Tin tức - Sự kiện

Đóng cửa khẩu Trung Quốc vẫn phải nhập nông sản của Việt Nam?

Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu nông sản, lúa gạo của Việt Nam vì nhu cầu của Trung Quốc rất lớn, các sản phẩm của Việt Nam giá rẻ.

Chuyên gia nông nghiệp GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm trước thông tin Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, bên cạnh những thách thức, cơ hội của Việt Nam cũng rất nhiều để có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
 
Trung Quốc dọa Việt Nam
 
PV: - Mới đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam trong khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm nông sản dưới dạng thô, chưa qua chế biến giá rẻ và nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, máy móc thiết bị với giá cao. Xin ông cho biết, Trung Quốc dọa đóng cửa biên giới có phải là "cái tát" vào chính sách xuất khẩu thô của Việt Nam hay không?
 
GS Võ Tòng Xuân: - Khi hai nước đang căng thẳng về mặt chính trị, Trung Quốc giống như đang dọa Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc vẫn phải nhập các sản phẩm nông sản, lúa gạo của Việt Nam vì Trung Quốc vẫn thiếu. Các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan chẳng hạn Trung Quốc phải mua với giá cao hơn còn mua của Việt Nam thì kế bên, dễ mua và giá rẻ.
 
Bản thân Trung Quốc rất cần vì gạo vì trong tương lai Trung Quốc dứt khoát sẽ không đủ ăn. Vấn đề của Việt Nam chỉ là phải làm chất lượng cao hơn để bán giá cao hơn.
 
PV:  - Nếu việc này diễn ra thách thức, cơ hội của Việt Nam sẽ là gì? Liệu đây có phải là cơ hội của Việt Nam trong việc thoát khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc không và vì sao?
 
GS Võ Tòng Xuân: - Thách thức sẽ có nhưng sẽ chỉ trong thời gian ngắn vì Trung Quốc chắc chắn sẽ mua. Hiện Trung Quốc có thể đã mua khối lượng lớn nên có thể dừng không mua.
 
Nhưng khi đã sử dụng hết hàng, giá sẽ tăng cao và Trung Quốc sẽ phải tìm mua. Khi không thể tìm mua ở Philippines, Indonesia, Trung Quốc phải mua của Thái Lan  hay Ấn Độ trong khi hai nước này chỉ bán chính ngạch. Vậy nên Trung Quốc chỉ còn lựa chọn mua của Việt Nam. Phải thừa nhận rằng, Ấn Độ, Thái Lan bán cho Trung Quốc không bán ẩu như Việt Nam.
 
Cơ hội từ việc này là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm ăn đàng hoàng hơn thay vì ăn xổi ở thì, chất lượng không đảm bảo. Tình hình mới đặt ra yêu cầu phải tổ chức nông dân để họ sản xuất nguyên liệu tốt, doanh nghiệp cũng phải chế biến tốt để xuất khẩu với giá cao hơn.
 
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam
 
Trung Quốc có 1,4 tỷ người tiêu dùng nên Việt Nam sản xuất bao nhiêu Trung Quốc cũng sài hết bấy nhiêu. Việt Nam không sợ vấn đề Trung Quốc tẩy chay nhưng đáng lý ra Việt Nam là nắm quyền chủ động, tôi có đồ ăn mà anh không ăn, không mua theo giá do tôi đề ra tôi sẽ không bán.
 
Thông thường là vậy nhưng thực tế Việt Nam lại liên tục hạ giá để bán được cho Trung Quốc. Đây là điểm yếu trong việc giao thương với Trung Quốc do các doanh nghiệp ham lợi bằng cách mua rẻ của nông dân.
 
Doanh nghiệp phải áp dụng khoa học công nghệ
 
PV: - Có ý kiến cho rằng, sản xuất nông sản của Việt Nam đã tự lựa chọn để phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến. Cụ thể như với quả vải, có đến 85% được xuất khẩu dưới dạng quả tươi sang Trung Quốc, Lào, Campuchia.. trong đó có đến 90% là vào thị trường Trung Quốc trong khi chỉ có 15% là vải đã qua chế biến được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.... Vậy trong điều kiện hiện nay, lối ra cho nông sản Việt nằm ở đâu? Việt Nam phải nắm bắt cơ hội này như thế nào?
 
GS Võ Tòng Xuân: - Tùy vào nhu cầu của thị trường để Việt Nam định hướng xuất khẩu vì quả vải người tiêu dùng thích ăn quả tươi hơn. Ngay như Thái Lan cũng xuất khẩu quả tươi là chủ yếu. Xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, vải Thái Lan được vận chuyển bằng máy bay còn Việt Nam không có doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu những sản phẩm nông sản mẫu mã đẹp, đỏ tươi, không có vết đen.
 
Thực chất việc bảo quản, nâng cao chất lượng vải rất dễ làm nhưng các doanh nghiệp không đầu tư thiết bị để làm. Khi vải mới thu hoạch phải được đặt trong thùng, sau đó thổi khí lưu huỳnh, thổi qua từng trái vải kế đó mới nhúng vào dấm nồng độ lỏng, loãng để phục hồi màu đỏ.
 
Lưu huỳnh làm da trái vải vàng nên sau đó nhúng vào dấm sẽ khiến quả có màu đỏ tươi, rất đẹp. Sau đó thổi nhiệt độ 5 độ C qua từng trái vải, để từng thùng giống như thùng để chai bia có những lỗ nhỏ hơi 5 độ C mới thổi được qua sẽ vào từng trái vải.
 
