Đời sống

Trăn trở hàng nghìn lần vẫn không dám bỏ việc, tạo bước đột phá, tự lập

Có một điều mà em đã trăn trở đến 8.000 lần vẫn chưa dám quyết, đó là nghỉ việc, một công việc mà em đã làm ổn định trong suốt 5 năm qua với mức lương 9 triệu đồng mỗi tháng, không hơn. Em luôn mong mỏi sự đột phá của bản thân, thay đổi để cải thiện cuộc sống hiện tại nhưng em lại do dự và lo lắng.

Bố chồng hay xét nét, nói xấu con dâu trước mặt họ hàng / Dâu mới và gánh nặng “hàn gắn” gia đình

Thanh Tâm thân mến!

Chồng em là 1 kĩ sư, chỉ biết đến công việc và không để ý bất kì điều gì xung quanh. Nói khái quát thì trong 8 năm yêu nhau, cưới nhau, chồng em làm bao nhiêu, đưa bấy nhiêu, cũng không quan tâm nhà còn thóc hay còn gạo. Nếu muốn uống 1 cốc bia thì anh ấy bảo em đưa tiền. Cảm giác anh ấy không quan tâm đến sự thăng tiến trong công việc. Ấy thế mà, mấy tháng trước, chồng em đã quyết tâm nghỉ việc để khởi nghiệp cùng 3 người bạn thân, khiến em vô cùng ngạc nhiên, trong lòng thầm ngưỡng mộ. Bởi đó chính là ước muốn bấy lâu nay em muốn mà chưa dám thực hiện.

Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại. Em còn có con. Dù sao cứ ổn định như hiện nay, em vẫn đủ tiền gửi về hàng tháng cho bà nuôi cháu. Chứ bây giờ nếu 2 vợ chồng đều khởi nghiệp, chúng em có thể sẽ không thực hiện được kế hoạch đón con lên Hà Nội ở cùng. Chẳng là do chưa đủ điều kiện kinh tế và thời gian, nên vợ chồng em phải gửi con nhờ ông bà trông cháu hộ. Bà có ở cùng chúng em một thời gian nhưng nhà đi thuê chật chội, ông lại thường xuyên đau ốm ở quê, nên bà đưa cháu về ở cùng, bà tiện chăm ông. Vậy là 1 tháng đôi ba lần, vợ chồng em về thăm ông bà và con. Nhìn những gia đình khác tự lập sống cùng các con, em lại thấy buồn, tự trách mình và nhủ lòng, mình cần cố gắng hơn.

Nhưng đó không chỉ là tâm tư của mình em. Con em biết thương ông, thương bà rồi thủ thỉ: "Ông bà không phải lo gì nhớ, sau này ông bà già đi, con sẽ nuôi ông bà!". Nhưng dù ông bà có đối xử với cháu tốt ra sao, trong lòng nó luôn muốn được ở cùng bố mẹ. Nó đã thì thầm vào tai em: "Mẹ thu xếp công việc, nhà cửa rồi đón con lên ở cùng nhé, hay bố mẹ không cần con nữa rồi?". Lời con nói khiến em chỉ muốn ôm lấy con mà khóc oà. Em quyết tâm sang tháng sẽ tìm lớp và đưa con lên. Và "bài toán" đưa con lên ra sao, đón con thế nào khiến em trăn trở. Nhà em và công ty đang làm quá xa nhau. Con tan học lúc 5h nhưng 5 rưỡi em mới về được, có phi về cũng phải mất 45 phút, vậy con sẽ ra sao? Đi làm xa, đến khi về lại mệt bở hơi tai vì tắc đường và chen chúc, rồi tất bật tắm rửa cho con, nấu ăn... nếu không kiềm chế tốt, có thể con sẽ phải hứng trọn những cơn tức giận của em khi trót làm sai việc gì đó...

Trăn trở với “bài toán” tự lập - Ảnh 1.

Có một điều mà em đã trăn trở đến 8.000 lần vẫn chưa dám quyết, đó là nghỉ việc...

Em đã thử nói chuyện với chồng nhưng hỏi rồi mà như chưa hỏi, em vẫn mông lung chưa biết nên làm thế nào, bởi vậy em hỏi chị xem sao. Công việc đang làm hiện tại, lương cũng không quá cao để phải đánh đổi nhiều như thế. Em định xin nghỉ việc và tìm 1 công việc mới ở gần nhà. Lương có thể thấp hơn, chuyên ngành cũng sẽ không được đúng nhưng em có thời gian đón con và chăm con hơn? Hoặc em nghỉ làm, có đứa em rủ đi bán mỹ phẩm và bảo hiểm, em có thể thử sức? Em rất muốn khởi nghiệp, hay em dồn vốn mở 1 cửa hàng bán gì đó, vừa làm tại nhà vừa có thời gian chăm con? Em trăn trở quá, chị Thanh Tâm ạ!

Tú Anh (Hà Nam)

Tú Anh thân mến!

Theo em chia sẻ, con của em ở gần ông bà từ nhỏ nên có tình cảm và sự biết ơn. Chị nhận thấy ông bà đã chăm sóc con em thật tốt. Nhưng đúng vậy Tú Anh à, dù ông bà có dành hết ruột gan cho cháu, chúng vẫn muốn được ở cùng bố mẹ. Và câu hỏi của con cũng đã thấy một phần tâm lý trong đó, ấy chính là sự không an toàn và mất tự tin: "Hay là bố mẹ không còn cần con nữa?!".

Thu xếp công việc và đón con lên sống cùng rất quan trọng em nhé. Điều này sẽ giúp con cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ, gia đình. Quyết định nghỉ việc hay không, làm công việc gì, phải do chính bản thân em nhận định. Có thể trả lời giúp chị một vài câu hỏi như: Công việc em đang làm có tương lai không? Em đang mong muốn điều gì? Em đang cần công việc như thế nào? Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, chị tin rằng em sẽ có những quyết định đúng đắn và phù hợp trong giai đoạn này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm