Đủ điều kiện cho mục tiêu tăng trưởng cao hơn
Cùng với đó là các chỉ tiêu về chi tiêu ngân sách, đầu tư công bao gồm: tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30 - 32% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%...
Các chỉ tiêu trên được Quốc hội thông qua sau nhiều bàn thảo về sự cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và bội chi ngân sách được cân đối dựa trên bối cảnh kinh tế Việt Nam 3 năm qua.
“Năm 2012, GDP tăng 5,25%, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội bằng 30,5% GDP; năm 2013, GDP tăng 5,42%, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội bằng 30,4% GDP; năm 2014, GDP tăng 5,8%, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội bằng 30,1% GDP. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2% năm 2015, thì cần duy trì tối thiểu như các năm trước, huy động mọi nguồn lực đầu tư xã hội để đạt mức cao hơn và chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội 30 - 32% GDP là căn cứ để tính toán, cân đối các chỉ tiêu khác”, ông Nguyễn Văn Giàu phân tích.
Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng VPBank công bố mới đây cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đứng trước hai lựa chọn: nâng mức tăng trưởng, hay duy trì sự ổn định. Nếu đuổi theo sự tăng trưởng như mong muốn, Chính phủ sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, phải phát hành trái phiếu tài trợ hoạt động đầu tư, khiến lãi suất cho vay tăng, tín dụng dành cho doanh nghiệp khó khăn. Nếu giữ sự ổn định như 3 năm qua, thì tăng trưởng GDP sẽ bị kìm hãm, lạm phát thấp, tiền đồng giữ giá và chứng khoán tăng trưởng.
Góp ý với chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam tại “Hội thảo Kinh tế thế giới và Việt Nam: Thực trạng 2014 và triển vọng 2015”, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng, 2 năm qua, dù kinh tế Việt Nam còn nhiều bất ổn, song đã có sự thay đổi khá tích cực, bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế.
“Tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng rủi ro vẫn lớn. Nợ công của Việt Nam đang đáng lo, trong khi hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm dấy lên những rủi ro tài khóa của Việt Nam. Khu vực ngân hàng cũng cần được tái cơ cấu”, ông Sanjay Kalra phân tích.
Ổn định và tăng trưởng kinh tế cũng là nội dung có số lượng đại biểu quan tâm nhiều nhất tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII đang diễn ra. Một số đại biểu cho rằng, sự thận trọng trong điều hành chính sách vĩ mô, giữ ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế trong 3 năm qua đã khiến tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, tổng sản phẩm trong nước tăng chậm hơn so với khả năng của nền kinh tế. Các đại biểu này đề nghị, Chính phủ cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn để nền kinh tế năm 2015 thực sự cất cánh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu vấn đề: “Căn cứ nào để tính tiềm năng tăng trưởng là bao nhiêu?”.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tiềm năng hay không chính ở con người, còn tài nguyên không phải quyết định. Cho nên, giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. “Không phải mục tiêu đặt ra đến năm 2015, mà phải làm xuyên suốt 5 năm tiếp theo. Làm sao mà năm sau tiếp tục một quá trình để Việt Nam không chỉ cất cánh, mà còn phải phát triển dài hạn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Trước đó, trả lời những thắc mắc của cử tri và đại biểu Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua và định hướng tăng trưởng cho những năm tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, trong 3 năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã đồng tâm, hiệp lực chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng đầy bất ổn vào thời điểm năm 2011. Đến nay, kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tốc độ tăng trưởng được duy trì, năm sau cao hơn năm trước. Đó là cơ sở quan trọng để Việt Nam đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng ở mức cao hơn trong năm 2015 và các năm tiếp theo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024