Nói cách khác phải chế biến lại để vải đỏ, không có trái nào bị đốm đen. Việc này khiến vải có thể tươi trong 3 tháng. Sau đó đưa lên máy bay chuyển đến các nước khác. Nho Mỹ trên thị trường Việt Nam đã thu hoạch 5-6 tháng trước và được xử lý như vậy.
 
Hàng trăm xe tải chở dưa hấu bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hồi tháng 3/2014
 
Phương pháp này tôi đã từng ra miền bắc biểu diễn cách đây gần 10 năm nay ở tỉnh Hưng Yên, trường ĐH Nông nghiệp 1 nhưng sau đó không ai làm. Các doanh nghiệp ăn xổi ở thì, không biết đầu tư.
 
Thậm chí, đây là phương pháp không tốn kém quá nhiều chi phí, chỉ tốn kém điện năng khi sử dụng nhiệt độ ở mức 5 độ C nhưng chi phí này người ăn sẽ phải trả. Nếu đưa trái vải sang nước ngoài bị bệnh thâm đen bán 10 đồng không ai mua nhưng nếu trái đỏ tươi bán 50 đồng cũng có người mua.
 
Họ sẽ trả hết chi phí nên đừng lo sợ việc bán giá cao không ai mua, thực tế giá cao sẽ có người mua còn các sản phẩm kém chất lượng dù rẻ đến mấy cũng không có ai mua. Tóm lại, chất lượng sẽ quyết định mọi thứ, khi có chất lượng tốt thì nói gì họ cũng sẽ nghe.
 
Việt Nam có thể mua máy móc của Nhật để phòng lạnh được ổn định nhiệt độ, Việt Nam có thể mua máy móc, công nghệ để chục tấn vải trong vòng 5 phút mỗi trái vải là 5 độ C.
 
Trong câu chuyện chất lượng, người dân cũng phải tuân theo quy trình GAP đàng hoàng, phải có người của những công ty xuất khẩu kiểm soát chất lượng, quy trình để bảo đảm nhà vườn không xịt thuốc vô tội vạ vì mình làm theo quy trình VietGAP cũng sẽ xác định cho trái vải. Nếu làm theo GAP sẽ rất ít sâu bệnh.
 
Đồng thời doanh nghiệp cũng phải liên lạc với các thị trường Mỹ, Châu Âu, tức là phải làm đồng bộ theo hệ thống để bên kia đến mùa vải của mình họ sẽ có vải để ăn và ăn với chất lượng tốt nhất. Khi lựa chọn vải xuất khẩu, vải chưa đủ tiêu chuẩn phải gạt sang một bên, sử dụng vải đó để làm đồ đóng hộp, đồ chế biến.
 
Vùng trồng vải phải ước tính sản lượng bao nhiêu rồi mới làm bao nhiêu khu chế biến. Việc này nên là doanh nghiệp tư nhân làm, không để doanh nghiệp nhà nước tham gia vì nếu nhà nước tham gia sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thua lỗ như trường hợp Tổng Công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 trong việc xuất khẩu gạo..
 
Phụ thuộc TQ: Sập bẫy giá rẻ, dân cầm dao đằng lưỡi
 
Hiện, nông sản Việt Nam ở nước ngoài mới chỉ có quả Thanh Long còn vải thiều không ai mua vì vải thiều bị thâm, xoài cũng đang bán nhưng vẫn bị trả về nhiều do chỉ làm theo cảm tính, thu hoạch không đúng lúc và bao bì cũng không đạt chuẩn.
 
PV: - Không riêng câu chuyện vải thiều, theo ông, để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc với các sản phẩm nông sản nói chung Việt Nam phải làm theo cách nào, tư duy kinh tế phải được thay đổi, mặt khác tinh thần dân tộc phải được khơi dậy ra sao? Câu chuyện của Hàn Quốc vào thời điểm bị khủng hoảng thừa nguyên liệu thép, người Hàn đã bỏ đũa tre, gỗ để sản xuất và sử dụng đũa thép, có thể là bài học kinh nghiệm để Việt Nam tham khảo không?
 
GS Võ Tòng Xuân: - Việc kêu gọi tinh thần dân tộc, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chỉ là kêu gọi chơi, không có ai làm vì không thể mua giá cao để chỉ được mặt hàng xấu trong khi cùng số tiền đó có thể mua được những sản phẩm được nhập khẩu chất lượng và mẫu mã tốt.
 
Theo tôi, đầu tiên phải giáo dục doanh nghiệp, nông dân làm ra nguyên liệu tốt, chế biến tốt dân sẽ mua. Người dân không thể bỏ tiền mua những sản phẩm chất lượng không tốt để nuôi những doanh nghiệp lười biếng như vậy.
 
Khẩu hiệu Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam phải được nói lại là doanh nghiệp Việt Nam, nông dân Việt Nam phải sản xuất hàng có chất lượng cao, tất nhiên mọi người Việt Nam sẽ mua và người nước ngoài cũng mua.
 
PV:  - Để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, ai sẽ là người đứng ra để thực hiện việc này và phải làm như thế nào, thưa ông?
 
GS Võ Tòng Xuân: - Doanh nghiệp vừa vả nhỏ rất quan trọng. Doanh nghiệp phải có đầu óc kinh doanh và phải áp dụng khoa học công nghệ thay vì sang Trung Quốc thu mua rồi chế biến lại sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc mãi.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo