Nghĩ đến Tết mà lòng tôi như thắt lại, tôi biết lấy đâu ra 50 triệu theo yêu câu của chồng để tiêu pha dịp Tết này ở quê nội.
Còn hơn 1 tháng nữa là Tết, nhưng tôi lại chẳng mong đến ngày ấy, bởi Tết là dịp tôi mệt mỏi nhất trong năm, thậm chí trong cuộc đời tôi kể từ khi lấy chồng đến nay. Đi lại nhiều nơi, tốn kém đủ thứ, được nghỉ một tuần, nhưng phải đi hết nơi này chỗ kia, ngập đầu làm cỗ, lễ Tết.
Dịp Tết ai cũng háo hức về quê, còn với tôi, tôi thực sự sợ không phải là không nhớ đến quê hương mà vì tiền không có. Giữa thời buổi "bão giá", phải khéo léo chi tiêu mới đủ cho một gia đình nhỏ 4 người. Nào là tiền học của hai con, tiền ăn uống, tiền điện nước, internet, phí dịch vụ chung cư, gửi xe tháng…
Thu nhập của hai vợ chồng cộng lại được khoảng 20 triệu đồng, khéo chi lắm mới đủ. Có dư dả vài triệu cũng không dám gửi tiết kiệm vì trong nhà không hỏng cái này thì cũng phải sắm mới cái kia, phòng khi con cái ốm đau, thuốc men.
Tôi và chồng sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, kinh tế hai bên đều khó khăn, bao năm tích cóp, vay mượn mới mua được căn hộ chung cư giá rẻ, hàng tháng vẫn phải nộp 2,5 triệu đồng tiền trả góp mua nhà. Tôi cũng không dám tiêu pha lãng phí, ăn mặc giản dị, chỉ dám mua đồ vào dịp giảm giá. Chồng tôi không dám sa đà vào nhậu nhẹt, lương tháng đều đưa hết cho vợ.
Dịp Tết, tôi và chồng đều được thưởng tháng lương thứ 13, nghĩa là cả hai vợ chồng sẽ có thêm 15 triệu đồng để chi tiêu dịp Tết. So với chi tiêu dịp Tết, đúng là chẳng thấm là bao. Thế nhưng, đâu có nghĩa là được tiêu hết cho dịp Tết mà phải đóng một loạt tiền gộp như phí dịch vụ chung cư theo quý, vé tháng gửi xe theo quý, tiền internet… phải đóng vào thời điểm giáp Tết.
Chưa đến Tết, nhưng mẹ chồng, em chồng liên tục gọi điện nhắc nhở: "Tết này các con nhớ về thăm từng nhà cô, dì, chú, bác của bố và mẹ nhé. Đi làm ăn xa về có chút quà cho họ phấn khởi, dù sao cũng là con trưởng phải chu đáo nhé". Cuối cuộc gọi, mẹ và em chồng cũng không quên gửi lời nhờ mua hộ quần áo, giầy dép để chơi Tết. Gọi là nhờ nhưng vẫn là tôi mua tặng, chứ nào dám lấy tiền.
Tôi cảm thấy buồn và chạnh lòng, khi nghĩ đến bố mẹ đẻ đã lâu rồi chưa mua quà gì đáng giá, bởi có mua ông bà nhất quyết không nhận vì thương con gái vẫn còn cảnh nợ nần. Nhiều lúc, nghĩ đến bố mẹ ở quê nuôi mình khôn lớn, giờ đến ngày Tết cũng chỉ về thăm nhà ăn bữa cơm rồi lại đi, không có quà cáp gì báo hiếu. Tôi chỉ biết nằm khóc.
Đã vậy, chồng tôi năm nay còn giao nhiệm vụ: "Tết này em chuẩn bị tầm 50 triệu nhé, ngoài đi đối ngoại các sếp, còn phần lớn là về quê nội ăn Tết chi tiêu nhiều khoản. Thăm họ hàng nhà nội quà cáp tươm tất một chút, mừng tuổi mỗi cháu nhiều chút, giờ ai mừng tuổi vài chục nghìn nữa, người ta cười cho".
Nhìn khoản tiền có được, nhẩm sơ sơ sẽ không đủ vì sẽ phải đi quà các sếp của hai vợ chồng, thăm hỏi giáo viên chủ nhiệm của con, thuê xe về quê nội, ngoại. Tết dù không ở nhà nhưng vẫn phải có đồ lễ bày biện Tết, chậu quất, cành đào cho có không khí Tết bởi ra Giêng bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm đến chúc Tết. Khoản tiền 50 triệu mà chồng tôi yêu cầu, có khi còn không đủ.
Tôi không phải keo kiệt gì nhưng chúng tôi cũng rất khó khăn nên khoản tiền tiêu Tết cứ treo lơ lửng trên đầu. Chồng tôi phần thì vì sĩ diện, phần lại ngại mình là con trưởng nên về quê cũng phải chú trọng hình thức. Nhiều lần tôi định chia sẻ với chồng và gia đình bên chồng nhưng sợ làm anh mất mặt, gia đình có khi tan nát.
Ngồi dạy con học bài mà tâm trạng tôi chỉ nghĩ làm sao để Tết này có tiền để lo mọi thứ. Tôi đã chán lắm rồi cái cảnh Tết mà phải vác mặt đi vay mượn khắp nơi như mọi năm mà tôi buồn không tả.
Theo Ngọc Anh/Gia đình & Xã hội