Dự án Luật Hộ tịch: Tranh luận về mã số cá nhân
Ngày 23-2, ban soạn thảo dự án Luật Hộ tịch họp phiên thứ hai cho ý kiến về những vấn đề đang gây nhiều tranh luận trong quá trình soạn thảo, mà một trong số đó là quy định về việc xây dựng mã số cá nhân.
Quản lý con người bằng mã số
Theo TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp (Bộ Tư pháp), trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiện nay thường căn cứ vào các yếu tố như họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; họ và tên cha, mẹ… (tức là các nội dung có trong giấy khai sinh) để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Tuy nhiên, việc căn cứ vào những yếu tố trên không phải lúc nào cũng bảo đảm chuẩn xác và thuận tiện. “Trong điều kiện phát triển của kỹ thuật số hóa hiện nay, người ta thường sử dụng mã số cá nhân để giúp quản lý con người” - ông Thất nói.
Về mặt hình thức, mã số cá nhân của mỗi người là một dãy số có thể kèm theo ký tự. Mã số này được cấp cho mỗi cá nhân một lần duy nhất trong đời vào lúc họ đăng ký khai sinh và sử dụng cho đến khi chết. Dự thảo Luật Hộ tịch quy định trong thời hạn năm ngày kể từ ngày đăng ký khai sinh, hộ tịch viên liên hệ với Sở Tư pháp để được cấp mã số cá nhân cho người được đăng ký khai sinh và ghi mã số cá nhân đó vào dữ liệu khai sinh của cá nhân trong sổ hộ tịch.
“Để thực hiện cấp mã số cá nhân sẽ cần phải có một đề án của Chính phủ về vấn đề này” - TS Thất nói thêm.
Coi chừng loạn mã số
Bảo lưu quan điểm thống nhất của ngành công an, Thượng tá Đỗ Văn Cương (Vụ Pháp chế, Bộ Công an) cho rằng Nghị định số 90/2010 đã giao cho Bộ Công an xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có số định danh cá nhân. Bộ Công an đã hoàn tất đề án (kinh phí 5.000 tỉ đồng) và bắt đầu triển khai thí điểm. Vì vậy, việc triển khai xây dựng một đề án tương tự là một sự “lãng phí lớn”.
Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Cương cho biết theo Nghị định 90/2010, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm số định danh cá nhân; ảnh chân dung; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; CMND; hộ chiếu; thẻ bảo hiểm y tế; mã số thuế cá nhân; trình độ học vấn; tình trạng hôn nhân; họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng… Trong đó, số định danh cá nhân được cấp khi đăng ký hộ khẩu (sau 60 ngày từ khi đăng ký khai sinh).
“Theo dự thảo Luật Hộ tịch, cá nhân khi đăng ký khai sinh được cấp mã số cá nhân nhưng chúng tôi cũng đang làm thì không biết lấy cái nào làm chính, cái nào có giá trị pháp lý cao hơn?” - ông Cương băn khoăn.
Đại diện Bộ Tài chính nhận xét vấn đề này dự thảo Luật Hộ tịch chưa có quy định cụ thể do vậy chưa làm rõ được việc quản lý mã số cá nhân thế nào, giá trị pháp lý, mối quan hệ giữa mã số cá nhân với các mã số khác của công dân hiện hành. “Việc cấp mã số cá nhân có làm thay đổi mã số thuế hiện nay không?” - vị này hỏi.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cũng băn khoăn: Liệu mã số cá nhân có thay thế được số CMND, mã số thuế… hay không? “Nếu không làm được việc đó thì việc xây dựng thêm mã số cá nhân không mang nhiều ý nghĩa, thậm chí còn làm rối thêm vấn đề” - ông Sỹ nói.
Đồng tình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH Hà Đình Bốn cho rằng cần phải nghiên cứu tiến tới chỉ có một mã số duy nhất, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “loạn mã số”. “Ngành công an đang triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư nhưng cụ thể gồm những thông tin gì, mình có được lấy không thì không biết. Phải xem lại mã số này và cần dân sự hóa” - ông Bốn kiến nghị.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thống nhất cần phải “giải mã” khái niệm mã số cá nhân, mối quan hệ với các mã số khác ra sao… “Mã số cá nhân nên cấp khi đăng ký khai sinh và bảo đảm mã số đó thống nhất từ khi sinh đến khi chết. Người quản lý mã số này có thể là Bộ Công an” - ông Cường nói.
ĐỨC MINH(PL TP HCM)
End of content
Không có tin nào tiếp theo