Đốt cháy giai đoạn bằng... margin!
Có lẽ giới ngân hàng phải dẹp niềm kiêu hãnh là “huyết mạch” của nền kinh tế sang một bên và “khăn gói” sang học các công ty chứng khoán về cách thức phát triển tín dụng!
Gói 16.000 tỷ đồng ngân hàng dành cho ngư dân vay đóng tàu sắt, chuyển đổi tàu gỗ, đánh bắt xa bờ với đủ mọi ưu đãi về lãi suất, thời hạn, tài sản thế chấp... đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, giờ cả Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp đủ kiểu từ mở rộng đối tượng, nâng kỳ hạn vay, đa dạng hóa tỷ lệ tài sản đảm bảo để thúc đẩy tiền ra, mà tiền vẫn ì ạch.
Trong cùng thời gian đó, hoạt động ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Số liệu mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố tổng lượng margin trên thị trường đến tháng 10-2014 đạt 17.000 tỷ đồng, chưa kể tiền ngân hàng cho nhà đầu tư vay qua cam kết ba bên tổ chức tín dụng - công ty chứng khoán - khách hàng khoảng vài ba ngàn tỷ đồng nữa. Tóm lại chừng 20.000 tỷ đồng ký quỹ đang “nhảy múa” ở chứng khoán. Giá mà gói 30.000 tỷ đồng cũng giải ngân được bằng ấy, chắc biết bao người đã có nhà ở!
UBCKNN cho biết con số margin trên chưa đáng ngại vì còn thấp so với tổng vốn tự có 36.000 tỷ đồng của các công ty chứng khoán. Bản thân các công ty chứng khoán nhận định số đó còn thấp hơn 15-20% so với đỉnh margin của đầu tháng 5-2014, trước khi xảy ra sự kiện biển Đông. Ngoài ra, như họ nói, hiện nay quản trị rủi ro của họ rất tốt, khi cần có thể bán ra thu hồi tiền ký quỹ bất cứ lúc nào. Tất nhiên rủi ro nhà đầu tư gánh, còn công ty chứng khoán an toàn.
Chuyện không dừng lại ở đấy. Vấn đề là ở chỗ cuộc đua margin đang trên đà mở rộng và những công ty chứng khoán hàng đầu đã vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có tiền bổ sung cho nguồn ký quỹ. Tất cả những nguồn vay hay huy động đó đều được đảm bảo bằng cổ phiếu hoặc uy tín của chính công ty chứng khoán. Nay thị giá cổ phiếu công ty chứng khoán trên mệnh giá, cổ đông nộp tiền mua bằng mệnh giá. Mai mốt nếu biến động, thị giá lên/xuống nhà đầu tư ráng chịu.
Vì sao bây giờ các công ty chứng khoán lại tích cực cho hoạt động ký quỹ đến vậy? Trước hết vì sự giành giật thị phần môi giới giữa họ. Thay vì đẩy mạnh tư vấn, bảo lãnh phát hành, tự doanh, tất cả lao vào môi giới, lấy môi giới làm hoạt động sống còn. Muốn giữ chân nhà đầu tư cũ, có được nhà đầu tư mới, họ chào mời margin với những điều kiện khá cởi mở. Họ tự tin vào khả năng quản trị mà quên mất bài học Công ty Chứng khoán Thăng Long phải đổi tên thành MBS vẫn còn nguyên giá trị.
Khoảng năm năm trước, khi còn ở vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long, ông Quách Mạnh Hào đã từng tự hào giới thiệu một phòng giao dịch của Thăng Long có doanh số giao dịch chiếm 2% tổng giao dịch toàn thị trường. Margin đã “tung hoành” trong cơ cấu của 2% ấy. Nhưng rồi cũng chính margin đã nhấn chìm Thăng Long trong “biển lửa” và kéo nó tụt lùi.
Margin đã và đang trực tiếp “đốt cháy giai đoạn” chuyển mình từ suy thoái kéo dài sang phục hồi để chờ ngày tăng trưởng bền vững của chứng khoán. Chứng khoán như một kênh huy động vốn, cần phải thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư. Tiền nhàn rỗi mới là nguồn lâu dài, ổn định, giúp các công ty niêm yết phát hành được cổ phiếu, nâng được năng lực tài chính, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng bất ngờ của margin đang làm thay đổi bản chất kênh huy động vốn của chứng khoán. Margin là nguồn tiền ngắn hạn, nó không khác gì tiền “nóng”, nó không tạo điểm tựa cho thị trường vượt qua những thời điểm thử thách nếu những sự kiện tiêu cực xảy ra. Giả sử không có margin hay margin ở mức độ thấp, liệu sự kiện biển Đông có đủ sức làm chứng khoán “co giật”?
Những đợt điều chỉnh sâu của thị trường trong thời gian ngắn một phần do margin đã tạo lỗ hổng trong tâm lý nhà đầu tư, nó vô hình trung làm chùn bước những người có tiền nhàn rỗi có ý định đầu tư cổ phiếu. Thực tế cho họ thấy với chứng khoán, họ có thể lỗ, có thể mất tiền rất nhiều nếu chẳng may vướng phải một đợt giảm điểm như đầu tháng 5-2014. Thay vào đó, họ sẽ gửi tiết kiệm cho dù lãi suất chỉ 5-6%/năm vì chắc chắn có lãi và chắc chắn không mất tiền.
Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán nhận định giá trị giao dịch hàng ngày trên cả hai sàn hiện xấp xỉ 2.500-3.000 tỷ đồng, thì một nửa trong số đó là tiền margin. Ông nói tiền trên thị trường hiện không thiếu, nhưng chứng khoán chưa thu hút được tiền. Đây là điểm căn cơ mà đáng lẽ các chủ thể, đặc biệt các nhà tạo lập thị trường phải cùng chung tay giải quyết. Tiếc rằng một trong những chủ thể là các công ty chứng khoán lại chưa hướng đến điều này. Họ mới chỉ nhìn từ lợi ích riêng và khai thác thị trường cho lợi ích của chính họ.
Ai đó có thể bày tỏ quan điểm tiền margin còn nhỏ nhoi lắm so với giá trị vốn hóa của thị trường. Họ đã bỏ qua thực tế rằng tỷ lệ margin trên tổng giao dịch hàng ngày lên tới 50% như vị chủ tịch kia cho biết, thì liệu bao nhiêu quốc gia khác có tỷ lệ tương tự? Sẽ không quá lời khi nói chứng khoán Việt Nam đang “sống” nhờ vào đòn bẩy tài chính, loại đòn bẩy nếu không sử dụng đúng chỗ, đúng liều lượng, đúng thời điểm sẽ góp phần gây ra khủng hoảng như nó đã đẩy bất động sản đến chỗ đóng băng, đẩy ngân hàng vào tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” nợ xấu, mà đến nay vẫn chưa thoát ra được.
Những năm khủng hoảng của chứng khoán chưa lùi xa. Thị trường cổ phiếu cần thời gian để củng cố, ổn định trước khi có thể phục hồi lâu dài. Tiền đề cho sự ổn định, tăng trưởng của chứng khoán phải là sự tin tưởng mạnh mẽ của người dân, đủ sức lay động họ chuyển tiền từ tiết kiệm qua cổ phiếu. Sự lay động ấy không thể nào có được từ hoạt động margin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh