Đời sống

Xấu hổ vì cách ứng xử của con trong ngày Tết

Nó đi thật nhanh mà không chào người lớn. Khi khách về, tôi nhắc nhở thì cháu trả treo: “con chưa đánh răng rửa mặt mà mẹ bảo con chào”.

Đừng để mắc bệnh trong ngày Tết vì thói quen hàng ngày khó bỏ này / Cảnh giác với những loài hoa đẹp ngày Tết nhưng có độc

Tôi có ba đứa con, con gái lớn học đại học năm thứ nhất, con gái thứ hai học lớp 7 và con trai út mới lên 4 tuổi. Hai con gái của tôi thông minh học giỏi, cuộc thi nào cũng dành giải thưởng cao nhưng tính tình mỗi đứa mỗi khác.

Ảnh minh họa

Con gái lớn vốn ít nói, nhút nhát, ngại giao tiếp còn trái tính trái nết. Mặc dù tôi đã nhắc nhở uốn nắn nhưng quả là “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Con gái thứ hai tính tình vui vẻ hoạt bát vô tư nhưng thích ăn vặt nên bị thừa cân. Con trai út khá nghịch ngợm, hiếm khi ngồi yên một chỗ.

Bình thường mọi năm, vợ chồng tôi chỉ đưa con trai nhỏ đi chúc Tết nhưng năm nay mới sắm được ô tô nên cả nhà cùng đi. Nhiều người mới lần đầu gặp các con của tôi vì thường ngày chúng bận học. Nhưng chính cách cư xử của các con trong mấy ngày Tết mà tôi bị đồng nghiệp chê bai.

Trưa mồng một, vài người đồng nghiệp của tôi đến chơi. Trong khi tôi bận bịu pha trà, dọn bánh mứt thì con gái lớn mới ngủ dậy đi ngang qua phòng khách. Nó đi thật nhanh mà không chào người lớn. Khi khách về, tôi nhắc nhở thì cháu trả treo: “con chưa đánh răng rửa mặt mà mẹ bảo con chào”. Tôi không còn biết nói sao nữa.

Khi đưa các con đi chúc Tết, đến nhà nào có món ngon là đứa con gái thứ hai sà vào ăn lấy ăn để. Tôi biết tính con thích ăn nhưng sự thể hiện đó làm tôi cực kì xấu hổ. Tôi không để con thiếu thốn nhưng con cư xử như một người đói ăn lâu ngày.

Xau ho vi cach ung xu cua con trong ngay tet
Ảnh minh họa

Nhiều gia chủ tỏ ra ái ngại khi vừa bưng dĩa này lên thì dĩa kia đã hết. Chưa kể, ăn xong, khi chào về, nó còn tranh thủ bốc mấy năm kẹo bánh cho vào túi nữa. Chồng tôi chẳng kiêng dè, mới lên xe đã la mắng con nhưng nó cứ cười không hề để tâm.

 

Con trai thứ ba đến nhà ai cũng tự tiện đi xuống bếp, xông vào phòng ngủ nhảy rầm rầm. Thậm chí, nhân lúc tôi không để ý, cháu con mở tủ lạnh nhà người khác, lấy xúc xích ăn ngon lành. Người lớn lì xì cũng không cảm ơn mà lấy tay giật phong bao rồi bỏ chạy.

Khi đến nhà sếp phó của tôi, cháu thấy con khủng long đồ chơi nhựa của con sếp đã tự ý bỏ vào túi mang về. Đến khi về gần tới nhà tôi mới phát hiện ra, chồng tôi phải quay xe trở lại để cháu trả lại đồ chơi. Trong khi ở nhà, giỏ đồ chơi của cháu không thiếu thứ gì, thậm chí chất đống không chơi.

Đưa con đi chơi được hai ngày tôi đã thấy rất căng thẳng nên quyết định để con ở nhà. Nhưng khi vợ chồng tôi đi vắng, khách tới nhà chơi cũng gặp phải những rắc rối. Tôi đã dặn đi dặn lại, không được khóa cổng, khách đến phải mời nước, chào hỏi.

Xau ho vi cach ung xu cua con trong ngay tet
Ảnh minh họa

Nhưng các con tôi làm ngược lại, khách gọi cửa mãi chúng mới mở dù ngồi trong nhà. Bưng đồ lên mời khách, khách chưa kịp ăn mình đã ăn hết. Đã thế, khách chào ra về là đòi lì xì trắng trợn theo kiểu: “bác chưa lì xì cháu mà”. Ai đến nhà tôi đều có những nhận xét không hay về các con.

Sáng nay, khi cơ quan gặp mặt đầu xuân, mọi người quây quần trò chuyện, tôi đã nghe không ít lời bàn tán về các con của mình. Quả thực, tôi thấy buồn dù họ nói không sai. Mới đầu năm đầu tháng đã như thế này khiến tôi rất nản.

 

Trước đây, tôi rất tự hào vì con mình học giỏi thì giờ đây thấy xấu hổ khi kỹ năng giao tiếp của con quá kém. Những người đã từng ngưỡng mộ thành tích học tập của con cũng thở dài ngao ngán khi gặp trực tiếp. Tôi không biết mình phải làm sao khi các con tỏ ra ương bướng không nghe theo lời khuyên bảo của bố mẹ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm