Đóng tàu vỏ thép: Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước thông qua. Đây là điểm tựa để ngư dân và các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ thép công suất lớn, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp tục vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC), đơn vị được giao đóng mới các tàu vỏ thép cho ngư dân.
Kỹ sư và ngư dân cùng ra biển
PV: - Chính phủ đã quyết định chủ trương đóng tàu cá vỏ thép thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên và có gói hỗ trợ giúp ngư dân vay vốn. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?
Ông Nguyễn Ngọc Sự: Đề án của Chính phủ thép hóa vỏ tàu cho ngư dân là một chủ trương hết sức đúng đắn và rất kịp thời đặc biệt trong điều kiện nước ta đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trên biển Đông.
Theo tôi, Đề án này thực hiện càng sớm càng tốt và phải tạo điều kiện tối đa thuận lợi cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn để thực hiện đóng mới tàu cá vỏ thép.
PV: - SBIC là đơn vị được giao thiết kế và đóng mới các mẫu tàu cá vỏ thép này. Hiện nay, Tổng công ty có bao nhiêu mẫu tàu và các mẫu này có ưu nhược điểm như thế nào so với tàu cá vỏ gỗ truyền thống?
Ông Nguyễn Ngọc Sự: Đến thời điểm này, SBIC có 5 mẫu tàu vỏ thép khác nhau cho ngư dân và triển khai đóng 4 loại tàu mẫu cho ngư dân tại các khu vực Nam Định, Thái Bình, Bình Định, Nghệ An.
Với tàu vỏ thép đầu tiên bàn giao cho chủ tàu, ngư dân đều băn khoăn vì không giống tàu gỗ truyền thống sử dụng trước đây. Tuy nhiên, sau một hai chuyến đi biển đánh bắt cá về thì suy nghĩ và cách đặt vấn đề của ngư dân khác hẳn. Họ cho rằng, tàu vỏ sắt giá thành cao hơn nhưng lại có ưu điểm tốc độ nhanh, sự ổn định cao hơn khi chịu được sóng cấp 9, tiết kiệm nhiên liệu 15% so với tàu gỗ cùng công suất, đặc biệt việc bảo quản sản phẩm sau khi đánh bắt tốt hơn rất nhiều.
PV: - Ngư dân là chủ tàu, cũng chính là người thường xuyên sử dụng tàu trong các hoạt động khai thác thủy sản. Vậy, SBIC có cho ngư dân tham gia thiết kế tàu vỏ thép cùng?
Ông Nguyễn Ngọc Sự: Hiện, SBIC có các loại mẫu tàu vỏ thép đã được đóng gồm: lưới rê, lưới kéo, lưới vây, chụp mực và câu cá ngừ. Mỗi một địa phương có đặc thù khai thác riêng như tàu câu cá ngừ được sử dụng nhiều ở Bình Định, tàu chụp mực ở Nghệ An, Quảng Bình và tàu kéo lưới rê, lưới vây ở phía Bắc.
Khi SBIC thiết kế mẫu tàu vỏ thép, đơn vị đã cho đội ngũ kỹ sư thiết kế thâm nhập và cùng tham gia đi biển với ngư dân ở các ngư trường truyền thống từ đó, giữa các bên có sự hợp tác thống nhất về thiết kế để làm ra các mẫu tàu đóng thử phù hợp với đánh bắt truyền thống của ngư dân.
Đến nay, theo đánh giá chung của SBIC và ngư dân, các mẫu tàu cá vỏ thép mới này đáp ứng yêu cầu, chỉ có một vài chỉnh sửa nhỏ nhưng không quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến thiết kế nhưng Tổng công ty cũng đã tiến hành khắc phục ngay.
Mở rộng năng lực đóng tàu
PV: - Ngư dân hiện vẫn có thói quen đi biển bằng tàu cá vỏ gỗ vì chi phí đóng tàu loại này phù hợp với điều kiện kinh tế, việc bảo dưỡng cũng đơn giản hơn so với tàu cá vỏ thép. Vậy, SBIC làm như thế nào để ngư dân chuyển đổi sử dụng tàu?
Ông Nguyễn Ngọc Sự: Trong thực tế, tàu vỏ thép được xác định an toàn hơn tàu vỏ gỗ. Qua các chuyến đi biển thực tế, ngư dân đều đánh giá tiết kiệm nhiên liệu, đi được dài ngày, có tốc độ cao hơn.
Để phục vụ tốt các điều kiện để cho ngư dân yên tâm, SBIC có kế hoạch triển khai các dịch vụ hậu mãi, sửa chữa, bảo dưỡng ở tất cả các nhà máy của Tổng công ty trên dọc bờ biển của đất nước. Trong tương lai, SBIC kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cho phép đầu tư các trạm dịch vụ sửa chữa, căn cứ hậu cần nghề cá ở các đảo như Cồn Cỏ, Phú Quý, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo và một số đảo khác để khi chủ tàu cần bảo dưỡng, sửa chữa thì không phải vào đất liền, đỡ tốn kém hơn rất nhiều, lại vẫn tiếp tục vươn khơi.
Bên cạnh đó, SBIC còn thiết kế thêm một mẫu tàu là tàu dịch vụ nghề cá. Những tàu này có công suất, sức chưa lớn hơn và có các công nghệ thiết bị máy móc đáp ứng được các yêu cầu của ngư dân như cung cấp nước đá, xăng dầu, lương thực thực phẩm và đặc biệt có thể thu gom các sản phẩm mà bà con đánh bắt được trên biển để tàu này chế biển, bảo quản đưa vào đất liền đem lại hiệu quả sản xuất cao.
PV: - Thưa ông, SBIC đã đóng 5 loại tàu và trước mắt đạt được kết quả khả quan. Vậy, khi nào đơn vị sẽ triển khai đóng mới đại trà các tàu cá vỏ thép cho ngư dân?
Ông Nguyễn Ngọc Sự: Thực ra, đóng tàu cá vỏ thép đã được SBIC triển khai chương trình này khá lâu, cách đây khoảng 2 năm. SBIC đã làm việc với tỉnh Quảng Ngãi và đưa ra kế hoạch sẵn sàng làm 22 tàu để ngư dân sử dụng nhưng sau đó chương trình bị chậm lại vì Chính phủ chưa có chính sách đóng mới tàu cá vỏ thép nên chưa thể triển khai.
Đến nay, SBIC mới triển khai thử nghiệm những mẫu tàu đầu tiên bằng chính kinh phí của mình để ngư dân thấy rằng, các mẫu tàu mới có tính ưu việt hơn.
Với tư cách là những người đóng tàu, SBIC đã quán triệt tất cả các nhà máy, đơn vị đóng dọc trên các bờ biển, trong đó đã huy động 14 nhà máy đóng tàu các địa bàn, khu vực để chuẩn bị sẵn sàng tất cả các điều kiện, triển khai đóng tàu cá vỏ thép cho bà con.
Với năng lực tối thiểu có 14 nhà đóng tàu, trong vòng một năm, SBIC có thể đóng được khoảng 500 chiếc tàu, thậm chí nhiều hơn nếu hội đủ điều kiện về tài chính và thiết bị. Hi vọng với chương trình này, SBIC sẽ đóng góp vào việc thép hóa vỏ tàu cho bà con vươn khơi ra biển.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng kiến nghị các Bộ ngành và các cơ quan cần có chính sách, quy định, đưa ra tiêu chí các nhà máy đóng tàu đạt tiêu chuẩn như thế nào mới được đóng bởi thực tế có nhà máy, kể cả tư nhân đang lôi kéo ngư dân vào cơ sở của họ để đóng mới. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng, chất lượng đóng những tàu này không thể bằng được so với Tổng công ty.
PV: - Chính sách của ngân hàng vừa đưa ra, ngư dân có thể vay 95% kinh phí đóng tàu vỏ thép, 70% kinh phí đóng tàu vỏ gỗ với lãi suất ưu đãi chỉ từ 1%-3%/năm, thời gian vay 11 năm. Đây là điều kiện thuận lợi để ngư dân đóng tàu. Vậy, SBIC có lo sợ việc thu hồi vốn diễn ra chậm trong bối cảnh ngành đóng tàu đang gặp khó khăn?
Ông Nguyễn Ngọc Sự: Với những tàu vỏ thép mẫu ban đầu, SBIC xin Bộ Giao thông Vận tải ứng ra 70% số vốn để đóng tàu và ngư dân chịu 30% (tương đương với ngư lưới cụ) để đi khai thác. Phần ứng ra sẽ được thu hồi tối đa là 5 năm với lãi suất từ 1-3%. Tàu thuộc sở hữu và đăng ký tên của SBIC cho tới khi ngư dân thanh toán hết số tiền trả chậm.
SBIC không lo việc thu hồi vốn vì đã có chương trình bảo hiểm của Chính phủ khi bỏ ra 70% phí mua bảo hiểm tàu. Chính phủ cần có những chính sách để hỗ trợ ngư dân vay vốn nhanh chóng mới có thể đóng các tàu này.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.
Vietnamplus
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo