẩm sữa bột cho trẻ em. Brucella cũng thường được tìm thấy trong những sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng. Khi bị nhiễm loại vi khuẩn này có thể bị sốt tái diễn nhiều lần. Campylobacter jejuni, loại vi khuẩn hay gây tiêu chảy nhất tại Mỹ, có mặt trong sữa tươi.

Vi khuẩn này bị tiêu diệt bởi pH axit của dịch vị nên nếu như ăn một lượng sữa tươi lớn làm dịch vị bị loãng, pH bớt axit đi thì Campylobacter jejuni có thể sống sót và gây tiêu chảy.

Vi khuẩn Coxiella burnetii gây nhiễm ở nhiều loại vật nuôi và rất khó bị diệt bởi nhiệt độ và môi trường khô. Vi khuẩn này là nguyên nhân gây sốt Q, kéo dài từ 1 – 2 tuần.

Các loại sữa tươi, pho-mát cũng có thể bị nhiễm E. Coli, đặc biệt là chủng E. coli O157: H7. Nếu bệnh nhân sau khi ăn sữa bị tiêu chảy có máu giống hội chứng lỵ thì phải coi chừng nguyên nhân gây bệnh là E. Coli. Listeria monocytogenes, là loại vi khuẩn hay gây bệnh ở các đối tượng bị suy giảm miễn dịch, HIV, phụ nữ có thai, trẻ con, người già với bệnh cảnh viêm màng não mủ.

Đặc điểm của Listeria monocytogenes là vẫn sống sót ở nhiệt độ dưới 00 C nên vẫn “vô tư” phát triển kể cả khi sữa và các chế phẩm có liên quan được cất trong tủ lạnh. Mycobacterium avium, loại trực khuẩn kháng cồn kháng axit có liên quan đến việc gây bệnh viêm loét đường tiêu hóa (bệnh Crohn) cũng được tìm thấy trong sữa kể cả khi đã được tiệt trùng bằng phương pháp Paster. Trực khuẩn lao bò (Mycobacterium bovis) là mục tiêu loại bỏ hàng đầu khi tiệt khuẩn cho sữa. M. Bovis có thể gây bệnh lao ở bò và gây các triệu chứng tương tự ở người nếu bị nhiễm.

Ngoài các chủng vi khuẩn thường có mặt trong sữa tươi chưa được tiệt khuẩn như đã mô tả ở trên, sữa và các chế phẩm còn có thể bị nhiễm các chủng vi khuẩn có khả năng gây bệnh nguy hiểm hơn rất nhiều nếu như sữa bảo quản không tốt hoặc bị nhiễm trong qui trình chế biến sữa như phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae), vi khuẩn gây bệnh lỵ (Shigella), nhiễm tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn rất nặng nề trên lâm sàng. Ngoài ra, vi khuẩn Yersinia enterocolitica cũng thường là một tác nhân bội nhiễm trong sữa và gây bệnh cho người sử dụng.

Do đó, theo các chuyên gia dinh dương, để tránh các trường hợp bệnh lý gây ra do vi khuẩn có trong sữa, nên chú ý một số điểm như không nên sử dụng các chế phẩm sữa, nhất là sữa tươi không rõ xuất xứ nguồn gốc, sữa của các cơ sở chế biến không đảm bảo điều kiện vệ sinh; không nên ăn sữa khi đã cất giữ quá lâu, sữa đã đổi màu hoặc đông vón. Cuối cùng, cũng không nên ăn quá nhiều sữa trong một lần vì có thể bị nhiễm vi khuẩn do lượng axit dịch vị bị loãng và gây chứng khó tiêu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm