Đón dòng FDI dịch chuyển
Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển từ Trung Quốc lan sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được đánh giá sẽ thuận lợi hơn khi có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ, thị trường tiêu dùng khá lớn…
Điểm sáng
Kết thúc năm 2012, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tuy chỉ đạt khoảng 13 tỉ USD nhưng vốn thực hiện đạt khoảng 10,46 tỉ USD, chỉ giảm nhẹ so với năm trước. Đây được xem là một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa ổn định, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp lớn vào thành công tăng trưởng xuất khẩu 18,3% của nền kinh tế. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu khối FDI tăng đến 33,9% so với năm trước, trong khi khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chỉ tăng 1,3%.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lũy kế đến giữa tháng 12-2012 đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 14.498 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 213,6 tỉ USD. Trong năm 2012, cả nước có 1.100 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 435 lượt dự án tăng vốn. Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn nhất. Riêng năm 2012, các doanh nghiệp Nhật đăng ký lượng vốn đầu tư đạt 5,13 tỉ USD, chiếm 39,5% tổng vốn FDI cả nước. Không chỉ đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, doanh nghiệp Nhật còn tham gia mạnh vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm…
Có khả năng tăng tốc thời gian tới
Phân tích về dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, kinh tế gia Trinh Nguyễn, Ngân hàng HSBC, nhận định nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện các điều kiện kinh tế, dòng vốn FDI có khả năng tăng tốc thời gian tới. Các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tiếp cận nguyên liệu thô, thuế, hải quan, thủ tục hành chính… được nhiều nhà đầu tư quan tâm ngại.
Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) cho thấy các nhà đầu tư Nhật đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn do chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động dồi dào và chính trị ổn định. Việt Nam cũng là nước có chi phí rẻ hơn và ổn định hơn so với Thái Lan, Trung Quốc. “Việc Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ giúp Việt Nam có nhiều tiến bộ. Trong thập kỷ tới, chi phí sản xuất tăng lên ở Trung Quốc và Thái Lan, Việt Nam có thể được định vị để lấp đầy khoảng trống và di chuyển lên cao trong chuỗi giá trị” - Ngân hàng HSBC nhận định.
Vốn FDI vào Việt Nam những năm qua tác động đến các khu vực của nền kinh tế, bổ sung và khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ. Nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc thu hút vốn FDI và hiệu quả đem lại chưa tương xứng tiềm năng, công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhiều địa phương thu hút vốn FDI chưa chú trọng về chất lượng…
Vì vậy, tại phiên họp thường kỳ tháng 12-2012, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoàn thiện đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh cần thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, sạch, ít năng lượng và có giá trị gia tăng cao.
Đoàn Huế (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo