Vì sao du khách miền Bắc lại thích đi du lịch phía Nam, còn người miền Nam lại “chê” du lịch miền Bắc?
Hàn Quốc: Hỗ trợ du khách bay thẳng đến đảo Jeju / Quảng bá du lịch Nepal tại Hà Nội
Có một vài lý do chính cho những xu hướng tiêu dùng này như là đánh giá sự hấp dẫn của điểm đến du lịch, chất lượng dịch vụ cũng như tâm lý văn hóa khu vực ảnh hưởng tới sự lựa chọn của khách hàng.
Những năm trở lại đây, khi những chuyến bay nối liền Bắc Trung Nam ngày một nhiều, những điểm đến phổ biến trên bản đồ du lịch ngày càng nhiều, thì số lượng người đi du lịch cũng ngày một tăng lên. Trong đó những điểm tăng trưởng mạnh khách du lịch nội địa phải kể tới là những bãi biển rất đẹp từ Quảng Bình trở vào Nam, nổi bật như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết hay Phú Quốc. Xu hướng du lịch, đặc biêt là du lịch nghỉ dưỡng trong nước của người miền Bắc ngày càng thay đổi rõ rệt, điểm đến ngày càng xa hơn, dịch vụ cao cấp hơn. Trong khi thói quen du lịch của người miền Nam không có nhiều thay đổi. Có một vài lý do chính cho những xu hướng tiêu dùng này như là đánh giá sự hấp dẫn của điểm đến du lịch, chất lượng dịch vụ cũng như tâm lý văn hóa khu vực ảnh hưởng tới sự lựa chọn của khách hàng.
Những lý do các điểm du lịch phía Nam hấp hẫn hơn nhiều so với miền Bắc
Khi nhắc tới bản đồ du lịch Việt Nam thì những bãi biển đẹp luôn là điểm nhấn đầu tiên và được đa số người Việt yêu thích. Mỗi năm, Đà Nẵng hay Quy Nhơn, Nha Trang khoảng 2 – 3 triệu khách du lịch nội địa, và tăng trưởng đều mỗi năm. Không khó để bắt gặp hàng đoàn khách khởi hành từ Hà Nội ở đây mỗi mùa hè. Thậm chí ngày cả trong mùa hè vừa qua, trước khi dịch Covid-19 thứ hai bùng phát, trong số liệu thống kê hơn 80.000 người đã tới Đà Nẵng du lịch thì có tới tận hơn 50.000 người ở Hà Nội. Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của Đà Nẵng nói riêng cũng như miền biển miền Trung, miền Nam nói chung đối với du khách phía Bắc.
Chị Nguyễn Hậu, Trưởng phòng kinh doanh công ty du lịch Your Tour tại Hà Nội cho biết xu hướng du lịch của người miền Bắc thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây. Thay vì chọn nhưng vùng biển gần như Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, người miền Bắc thích những địa điểm xa hơn như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết. Chỉ cần khách book vé máy bay sớm, chi phí vé máy bay không cao, thậm chí rất rẻ, chỉ tương đương với vé xe khách, rẻ hơn cả vé tàu.
Chi phí ăn ở, đi lại trong miền Trung đặc biệt rất tốt, với thời gian di chuyển ngắn, từ sân bay về các trung tâm thành phố gần, từ thành phố chính tới các điểm du lịch rất gần, tiết kiệm chi phí đi lại. Các cơ sở lưu trú từ homestay tới resort được đầu tư chuẩn mực và đa dạng hơn hẳn. Chỉ với khoảng dưới 1 triệu một đêm khách có thể lựa chọn những khách sạn, homestay đẹp, vị trí trung tâm, gần biển trong khi đó ở miền Bắc chất lượng phòng phân khúc bình dân rất kém, thường không phục vụ ăn sáng. hay bắt buộc ăn kèm các bữa chính với mức phí cao.
Với dòng dịch vụ cao cấp thì chuỗi khách sạn, resort 5 sao trong miền Trung và miền Nam vượt trội hơn hẳn so với miền Bắc. Nếu như ở phía Bắc các khu resort chủ yếu của tư nhân người Việt hay của các tập đoàn lớn như FLC, Sungroup, Vingroup thì tất cả những thương hiệu khách sạn resort quốc tế như Melia, MGallery, Moevenpick, Marriott, Intercontinental… đều có mặt tại miền Trung và miền Nam, mà mới ra mắt gần đây nhất là khu nghỉ TUI BLUE Hoi An hay Raddisson Phu Quoc, thu hút những khách hàng muốn có những trải nghiệm nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp quốc tế.
Về ẩm thực, ăn uống, du khách hoàn toàn có thể yên tâm thưởng thức ẩm thực địa phương, hải sản vùng miền mà không phải lo nghĩ nhiều về giá cả, chặt chém như ở miền Bắc, do việc quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý địa phương. Trong số những khách hàng của chị Hậu, đã có gia đình 4 người phải chi trả gần 10 triệu cho 2 ngày ở Hạ Long do bị chặt chém đồ ăn, đồ uống. Khách hàng có phản hồi lần sau họ sẽ chọn đi Đà Nẵng hay Nha Trang vì cùng với mức chi phí đó, họ hoàn toàn được hưởng dịch vụ tốt hơn.
