Anh nói tôi không cần phải chào hỏi bất kỳ ai trong gia đình anh. Người duy nhất xứng đáng được chào hỏi là mẹ anh, thì bà đã qua đời.
Còn cha thì sao? Câu hỏi còn ngập ngừng thì anh tuôn ra luôn. Cha gửi anh về quê ở với ông bà nội. Thằng nhóc sinh ra ở thành phố đã quen với bao tiện nghi phố phường, đùng một cái vừa mất mẹ và mất luôn không gian sống quen thuộc, thằng nhóc trở nên rụt rè nhút nhát luôn sợ hãi một điều gì đó rất kinh khủng sẽ đến với mình như đã xảy ra việc mất mẹ và mất luôn sự quan tâm chăm sóc của cha.
Khi đó thằng nhóc mới bảy tuổi. Niềm mong ngóng cha ngày ngày cho nó chút sức sống để rồi nó lún sâu hơn trong cô đơn sau từng ngày trôi qua mà chẳng thấy cha đâu. Chiều tối nào nó cũng nhìn ra cổng mà hỏi “ba sắp về chưa?”. Ông nội ậm ừ trong cổ còn bà nội thì đánh trống lảng bằng cách xuýt xoa về món ăn nào đó.
Chiều nào bà nội cũng bày chuyện xay bột làm bánh hoặc sàng sảy đậu để nấu chè. Sau này nó mới hiểu ra là bà nội hay bày chuyện vào cuối ngày để lôi kéo đứa cháu côi cút xúm xít bên bà mà quên đi nỗi chờ mong và có lẽ bà già nhà quê nghĩ là những món bánh, món chè nhiều đường ngọt lừ đó có thể bù đắp cho tình cha mẹ yêu thương ngọt ngào mà đứa bé nào cũng đương nhiên có được.
Bảy năm sau, cha trở về cùng với người đàn bà có một thằng con riêng kém nó một tuổi tên Hùng. Thành ra nó có một đứa em trai từ trên trời rớt xuống. Nuôi con người ta mà con mình gửi nội thì cũng kỳ, vậy nên cha đón nó về ở cùng. Hồi đó, nó chưa hiểu thấu lòng dạ cuộc đời nên người lớn sai đâu làm đó, sung sướng ngây ngất trước mỗi lời khen ngợi.
Cha giao cho nó nhiệm vụ kèm cặp thằng em trai học hành. Nó tự hào lắm vì được làm thầy. Vụ thầy trò đó khiến cha và mẹ kế ghi được điểm cộng trong mắt mọi người. Chứ sao, có được mấy gia đình con riêng hai bề mà đầm ấm vậy. Hồi đó nó ngây thơ lắm. Càng được khen ngợi nó càng ra sức kèm cặp và chiều chuộng thằng em không chung chút máu mủ cho tới khi nó lớn khôn và hiểu ra mình chỉ là công cụ của cha và mẹ kế…
Tôi không muốn anh buồn, tôi không muốn phải nghe giọng điệu giễu cợt mỉa mai khi anh kể về gia đình mình, vậy nên tôi cố tìm ra những điểm sáng cho anh vui, ừ, tuổi thơ anh may mắn có được ông bà nội cưng chiều quá chừng, đâu phải đứa nhóc nào cũng được bà nội nấu chè cho ăn từng ngày. Và rõ ràng là việc học hành của anh được chăm sóc chu đáo, nếu không thì sao anh làm gia sư cho Hùng được?...
Nghe tôi nói, anh nhún vai phẩy tay tỏ ý chẳng cần tôi an ủi.
Nhưng đến lúc bàn chuyện cưới xin thì không thể không chào hỏi.
Đó là một chiều cuối tuần mát mẻ, thích hợp cho cuộc gặp gỡ đầu tiên. Bước qua cổng ngôi biệt thự rộng lớn, tôi nhìn thấy những chiếc xe đạp và xe máy dựng ở góc sân. Anh cười nhếch mép, lũ học trò của thằng Hùng đó, tiền bạc mẹ con nó bòn rút đủ để mua du thuyền mà bày đặt diễn trò dạy kèm tại nhà cho thiên hạ thấy là nó có làm việc đó em. Kẻ bị anh buộc tội bày đặt diễn trò chào tôi và nói thật nhanh trước khi phóng lên lầu “xin lỗi, không cùng mẹ tiếp chị ngay lúc này được vì đang giờ dạy”.
Câu nói khiến tôi dò đoán Hùng không thuận thảo với cha. Chẳng hiểu có phải đọc thấu ý nghĩ trong đầu tôi hay đã quen với việc đứng giữa những - thành - viên - không - thể - gắn - kết, mẹ kế của anh nhanh nhảu phân bua “bác trai đi công tác từ hôm qua cháu à, nếu biết…”. Bà vội ngừng lại như lỡ lời. Nếu biết gì? Tôi rơi vào căng thẳng vì âm thanh giọng nói buộc tội của anh, vì sự so sánh giữa người phụ nữ ân cần đằm thắm trước mặt và người phụ nữ gian ngoa khôn khéo qua lời kể của anh.
Thường ngày nhà mình hay làm bánh mà sao hôm nay tủ lạnh trống không vậy dì? Cả trái cây cũng không có chút nào là sao? À, lúc nãy lớp học giải lao thấy mấy đứa nhỏ tranh cãi dễ thương quá nên dì dọn hết đồ trong tủ lạnh làm phần thưởng, may mà còn mấy trái chanh. Bà đặt ly nước chanh trước mặt tôi với vẻ áy náy và câu nói chừng như phân bua với tôi hơn là trả lời anh. Còn anh thì bực bội vì cuộc đón tiếp tôi tồi tệ đúng như anh nghĩ.
Tôi tự nhủ hãy quên đi cuộc gặp đầu tiên đó, đã biết về gia đình của anh từ trước nên tôi không để mình buồn. Nhưng dù sao thì đó sẽ là gia đình chồng của tôi, thông tin của mỗi thành viên trong gia đình đó bằng cách này hay cách khác bay đến với tôi.
Bữa cơm trưa văn phòng, đang tám chuyện trên trời dưới đất bỗng một người kêu lên “có em chồng là giáo viên dạy toán giỏi mà giấu kỹ không cho bạn bè nhờ hả?”. Ra Hùng là giáo viên giỏi. Đồng nghiệp nhờ tôi xin cho đứa em chuyển học lớp của Hùng. Cú điện thoại nhờ cậy lan man một hồi thì Hùng nói “hôm đó cả nhà ai cũng áy náy, cũng tại anh hai không báo trước, mong được lần sau đón tiếp chị chu đáo hơn”.
Tôi nghe mà điếng trong lòng, đưa tôi về ra mắt gia đình mà anh không báo trước thật sao? Tôi nhớ lại câu nói “nếu biết…” mà mẹ kế vội ngừng lại như sợ lỡ lời. Sao anh lại chọn ngày cha mình vắng nhà? Sao anh chọn lúc lũ trẻ tới nhà và Hùng bận dạy học? Chẳng lẽ chỉ vì muốn chứng minh điều anh kể mọi người tệ hại là đúng? Lẽ nào…
Anh vẫn nhắc đến từng thành viên trong gia đình bằng giọng giễu cợt mỉa mai và tôi cố gắng phân bua cho người mình trót yêu, ừ, anh chỉ là một người bình thường với những yêu ghét thường tình, không thể ép buộc anh yêu thương mẹ kế và đứa em không máu mủ. Hơn cả không thể yêu thương, anh ghen tỵ vì phải chia sẻ cha mình với người khác...
Nhưng… đã tính chuyện cưới vợ lẽ nào anh không cảm nhận được hạnh phúc gia đình là vô giá? Lẽ nào anh không mong cha mình được hạnh phúc?
Tôi đến nhà anh lần thứ hai, một mình. Tôi đã nghe anh nói nhiều về người ta và bây giờ tôi muốn nghe người ta nói về anh, chồng sắp cưới của tôi, người mà tôi sẽ cùng đi trên đường đời rất dài.
Nhưng chẳng có một lời nào về anh. Sau nỗi ngạc nhiên khi thấy người nhấn chuông ngoài cổng là tôi “con có việc đi ngang nhà ghé thăm…”. Bà nhẹ nhàng cầm tay tôi và bóp nhẹ. Sự thông cảm không lời khiến tôi muốn khóc. Bà đã hiểu ngay dù tôi chưa biết bắt đầu từ đâu. Sự thông hiểu đằm thắm của bà cho tôi thấy một phụ nữ rất khác với những gì anh đơm đặt. Hẳn tình yêu bà dành cho chồng rất lớn, đủ để bà ôm trọn nỗi niềm; nếu tôi bước vào gia đình này và đứng về phía anh thì hẳn bà cũng sẽ dịu dàng với tôi bất kể, để người đàn ông của bà được bình yên.
Yêu chỉ vì yêu thôi, lời bài hát nào nói vậy và tôi cũng muốn vậy, yêu chỉ vì yêu. Nhưng lúc này tôi có nỗi sợ, nếu mình lỡ yêu một người quá ích kỷ và vô cảm… Tôi nghe nói có những đứa con khăng khăng không chịu cha hoặc mẹ mình đi bước nữa mà nếu cái điều khăng khăng đó vẫn bị phá vỡ thì đứa con đó sẽ đáp trả bằng cách biến gia đình thành chiến trường.
Tôi không muốn trở thành chiến binh trên chiến trường vô lý đó. Và nữa, tôi không muốn chồng mình là một người ích kỷ vô cảm. Tôi cố gắng phân bua cho anh, cho cậu bé sớm mồ côi mẹ vẫn còn đó trong anh. Nhưng nếu anh cứ để mình mãi mãi là một cậu bé…
Tôi có muốn làm vợ một cậu bé không?
Theo Nguyên Hương/Báo Phụ nữ
Ảnh minh họa