Chính vì thế, bà bầu phải tuân theo một thói quen ăn uống hợp lý và học cách làm sao đạt sự cân bằng trong mỗi bữa ăn để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi, đồng thời cần phải tránh xa các loại thức ăn có thể gây hại đến sức khỏe cho cả mẹ và con.
Chị Thùy Mai (26 tuổi) mang thai được 4 tháng, chị có thói quen uống cà phê trứng từ hồi còn thanh niên, khi mang thai chị lại càng “nghiện” món này. Hầu như trưa nào chị cũng đến quán cà phê quen thuộc để thưởng thức cà phê trứng. Vừa qua, sau một lần uống cà phê trứng chị bị đi ngoài, chóng mặt, buồn nôn … phải vào bệnh viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, bác sỹ cho biết chị bị rối loạn tiêu hóa do ăn, uống thực phẩm không đảm bảo. Cũng may bác sỹ đã kịp thời xử lý không ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sỹ khuyến cáo trong thời kỳ mang thai phụ nữ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm cho nên chị Mai cần hết sức thận trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên Bộ môn Công nghệ Sinh học (Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết, hiện nay chế độ ăn dinh dưỡng cho thai phụ rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị em có thể tìm hiểu dễ dàng. Với trường hợp của chị Mai, lời khuyên cần thiết là nên kiêng một số thói quen ẩm thực trong thời gian thai kỳ.
Nếu đã có cân nặng lý tưởng khi bắt đầu mang thai thì trong 4 tháng đầu tiên, chị cần nạp thêm khoảng 300 calo mỗi ngày trong 3 tháng tiếp theo và 450 calo mỗi ngày trong 3 tháng cuối thai kỳ. Cần tránh xa hải sản sống như hàu, sushi hay món gỏi cá, sữa chưa tiệt trùng và phô mai làm từ sữa chưa tiệt trùng hay còn gọi là phô mai mềm như Brie hay Camember và phô mai Mê-xi-cô như queso blanco và panela; pa-tê, thịt gia súc và gia cầm sống hay tái vì những loại này có thể chứa những loại vi khuẩn hoặc kim loại nặng không tốt cho thai nhi.
Hiệp hội dinh dưỡng khuyến cáo thai phụ chỉ nên tiêu thụ khoảng 300-400gr cá mỗi tuần, tương đương với khoảng 2 bữa ăn một tuần. Mẹ bầu cũng cần đặc biệt chú ý tới những nhóm thực phẩn không nên ăn trong giai đoạn này. Cụ thể như phô mát mềm, nhóm thực phẩm có hàm lượng thủy ngân cao, thức ăn đường phố…
Hạn chế việc nhịn đói hay bỏ bữa. Cần đảm bảo cơ thể người mẹ được nạp năng lượng sau mỗi 4 tiếng/lần. Thực đơn tham khảo hàng ngày có thể chia thành 5 – 6 bữa như sau: Bữa sáng: 1 ly sữa ít béo, Bánh mì hay ngũ cốc (350gr), 1 quả chuối hoặc táo; Bữa sáng phụ: 2 lát bánh mì (nên chọn bánh mì đen), phô mai (4 miếng nhỏ), Cà chua hoặc dưa hấu; Bữa trưa: 1 chén cơm, 300gr thịt hầm (có thể hầm với rau hoặc với đậu), 1 hộp sữa chua; Bữa trưa phụ: Các loại hạt (100gr) như hạt hạnh nhân, hạt dẻ… hoặc là salad trộn; Bữa tối: Bánh mì gà, Sữa chua tiệt trùng.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng thai phụ cần tránh xa rượu và các thức uống có cồn để ngăn ngừa hội chứng ngộ độc rượu thai nhi (fetal alcohol syndrome – FAS). Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy uống một lượng rượu nhỏ có thể ảnh hưởng đến thai nhi sau này, nguy hiểm nhất là khi bạn uống rượu trong 3 tháng đầu tiên, nhưng không có bằng chứng không có nghĩa là nó sẽ không gây tổn thương cho thai nhi.
An toàn thực phẩm rất quan trọng trong thai kỳ: Để tránh xuất hiện các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, thai phụ có thể thực hiện để giảm thiểu khả năng bị ngộ độc thực phẩm khi mang thai bằng cách giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền/thực phẩm chín; tránh dùng sữa/nước trái cây chưa tiệt trùng; nấu kỹ thực phẩm sống trước khi ăn; rửa trái cây và rau quả kỹ trước khi ăn; lưu trữ thực phẩm dễ hỏng một cách cẩn thận và an toàn; chú ý đến ngày hết hạn của thực phẩm…