Tin tức - Sự kiện

Động lực và sức sống mới

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh như vậy sau khi các tổ chức quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà để quay trở lại thời kỳ tăng trưởng cao ở mức 7%/năm

Phóng viên: Thưa ông, năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 5,9%, cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Ông có cho rằng nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khó khăn?

 

- TS Nguyễn Đình Cung: Nhiều người nói kinh tế đã phục hồi nhưng tôi cho rằng “kinh tế có dấu hiệu cải thiện” mới là chính xác. Thể hiện ở kinh tế vĩ mô có nhiều nhân tố tích cực như tỉ giá cơ bản ổn định, lạm phát thấp, cán cân thương mại, vốn có xu hướng thặng dư, niềm tin thị trường đã được củng cố hơn...

 

 

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương

 

 

Quan trọng là sau một thời gian dài liên tục tăng cao, lạm phát đã giảm xuống mức thấp một cách tương đối chắc chắn và thuận theo thị trường chứ không phải giảm bằng biện pháp hành chính. Khi lạm phát thấp và ổn định thì lúc đó mình có thể làm những việc dài hơi hơn.

 

Sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế trong năm vừa qua là cơ sở quan trọng tạo đà cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc hơn trong năm 2015.

 

Theo ông, đâu là những nhân tố mới của năm 2015 này?

 

- Tôi cho rằng năm nay có nhiều điểm khác biệt và thuận lợi hơn so với năm 2014.

 

Trước hết, giá dầu giảm là một cơ hội để tái cơ cấu, củng cố lại sức khỏe của doanh nghiệp (DN) vì chi phí giá đầu vào sẽ giảm. Bên cạnh đó, những cải cách thể chế vừa qua là sự thay đổi về chất mạnh mẽ có tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh và DN. Có thể điểm ra một vài thay đổi căn bản như khởi sự kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa, giảm rào cản gia nhập thị trường. Tiếp tục đơn giản hóa thêm thủ tục thành lập DN, quy định rõ 6 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Như vậy, tội “kinh doanh trái phép” hay nói như các luật sư là “bẫy kinh doanh trái phép” cơ bản được dẹp bỏ. Rủi ro pháp lý giảm đi và tăng độ chắc chắn trong hoạt động kinh doanh, từ đó DN chủ động hơn trong việc đầu tư khai thác các tiềm năng cơ hội kinh doanh. Thứ hạng về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư có thể được tăng lên gần 100 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới khi nhiều điểm trong Luật Đầu tư và Luật DN đã bảo vệ quyền của cổ đông và nhà đầu tư tốt hơn.

 

 

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP HCM .

 

 

Kết quả thực hiện Nghị quyết 69 của Chính phủ về một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN khi chỉ số nộp thuế giảm từ 872 xuống còn 171 giờ, thời hạn thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giảm từ 21 xuống còn 12-13 ngày. Một điểm rất quan trọng nữa là tinh thần khoan sức dân, khoan sức DN thể hiện ở việc bỏ trần chi phí quảng cáo 15%, tăng thêm mức độ ưu đãi trong thuế thu  nhập DN, giảm mức hình phạt và mức độ phạt trong chậm nộp thuế…

 

Việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại và đàm phán nước rút Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?

 

- Về mặt đối ngoại cũng có thuận lợi là cộng đồng kinh tế ASEAN hội nhập sâu hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều hiệp định thương mại tự do thuế quan như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU được ký kết và thực thi trong năm 2015. Như thế, cơ hội kinh doanh từ bên ngoài cũng được mở rộng...

 

Tóm lại, năm 2015 có vẻ thiên thời - địa lợi. Sự kết hợp giữa ổn định kinh tế vĩ mô với những cải thiện ở vi mô thông qua cải cách thủ tục hành chính, khoan sức dân qua chính sách thuế… cùng với hội nhập từ bên ngoài có thể tạo ra động lực và sức sống mới trong môi trường kinh doanh. Từ đó, hy vọng có bước thay đổi về chất trong tái cơ cấu kinh tế vì lúc đó thị trường vận hành tốt hơn, thị trường phân bố nguồn lực tốt hơn và như thế, hiệu quả sử dụng nguồn lực cũng sẽ được cải thiện. Tăng trưởng chắc chắn cao hơn và thực sự thay đổi về chất. Tôi cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,2% là đạt được trong tầm tay.

 

 Thúc đẩy thêm cải cách

 

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Những thay đổi trong chính sách thuế, hải quan... đang tạo ra sự vận động vi mô trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hơn để tạo bước ngoặt mới trong xu thế tăng trưởng. Tất nhiên, mức độ bao nhiêu còn phụ thuộc vào giá dầu. Hy vọng Chính phủ sẽ thuận theo thị trường mà không có việc gia tăng thêm thuế, ngăn cản tác động tích cực của việc giảm giá dầu đối với nền kinh tế và DN.

 

Cũng cần theo dõi đánh giá và thúc đẩy thêm về mặt cải cách. Những động thái như vậy sẽ làm thị trường vận động tốt hơn, những tác nhân thị trường phản ứng tích cực với sự thay đổi đó sẽ tạo ra những động lực mới thúc đẩy đầu tư và cải thiện được hiệu quả chung của nền kinh tế.

 

Thực tế khách quan còn đòi hỏi rất nhiều thay đổi khác, đầu tiên là đòi hỏi thay đổi tư duy. Phải xây dựng được thể chế kinh tế thị trường đầy đủ và cạnh tranh, cạnh tranh có trật tự, công bằng và bình đẳng cơ hội cho tất cả mọi người... Một thể chế như vậy thì cách thức quản lý, năng lực quản lý nhà nước rất quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa thì phải khuyến khích được tính năng động sáng tạo để tạo ra sự khác biệt nên cách thức quản lý nhà nước phải thay đổi để có thể xử lý được vấn đề mới phát sinh chứ không gò bó theo kiểu “hòn bi lăn trong ống”. Cũng cần phải có năng lực chấp nhận cái mới, cái khác biệt, chấp nhận đổi mới sáng tạo.

Theo báo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo