Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Lùi thời gian để an toàn hơn
Thời gian khởi công xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận có thể sẽ lùi lại vào cuối năm 2020 hoặc 2022 thay vì cuối năm 2014
“Việc giãn tiến độ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất” - ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết tại buổi làm việc của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện dự án ĐHN hôm 18-9.
Bài học từ Fukushima
Đại diện Bộ Công Thương cho biết sau sự cố Fukushima (Nhật Bản), Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị tư vấn đưa ra phương án thiết kế an toàn; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu là phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất khi xây dựng nhà máy ĐHN. Theo Bộ Công Thương, đây là nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian lập dự án đầu tư.
Việc thiết kế các nhà máy ĐHN cũng có thay đổi nhằm bảo đảm an toàn. Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc BQL dự án ĐHN Ninh Thuận, ở Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), đơn vị tư vấn đã thay đổi độ cao từ 7 m lên 12 m so mặt nước biển.
Đối với Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cũng thay đổi độ cao từ 7 m lên 15 m so với mặt nước biển, đồng thời dịch chuyển vị trí xây dựng nhà máy này khoảng 300 m theo hướng Tây Nam.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về dự án ĐHN Ninh Thuận, đã chủ trì cuộc họp bàn về cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện dự án ĐHN. Theo đó, Chính phủ xác định ĐHN là dự án quan trọng của quốc gia, có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật đa dạng, phức tạp. Do vậy, việc xây dựng cần bảo đảm an toàn cao nhất, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Nếu không áp dụng cơ chế đặc thù thì Nhà máy ĐHN 1 sẽ khởi công vào cuối năm 2022, hoàn thành vào năm 2028; Nhà máy ĐHN 2 sẽ hoàn thành vào năm 2029. Nếu áp dụng cơ chế đặc thù thì thời gian khởi công 2 nhà máy ĐHN sẽ rút ngắn 2 năm.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, cho biết đã yêu cầu Bộ Công Thương sớm có báo cáo về việc giãn tiến độ khởi công 2 nhà máy ĐHN Ninh Thuận để Chính phủ tổng hợp trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10 tới vì Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là khởi công 2 nhà máy ĐHN vào cuối năm 2014.
Gấp rút chuẩn bị nguồn lực
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện đơn vị đã phối hợp với bên tư vấn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, đồng thời đề xuất lựa chọn công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy. Như vậy từ nay đến cuối năm 2014, chỉ có thể khởi công một số dự án thành phần hạ tầng như đường, nước, điện thi công, trung tâm quan hệ công chúng, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở BQL dự án.
Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư để trình Hội đồng Thẩm định nhà nước, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi dự án được phê duyệt và hiệp định tài chính cho dự án được đàm phán và ký kết với đối tác Nhật Bản, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc bảo đảm an toàn ở mức cao nhất khi xây dựng nhà máy ĐHN, vấn đề nguồn nhân lực vận hành nhà máy là yếu tố quyết định. Trong thời gian qua, Việt Nam đã cử gần 300 sinh viên sang Liên bang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến ĐHN; nhiều lượt cán bộ được đào tạo ngắn hạn tại một số nước.
Từ năm 2005 đến nay, đã có 246 lượt người được cử đi học các chương trình đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản. EVN phối hợp với Công ty Phát triển năng lượng nguyên tử quốc tế Nhật Bản (JINED) và Trường Đại học Tokai đã đào tạo 15 thành viên nòng cốt cho dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Khóa đào tạo kéo dài 2 năm từ tháng 9-2012 đến 9-2014.
Các nhóm cán bộ nòng cốt được EVN tuyển chọn từ số kỹ sư có kinh nghiệm làm việc tại các nhà máy điện của EVN và cán bộ BQL dự án ĐHN Ninh Thuận.
Theo các chuyên gia của IAEA, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam phải dựa vào thực tế, đòi hỏi, yêu cầu, nhu cầu, định hướng của ngành hạt nhân và cần được xây dựng kỹ lưỡng, chi tiết. Nếu thực hiện tốt điều này, sau ngày 7-10 năm, Việt Nam sẽ có tương đối đầy đủ nguồn cán bộ về quản lý và vận hành Nhà máy ĐHN Ninh Thuận.
Trong khi các bộ, ngành trung ương gấp rút chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện dự án ĐHN thì UBND tỉnh Ninh Thuận đang xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng để di, giãn dân vùng dự án. Dự kiến có trên 1.260 ha đất bị thu hồi để xây dựng 2 nhà máy ĐHN.
Theo chính quyền tỉnh này, ít nhất khoảng 1.435 hộ với trên 5.370 nhân khẩu bị thu hồi đất sản xuất, đất ở, di dời nhà cửa. Hầu hết số hộ dân chịu ảnh hưởng sinh sống bằng nghề nông (3.646 hộ), đánh bắt thủy sản (571 hộ) cho nên ngoài việc xây dựng các khu tái định cư để di dân, chính quyền còn phải hỗ trợ cho họ chuyển đổi nghề sinh sống.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận trình Quốc hội hôm 17-9, kinh phí thực hiện di dân tái định cư cho người dân 2 xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải và Phước Dinh, huyện Thuận Nam thuộc vùng dự án 2 nhà máy điện hạt nhân gần 3.100 tỉ đồng.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg
Cột tin quảng cáo