Tri Tôn: Điểm đến của nhiều cảnh đẹp, di tích và huyền thoại
Cảnh đẹp thế giới mê ly qua ống kính của cặp đôi người Nam Phi / Khám phá cảnh đẹp và cuộc sống ở thủ đô xứ sở Ai Cập huyền bí
Với những tiềm năng và thế mạnh về du lịch, huyện Tri Tôn hàng năm tiếp đón khoảng 560.000 lượt du khách đến tham quan, tăng thu nhập bình quân đạt 32,741 triệu đồng. Các điểm tham quan giải trí, các khu di tích lịch sử, khu di tích cách mạng không ngừng được củng cố và đầu tư để ngành du lịch của huyện nhà, đưa Tri Tôn trở thành một điểm tham quan du lịch nổi tiếng trong và ngoài khu vực.
Với địa hình khá đa dạng, vừa có đồng bằng vừa có đồi núi, cảnh vật thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp cùng những di tích văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng, nơi đây đã thu hút nhiều lượt du khách đến khám phá, chiêm nghiệm và cùng tìm cho mình những giây phút thư giãn bên người thân và bạn bè giữa cuộc sống đầy bộn bề…
Căn cứ Ô Tà Sóc, đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba chúc
Căn cứ Ô Tà Sóc |
Đồi Tức Dụp |
Căn cứ Ô Tà Sóc nằm dưới chân núi Dài (xã Lương Phi) với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thích hợp cho những chuyến dã ngoại. Trong đó, đồi Tức Dụp nằm dưới chân Núi Tô (xã An Tức), gắn liền với giai thoại “ngọn đồi 2 triệu đô-la”. Căn cứ Tỉnh ủy cùng các hoạt động trong hệ thống hang của ngọn đồi được phục dựng lại, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí được nâng cấp giúp khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp trở nên hấp dẫn hơn.
Nhắc đến tên gọi, Ô Tà Sóc có nghĩa là suối ông Sóc, thuộc dãy núi Dài, vùng Thất Sơn huyền bí, ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Đây là điểm cao hiểm trở với nhiều hang động, vách đứng cheo leo. Vì vậy, nơi đây từng là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy An Giang trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tại căn cứ Ô Tà Sóc, quân và dân ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh, giữ vững căn cứ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hi sinh. Tỉnh An Giang và 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, trong đó có phần đóng góp quan trọng của những người có mặt ở Ô Tà Sóc trong những năm kháng chiến oanh liệt này.
Du khách còn có thể đến thị trấn Ba Chúc để thăm nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ những bộ hài cốt của đồng bào bị bọn diệt chủng Pôn Pốt tàn sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Điểm nhấn công trình nhà mồ Ba Chúc hiện tại được thiết kế hình hoa sen úp ngược, với 8 cánh hoa sen được sơn màu trắng nhằm giảm bớt cảnh tang thương chết chóc. Mỗi cánh hoa sen là nơi trưng bày một nhóm hài cốt theo độ tuổi, giới tính khác nhau .
Hồ Tà Pạ
Một góc Hồ Tà Pạ |
Có vị trí khá gần Thị trấn Tri Tôn, cách 1km, nơi đây với vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí. Nước hồ ở mỗi khúc lại có màu sắc khác nhau. Có khúc màu xanh lơ, khúc màu xanh ngọc bích, khúc màu vàng, màu cam…Hồ Tà Pạ là một hồ nước được hình thành từ việc khai thác đá, vô tình đã tạo nên một hồ đá chứa nước trên núi, với cảnh quan thật đẹp, như bức tranh thủy mặc, làm cho những người đến đây phải trầm trồ ngạc nhiên.
Phong cảnh tại Hồ Soài Check |
Giống như các hồ nước trong vùng Thất Sơn, đường vào hồ Tà Pạ còn rất hoang sơ và yên tĩnh. Cảnh sắc xung quanh hồ khá đẹp, với núi non hùng vĩ bao quanh hồ. Dù có bàn tay con người nhúng vào nhưng cảnh ở đây vẫn đẹp tự nhiên và làm mê say lòng người đến lạ giữa những bộn bề cuộc sống ngày nay, đến với hồ Tà Pạ là dịp để tìm cho mình sự thư giãn thoải mái với cảnh non xanh nước biếc và không khí làng quê yên bình, tĩnh lặng.
Từ hồ Tà Pạ, phóng tầm mắt du khách sẽ thấy núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn). Núi Cô Tô là 1 trong 7 núi trong cụm Thất Sơn. Đỉnh Cô Tô được nhiều bạn bình chọn là nơi “check- in” đẹp nhất An Giang. Đỉnh núi gồm có Vồ Hội Lớn và Vồ Hội Nhỏ. Nơi đây đẹp nhất vào buổi hoàng hôn và bình minh. Buổi tối du khách có thể nghỉ ngơi lấy lại sức, ngủ sớm, sáng dậy sớm ngắm bình minh. Nếu may mắn gặp ngày thời tiết tốt du khách còn thể ngắm biển mây.
Ngay ở chân núi có hồ Soài So (xã Núi Tô) do suối Vàng bắt nguồn từ đỉnh núi chảy qua các vồ đá, khe núi rồi đổ về hồ... Đến đây, du khách sẽ không khỏi chớp mắt trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi Cô Tô soi bóng xuống mặt nưới hồ phẳng lặng trong vắt, tô đậm thêm nét quyến rũ nên thơ. Nằm giữa những cánh đồng bao la, bát ngát, ngọn núi Cô Tô khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ say đắm lòng người. Những ngôi nhà được xây dựng trên các vách đá dựng đứng, từng rặng cây đung đưa theo gió đem lại khí hậu mát mẻ quanh năm.
Một góc Hồ Soài So |
Cách đó không xa, hồ Soài Check và Hồ Ô Thum là những hồ trữ lượng nước phục vụ cho sản xuất và phòng, chống cháy rừng nhưng do nằm dưới chân núi Cô Tô nên tạo thành một cảnh đẹp tĩnh lặng giữa núi rừng, thu hút những người yêu thích thiên nhiên và những bạn trẻ thích khám phá và chụp ảnh.
Hồ Soài So
Nằm tại sườn phía Đông của dãy núi Cô Tô, trên địa phận xã Núi Tô – huyện Tri Tôn. Khi vào đến hồ sẽ thật ngạc nhiên trước một vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi Cô Tô và sự độc đáo của bờ hồ, nước hồ trong vắt, mặt nước phẳng lặng, càng làm tô đậm thêm nét quyến rủ cho khu hồ. Hồ Soài So có phong cảnh đẹp nên thơ với khí hậu mát mẻ, trong lành. Đây là nơi thích hợp để vừa nghỉ ngơi, thư giãn và tham quan phong cảnh núi non. Vào sâu phía bên trong, du khách sẽ được đi dạo dưới bóng mát của vườn xoài, với những cây xoài đại thụ xen lẫn với những vườn rau, vườn điều do người dân trồng, góp phần tạo cho cảnh quan nơi đây càng mang nhiều sắc thái của nơi thôn dã, gây trong lòng du khách một ấn tượng khó quên. Hồ Soài So cũng là điểm đến hấp dẫn cho các chuyến dã ngoại cũng gia đình và bạn bè.
Bên cạnh đó du khách có thể kết hợp với du lịch tâm linh, các chùa như: Chùa Phi Lai, Tam Bửu (thị trấn Ba Trúc), chùa Vân Long, chùa Bồng Lai, chùa Cô Tô 11 (xã Núi Tô), chùa Long Định (xã Châu Lăng), Chùa Xvayton, Chùa Tà Pạ…Tri Tôn sở hữu 04 núi trong 7 núi Thất Sơn đi vào lịch sử gồm: Thủy đài sơn, Ngọa long sơn, Liên hoa sơn, Phụng hoàng sơn những nơi này là nơi thu hút khách hành hương đến hành hương, khấn vái mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an…
Chùa Xvayton
Là công trình kiến trúc nổi tiếng không chỉ của An Giang mà còn của cả nước. Chùa được xây dựng cách đây khoảng 300 năm, trên một khu đất rộng nằm ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn. Theo lời kể của các bậc cao niên, khi chưa cất chùa, nơi đây là rừng rậm hoang vu, dân cư thưa thớt, có nhiều cây cổ thụ và muông thú ở, bên cạnh các con đường mòn đi lại của người dân có nhiều đàn khỉ sinh sống, hằng ngày thường đu theo các cành cây níu kéo gánh của người dân gánh đi chợ. Nên sau này, khi chọn đất dựng chùa, các sư sãi đặt tên cho chùa là Svayton.
Ngày 12/12/1996, chùa Xvayton được Bộ Văn hóa ra Quyết định số 235/VH-QĐ công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Svayton là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh có tại Việt Nam với hơn 100 bộ kinh viết trên lá buông.
Chùa Tà Pạ
Nằm trên đỉnh đồi Tà Pạ nhưng lại không được xây trên nền đất bằng phẳng, mà được xây trên những cột chống đỡ vững chắc cao hàng chục mét, nên nhìn từ xa ngôi chùa như đang lơ lửng giữa không trung, nổi bật giữa rừng núi hoang sơ. Ngôi chùa có bầu không khí mát mẻ, thoáng đãng tạo cho du khách đến đây có cảm giác thư giãn và bình yên đến vô cùng. Ngoài cái tên Chùa Tà Pạ, người dân nơi đây còn gọi ngôi chùa này là Chùa Núi (Chùa Chưn-Num theo tiếng Khmer) là ngôi chùa theo phật giáo Nam Tông Khmer và được xây theo kiến trúc Khmer đặc trưng, với thắng cảnh nổi tiếng và mát mẻ, đây là nơi thích hợp cho các du khách trẻ đến khám phá, chụp cho mình những bức ảnh lưu niệm tuyệt đẹp.
Con đường lên Chùa Tà Pạ |
Với nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch, trong những năm qua, du lịch của huyện Tri Tôn không ngừng được nâng lên, quảng bá được hình ảnh của một Tri Tôn với nhiều cảnh quang thiên nhiên. Hiện nay, huyện đang từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý nhà nước, các cơ sở đơn vị kinh doanh du lịch; tăng cường đầu tư của Nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn nhân lực du lịch, gắn công tác đào tạo với nhu cầu xã hội.Ngoài ra, du lịch văn hóa cũng là nét đặt trưng của vùng đất Tri Tôn, tùy theo mỗi thời điểm với các ngày lễ, hội của đồng bào người Kinh cũng như Khmer có trong huyện như: Các ngày cúng Đình, Chùa, lễ hội Dolta, tết Chochamthmay của người Khmer cũng đang rất thu hút du khách gần xa.
Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Soài So, Tức Dụp, Ba Chúc, Ô Tà Sóc, Tà Pạ…theo quy hoạch của tỉnh và huyện để đáp ứng cho khách du lịch và người dân địa phương. Huyện từng bước tổ chức các sự kiện du lịch, nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn và xây dựng các nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn tại các khu, điểm du lịch; nghiên cứu hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí và các dịch vụ phục vụ khách du lịch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo