Dự án Bauxite Tây Nguyên: Cần cái nhìn tổng thể
Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Tinh thần chung trong chủ trương khai thác, chế biến bauxite là sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường và bảo đảm hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội; trong thử nghiệm cần vừa làm vừa nghiên cứu, xem xét rất cẩn trọng tất cả các mặt và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh quy hoạch.
Tại họp báo thường kỳ tháng 2/2013 của Văn phòng Chính phủ chiều 28/2, nhiều câu hỏi liên quan đến hiệu quả của các dự án bauxite tại Tây Nguyên được đặt ra với Bộ trưởng Vũ Đức Đam.
Cần nhìn tới lợi ích tổng thể kinh tế và xã hội
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết bauxite là một trong số rất ít tài nguyên của Việt Nam có quy mô trữ lượng ở tầm quốc tế, thuộc hàng vài nước đứng đầu thế giới, dù các số liệu về trữ lượng còn có khác biệt. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên này để góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và kinh tế-xã hội vùng nói riêng.
Tinh thần chung là sử dụng tiết kiệm tài nguyên hữu hạn, sử dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường và phải có hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội. Hiệu quả của từng dự án cụ thể phải tính cả vòng đời và cả lợi ích gián tiếp về mặt xã hội.
Việc khai thác bauxite không thể tiến hành trong một lúc, không chỉ vì những vấn đề về hạ tầng, đầu tư, môi trường mà còn vì phụ thuộc thị trường thế giới, phải tính tóan “làm ra bao nhiêu, bán cho ai, bán lúc nào”, Bộ trưởng nói.
Do Việt Nam chưa có kinh nghiệm khai thác, chế biến bauxite, năm 2007, Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 đã được phê duyệt và việc triển khai một số dự án mang tính chất thử nghiệm được thực hiện trên cơ sở quy hoạch này. Chủ trương của Chính phủ là vừa làm vừa nghiên cứu, xem xét rất cẩn trọng tất cả các mặt và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh cả quy hoạch để có một lộ trình phù hợp, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội tổng hợp.
Tại cuộc họp báo, phóng viên cũng đặt câu hỏi về thông tin Vinacomin đề xuất một số cơ chế đặc thù cho các dự án bauxite tại Tây Nguyên và liệu điều này có thỏa đáng hay không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhắc lại rằng với mỗi dự án, cần phải tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể và nếu chỉ tính đến hiệu quả kinh tế cũng phải xét cả vòng đời dự án, có dự án kéo dài tới 50 năm. Nhà máy lọc dầu Dung Quất là một ví dụ về hiệu quả kinh tế-xã hội tổng thể, góp phần tạo đà phát triển cho cả miền Trung.
Bộ trưởng cho biết, với một số dự án, có thể xét riêng hiệu quả kinh tế chưa hiệu quả nhưng nếu tính tổng thể là có lợi, thì Nhà nước sẽ có một số cơ chế phù hợp. “Tổng hòa lại, phải luôn luôn bảo đảm hiệu quả, có lợi về kinh tế -xã hội”, Bộ trưởng nói.
Dừng đầu tư cảng Kê Gà là hợp lý
Giải đáp câu hỏi về chỉ đạo của Chính phủ đối với các thiệt hại do Vinacomin dừng đầu tư cảng Kê Gà, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, khi thực hiện thí điểm các dự án chế biến, vận chuyển bauxite tại Tây Nguyên, Vinacomin được giao chuẩn bị đầu tư cảng Kê Gà.
“Như tôi đã nói, đây là các dự án mang tính thử nghiệm, Chính phủ đã chỉ đạo nhất quán khi bắt đầu triển khai các dự án này là vừa làm, vừa nghiên cứu tất cả các mặt một cách cẩn trọng trên các tiêu chí”, ông Vũ Đức Đam nói.
Từ quặng bauxit để tạo ra nhôm có nhiều bước, trong đó, những bước sau đặc biệt tiêu tốn điện. Bước ban đầu dừng ở mức sản xuất alumin thì khối lượng vận chuyển rất lớn. Do đó, việc quy hoạch, đầu tư cảng, hệ thống vận tải đường bộ từ chỗ khai thác, chế biến đến cảng cũng là thành phần quan trọng khi thực hiện đầu tư. Ban đầu, khi triển khai 2 dự án thí điểm này, Vinacomin đã khảo sát năng lực hiện có, khả năng đầu tư mở rộng cũng như nhu cầu nguồn hàng tổng hợp của các cảng ở khu vực này sao cho khoảng cách vận chuyển từ nơi khai thác, chế biến bauxit ra cảng là gần nhất. Từ đó thấy rằng cần đầu tư cảng Kê Gà.
Trong quá trình xem xét quy mô dự án, cũng như sự phát triển của các cảng, sự phát triển kinh tế -xã hội của khu vực để tính khối lượng hàng hóa ra vào cảng, Vinacomin đã báo cáo Bộ Công Thương rằng ở thời điểm hiện nay, chưa cần thiết đầu tư vào cảng Kê Gà. Với quy mô dự án bauxite, lộ trình phát triển cảng, đường ở khu vực đó, trước mắt, có thể sử dụng các cảng khác ở vùng lân cận như cảng Gò Dầu, Phú Mỹ. Vì vậy, Vinacomin đề nghị dừng đầu tư cảng Kê Gà. “Theo tôi, đây là quyết định hợp lý”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Khi trình đề xuất này với Bộ Công Thương, Vinacomin cũng nói rõ các lý do về mặt kinh tế, xã hội của quyết định này. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, mọi dự án khi bước vào khâu chuẩn bị đầu tư đều phải mất một phần chi phí, nhưng nếu việc dừng lại có lợi hơn là tiếp tục đầu tư thì phải dừng. Việc này nằm trong quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của Vinacomin.
Đồng thời, khi cân đối khả năng vận chuyển của các cảng khu vực, các cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng việc dừng đầu tư cảng Kê Gà không ảnh hưởng lớn đến quy hoạch vận tải cảng biển nên đồng ý dừng đầu tư cảng này.
N.M (Theo VGPNews)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo