Tiến sĩ cảnh báo sai lầm quanh cách hiểu về 'đoạn văn' trong đề thi THPT quốc gia
Nuôi con ăn rau rừng, uống nước lã, bán 400 ngàn đồng 1 kg thịt / Cận cảnh: Nông dân xứ Quảng bắt chuột như làm xiếc, mỗi ngày thu cả tạ chuột
Sai lầm trong cách hiểu về "đoạn văn"
Vài ngày gần đây, ý kiến của một số giáo viên Ngữ Văn có uy tín, kiến nghị một số “bất ổn” trong yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội của đề thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, theo ý kiến của TS Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) - một trong những giáo viên tâm huyết, vấn đề không nằm ở “yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội của đề thi THPT quốc gia” như một số bài viếttrước đó mà ở cách hiểu, cách dạy, luyện viết đoạn văn ở một số giáo viên phổ thông, thậm chí hiện hữu ngay trong một số đề, đáp án đăng tải trên các phương tiện truyền thông thời gian qua.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới việc dạy và học hiện nay ở các Trường THPT, cũng như việc luyện tập chuẩn bị cho các kì thi của học sinh, nhất là ảnh hưởng tới sự công bằng cho học trò trong kì thi THPT quốc gia sắp tới.
TS Tuyết cho rằng, đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh trong hệ thống ý hướng tới chủ đề chung của văn bản. Đoạn văn được bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng.
Cách viết đoạn văn nghị luận cũng được đề cập tới trong bài Luyện tập viết đoạn văn nghị luận (Ngữ văn lớp 10, tập 2, tr. 140).
Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT kỳ thi THPT quốc gia 2018, môn Ngữ văn. (Ảnh: NVCC)
Với việc giảm thời gian làm bài thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia từ 180 phút xuống 120 phút, yêu cầu viết bài văn nghị luận về một vấn đề trọn vẹn của tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng xã hội khoảng 600 từ, đã được điều chỉnh thành yêu cầu viết đoạn văn nghị luận về một khía cạnh của vấn đề của tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng xã hội.
Quan sát các đề và đáp án sau đó của Bộ GD&ĐT trong câu nghị luận xã hội (NLXH), đặc biệt trong hai đề thi THPT quốc gia năm 2017 và 2018, có thể nắm bắt chính xác yêu cầu về hình thức (một đoạn văn khoảng 200 từ) và nội dung (nghị luận về một khía cạnh nội dung của vấn đề).
Tuy nhiên, trên thực tế, trong hai năm qua - tức là từ khi đề thi THPT quốc gia bắt đầu thay đổi từ yêu cầu “viết văn bản” trong câu nghị luận xã hội thành yêu cầu “viết đoạn văn”, nhiều nơi vẫn công bố những đề thi và đáp án chưa đáp ứng yêu cầu của một đoạn văn, không khỏi khiến phân tâm cho thầy và trò trong quá trình dạy, học, ôn luyện...
Cụ thể, trong bài “Đáp án chi tiết đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019 môn Ngữ văn”, đăng trên một tờ báo vào ngày 6/12/2018, đáp án cho câu nghị luận xã hội vẫn cho thấy chưa nắm vững tinh thần về chuẩn đáp án cho đoan văn NLXH của Bộ GD&ĐT.
Với đề bài: "Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống", có thể thấy rõ đề bài yêu cầu học trò trình bày suy nghĩ về một nội dung nhỏ của vấn đề, đó là "bài học cho bản thân trong vấn đề thay đổi để thành công".
Sự thiếu nhất quán khi dùng thuật ngữ "bài văn/đoạn văn" cũng là nguyên nhân khiến học trò băn khoăn khi triển khai ý cho đoạn văn NLXH.
Tuy nhiên, phần gợi ý đáp án đăng trên tờ báo này như sau:
"Đề thành công thì thay đổi là một trong những yếu tố cần thiết trong cuộc sống. Mỗi người khi bàn về điều này sẽ có quan niệm khác nhau, hiểu nôm na thì nó là sự biến đổi khác biệt so với trước đó. Có thể thấy, chất cuộc sống là sự thay đổi, nó diễn ra không chỉ trong hành động mà còn trong cả suy nghĩ.
- Cho nên, mỗi quyết định nào đó đều có thể làm nên sự khác biệt trong cuộc đời của một người. Khi mang trong mình tâm thế đối diện và sẵn sàng thay đổi sẽ giúp giúp cuộc sống con người có được nhiều phương tiện sống tốt hơn, nhiều cách làm hiệu quả hơn, nhiều ước mơ đạt được và sống ý nghĩa hơn.
- Có lẽ, nếu không nhờ sự thay đổi từng ngày thì Chủ tịch tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng không thể có được thành công như ngày hôm nay - trở thành tỉ phú đô la nhờ bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina, sau đó đầu tư bất động sản ở Việt Nam. Hiện tại đã triển khai dự án sản xuất ô tô tại Việt Nam và nuôi tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế. Chắc chắn rằng, mỗi sự thay đổi đều không dễ dàng gì nhưng rõ ràng thay đổi sẽ giúp cuộc đời ý nghĩa hơn.
- Tuy vậy, đáng buồn là hiện nay không phải ai cũng có tư duy thay đổi cho nên cuộc sống của họ không hề được cải thiện gì thêm, sống trong một vòng lẩn quẩn, mặc cho dòng đời đưa đẩy, họ cam chịu trong kiếp người khốn khổ.
- Nói tóm lại, tất cả chúng ta đặc biệt là thế hệ trẻ và cả bản thân tôi nữa cần nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có những thay đổi phù hợp và tích cực nhất. "Bạn không thể mong đạt được những mục tiêu mới hay vượt qua hoàn cảnh hiện tại nếu bạn không thay đổi” - Les Brown".
TS Trịnh Thu Tuyết khẳng định, gợi ý đáp án nói trên thực chất là đáp án cho “bài văn” nghị luận về toàn bộ vấn đề "thay đổi để thành công", không phải đáp án cho “đoạn văn” như đề yêu cầu.
“Do đó, cần có cảnh báo về hai điểm sai cơ bản trong một đáp án được đăng tải trên thông tin đại chúng, có thể gây hiệu ứng lan tỏa đáng ngại cho thầy trò cả nước: Thứ nhất, sai về vấn đề nghị luận. Thứ hai, sai về cấu trúc nội dung của đoạn văn” - TS Trịnh Thu Tuyết cảnh báo.
TS Trịnh Thu Tuyết mong muốn Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn cụ thể hơn tới các Sở GD&ĐT, thống nhất về cách hiểu tiêu chí hình thức và nội dung của đoạn văn, cảnh báo những cách hiểu sai lầm khi coi đoạn văn là bài văn thu nhỏ.
Mong có công văn hướng dẫn cụ thể
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, chính vì không phân biệt rành mạch giữa “bài văn” và “đoạn văn” nên ngay cả trong câu lệnh ra đề trong quá trình luyện thi, nhiều giáo viên vẫn nhầm khi ra đề: “viết bài luận khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ về...." thay vì yêu cầu "viết đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ về...".
Sự thiếu nhất quán khi dùng thuật ngữ "bài văn/đoạn văn" cũng là nguyên nhân khiến học trò băn khoăn khi triển khai ý cho đoạn văn NLXH.
“Trong Hướng dẫn châm thi của Bộ năm 2018, có lưu ý giáo viênkhi chấm: không cho điểm tối đa đối với các bài làm có cách triển khai ý như một bài văn.
Tuy vậy, vẫn tồn tại một hiện tượng đáng ngại, đó là có những giáo viên tuy nắm bắt chính xác tinh thần của Bộ GD&ĐT, hiểu yêu cầu về nội dung và hình thức một đoạn văn, nhưng bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, lo lắng cái đúng có nguy cơ bị cái sai lấn át, lo học sinh mình thiệt thòi, mất điểm, đành khuyên trò “ thừa hơn thiếu cho yên tâm”.
Đó cũng là nguyên nhân khiến cái sai ngày càng lan rộng, và mặc nhiên thành một giải pháp an toàn”, cô Tuyết cho biết.
Trước những băn khoăn trên đây, TS Trịnh Thu Tuyết mong muốn Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn cụ thể hơn tới các Sở GD&ĐT trong cả nước, thống nhất về cách hiểu tiêu chí hình thức và nội dung của đoạn văn, cảnh báo những cách hiểu sai lầm khi coi đoạn văn là bài văn thu nhỏ.
Sai lầm ấy không chỉ làm sai lệch cách hiểu về đoạn văn, sai với chỉ đạo của Bộ đã thể hiện trong đáp án đề thi THPT quốc gia hai năm 2017, 2018 mà còn có thể dẫn tới sự thiếu khách quan, thiếu công bằng, gây thiệt thòi cho học sinh trong kì thì THPT quốc gia năm 2019, do chủ trương chấm chéo các tỉnh thành trong cả nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo