“Mẹ ơi, mẹ cứu con, con thấy người mệt lắm”, “Con bé nó sốt, nó đang ở bệnh viện, nó đòi mẹ, chị có đến với nó thì đến đi…” - khi nghe được những thông tin về con ốm, cho dù là giữa đêm mưa hay tối mùa đông lạnh giá, bận rộn đến mấy, chị cũng vội vã phóng xe máy đến bên con….
“Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, điều tôi sợ nhất suốt 5 năm qua không phải nỗi vất vả khi dắt theo cô con gái 2 tuổi ra khỏi nhà với 2 bàn tay trắng, cũng không phải nỗi khốn khó những ngày đầu tìm nơi trú ngụ của 2 mẹ con, mà là mỗi khi nhận tin con gái lớn ở lại với chồng cũ bị ốm” - chị Lê Thu Lan, cán bộ ngành điện lực, TP Thái Nguyên, tâm sự.
Chị Lan kể, có lần chị và cô con gái nhỏ đã đi ngủ, bất ngờ điện thoại réo rắt hiện lên số của con gái lớn: “Mẹ ơi, cứu con. Con thấy người mệt quá, con ốm rồi, con đang ở bệnh viện…”. Chị hoảng hốt hỏi con kỹ hơn, nhưng chỉ thấy tiếng khóc thút thít từ đầu dây bên kia của cô con gái, rồi tắt. Chị gọi lại thì tiếng của mẹ chồng cũ nghe và bảo: “Con bé nó đi học về, bị sốt từ chiều, bà đang đưa nó đi khám ở bệnh viện… chị có đến với nó một lúc thì đến đi…”.
Thoáng chút bối rối, chị đành cầu cứu bác gái hàng xóm vẫn thi thoảng qua lại giúp đỡ mẹ con chị sang nhà trông giúp đứa nhỏ, chị phóng xe máy ào đi lúc đồng hồ đã qua mức 0h trong đêm mưa lạnh buốt. Mãi khi đi hết 10km tới bệnh viện, chị mới nhớ mình chưa kịp mặc áo khoác. Nhìn con gái nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, mặt đỏ phừng phừng mà chị xót xa. Bác sỹ biết chị là mẹ bé, liền trách móc: “Chị làm mẹ kiểu gì mà con sốt cao thế, bận đi đâu để bà già gần 80 lo cho cháu đi viện?”. Chị hơi ngỡ ngàng, nhưng chẳng có thời gian để giải thích. Bác sỹ nói, con chị đã được xét nghiệm, cháu bị nhiễm trùng máu, đã truyền nước xong. Cháu tạm ổn, nên giờ chị và gia đình không phải lo nữa”.
Trái với lo lắng và sự trách móc của bác sỹ, con gái thấy mẹ đến bỗng ngồi nhổm dậy ôm chầm lấy mẹ. Nó mỉm cười và bắt đầu chìm vào giấc ngủ sau khi đã nắm chặt bàn tay mẹ.
Một lần khác, điện thoại của chị rung lên lúc tan tầm: “Chị ơi, em là cô giáo của cháu G., em xin lỗi điện thoại cho chị. Lẽ ra em gọi cho anh, nhưng cháu đòi mẹ. Cháu bị sốt chiều nay, giờ cháu đang ở phòng y tế của trường, chị có thể đến đón cháu giúp em…”.
Đang trên đường đi đón con gái nhỏ, chị khựng lại giây lát bền lề đường với toan tính bắt buộc. Chị gửi cô con gái nhỏ vào nhà người bác họ gần nhà, rồi quay sang trường con gái lớn. Thấy mẹ, cô con gái với đôi mắt mệt mỏi ôm chặt lấy mẹ: “Mẹ ơi, con mệt, con ốm rồi”. Chị nắm chặt bàn tay nóng bỏng của con, sờ trán con rồi nói: “Không sao, có mẹ rồi, mẹ sẽ giúp con. Giờ mẹ con mình về nhà đã nhé”. Con gái khẽ gật đầu.
Chị Lan kể: Đưa con về nhà, căn nhà cũ ngày xưa chị đã từng ở đó 7 năm, trước ngày ly hôn, nay bỗng xa lạ, bỡ ngỡ với chị. Vì lâu lắm rồi, chị không bước chân vào căn nhà ấy. Mỗi lần đến đón đưa con, chị chỉ đứng ngoài cổng đợi con ra, hoặc để cô con gái nhỏ tự chạy vào với ông bà nội và bố.
Chị lau người, thay quần áo giúp con gái, xúc cho con ăn hết bát cháo do mẹ chồng cũ đã nấu sẵn, cho con uống thuốc xong, chị khẽ thơm lên trán con, dặn con ngủ một giấc để mau khỏi ốm. Con gái hơn 10 tuổi hé đôi mắt mỏi mệt nhìn mẹ hấp háy, cố nén tủi thân gật đầu nhẹ: “Mẹ về với em đi, con sẽ khỏi nhanh thôi”.
Chị Lan kể, từ lúc nhỏ, 2 con đều do tay chị chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi vợ chồng bất hoà vì anh có mối quan hệ bất chính với người phụ nữ khác, vợ chồng chị ly hôn khi anh bảo cô ấy đã có thai với anh. Tuy nhiên, toà án vẫn giao cho mỗi người nuôi dưỡng 1 con, thành thử, chị đành phải để con gái lớn 8 tuổi ở lại với bố.
Thật trớ trêu với chồng cũ của chị, anh phát hiện đứa trẻ ấy sinh ra lại không phải con anh. Mọi kế hoạch đón vợ con mới về nhà của anh đành lỡ dở. Chồng cũ của chị chán nản, tuyệt vọng, nên chỉ biết đổ dồn mọi thời gian cho công việc làm ăn, rất ít thời gian ở nhà với bố mẹ già và con gái.
“Chuyện cũ qua rồi, tôi không muốn nhắc lại nữa. Giờ tôi chỉ cầu trời sao cho 3 mẹ con tôi luôn mạnh khoẻ. Từ ngày ly hôn, mẹ con chị trải qua vài lần con gái lớn ốm sốt kéo dài, cả chục lần con đau ốm nhẹ, đều thảng thốt gọi mẹ như thế” - chị Lan nói. “Con cái dù lớn chừng nào, thì cũng cần có hơi ấm của mẹ, nhất là lúc con đau ốm. Tôi đã dành tất cả những gì có trong trái tim người mẹ cho 2 con. Con gái tôi, cứ có mẹ là mọi nỗi sợ hãi, mệt mỏi, đau ốm tan rất nhanh. Tôi không sợ vất vả, mà còn tự hào khi mẹ luôn là niềm tin lớn lao nhất trong trái tim con gái nhỏ” - chị Lan chia sẻ.
Theo Bảo Vy/Phụ nữ Việt Nam
Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, điều tôi sợ nhất là mỗi khi nhận tin con gái lớn ở lại với chồng cũ bị ốm (Ảnh minh hoạ)