Một điểm quan trọng khác đó là các khu vực phía Nam rất quan tâm trới trải nghiệm của du khách, mỗi năm lại thêm những khu thăm quan, vui chơi mới hấp dẫn, được quảng cáo rầm rộ. Ví dụ như Đà Nẵng, năm nào cũng có thêm một điểm mới thu hút khách như sau Bà Nà Hills là tới Núi Thần Tài, chợ đêm cũng đa dạng nhiều nơi. Hay Nha Trang trong vài năm trở lại đây rất phát triển thể thao dưới nước như flyboard, đua thuyền buồm, lăn biển và tắm bùn. Phú Quốc cũng liên tục có những điểm hấp dẫn mới du khách như Safari, các hoạt động biển, khám phá rừng quốc gia.
Ngay cả những vùng đảo như Phú Quốc hay Côn Đảo cũng trở nên là điểm đến yêu thích trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là Côn Đảo trong mùa hè năm nay khi du lịch trong nước là lựa chọn duy nhất. Hoạt động trải nghiệm nuôi rùa cùng với du lịch tâm linh tại Côn Đảo cũng mang lại những sự hấp dẫn mới đối với du khách phía Bắc. Ngược lại, ngoài miền Bắc các điểm du lịch gần như không thay đổi trong hàng chục năm nay, duy chỉ có Hạ Long là thêm công viên nước, cáp treo Yên Tử nhưng luôn trong tình trạng quá tải vào mùa hè khiến cho trải nghiệm của khách hàng không được tốt. Miền Bắc tuy còn rất nổi tiếng với khu vực miền núi như Tam Đảo, Hà Giang, Mai Châu nhưng cơ sở lưu trú còn hạn chế, giao thông chưa thuận tiện, đi lại mất nhiều thời gian, các hoạt động về đêm gần như không có nên không thu hút được quan tâm nhiều của khách Việt Nam, đặc biệt là các khách hàng có khả năng chi trả tốt.
Không chỉ đối với các nhóm khách nhỏ gia đình, bạn bè, mà ngay cả với những nhóm khách đi theo công ty, tổ chức các chương trình team building, hoạt động tập thể, các vùng biển miền Trung và miền Nam cũng chiếm được ưu ái hơn hẳn nhờ những khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, bãi biển đẹp, quanh năm ấm áp, nhà hàng cùng các khu vui chơi lớn có thể tổ chức được nhiều sự kiện với mức chi phí hợp lý.
Du khách miền Nam còn nhiều e ngại với du lịch phía Bắc
Ngược lại với du khách miền Bắc, du khách phía Nam có thói quen du lịch tương đối khác biệt. Du khách phía Nam thường có thói quen đi du lịch nước ngoài do lợi thế của sân bay Tân Sơn Nhất nên vé máy bay ra nước ngoài thường giá rất tốt. Đối với điểm đến trong nước, khách hàng miền Nam cũng yêu thích việc di chuyển bằng đường bộ, đi tới những điểm đến quen thuộc như Vũng Tàu, Phan Thiết hay Đà Lạt.
Chị Minh Hiếu, một người đã đặt chân đến tất cả những vùng đất của Việt Nam cho biết tuy chị rất thích đi du lịch nhưng lại rất khó thuyết phục những người thân quen của mình du lịch ra Bắc cùng mình. Chị nói rằng cảnh quan miền Bắc rất đẹp nhưng người miền Nam lại ngại đi ra Bắc, phần nhiều do tâm lý và quảng bá của du lịch miền Bắc chưa tốt.
Người miền Nam chủ yếu chỉ biết tới Hà Nội, Hạ Long, Sapa, Ninh Bình và Hà Giang chứ không biết tới những vùng đất khác, chủ yếu là những địa danh gắn liền với văn hóa, núi rừng chứ không phải vùng biển bởi biển miền Bắc đục, sóng to, không đẹp bằng biển miền Nam và thời gian tắm biển chỉ được mùa hè, từ mùa thu bắt đầu chuyển lạnh và không tắm được.
Ngoài việc chỉ có duy nhất sân bay tại Hà Nội trước kia và Quảng Ninh hiện nay, thì di chuyển tới những khu vực miền núi như Sapa hay Hà Giang quá mất thời gian, muốn đi cũng mất vài ngày di chuyển trên đường liên tục, chưa kể không phải người Nam nào cũng quen với việc đi đường núi. Những chương trình du lịch miền Bắc thường chỉ hợp với những khách thích trải nghiệm, khám phá hơn là khách thích thăm quan nghỉ dưỡng đơn thuần. Cùng với di chuyển khó khăn đó là chi phí đi du lịch miền Bắc không hề rẻ do quãng đường đi thăm quan các nơi tương đối xa, cộng với vé thăm quan các điểm khá cao.
Ví dụ như Vịnh Hạ Long 290.000VNĐ/ngày hay 1.000.000VNĐ/2 ngày, Tràng An Ninh Bình giá vé 250.000VNĐ/người, cáp treo Yên Tử 280.000VNĐ/người … khiến cho một chuyến du lịch miền Bắc khoảng 5 ngày thì mỗi du khách đã mất từ 1.000.000VNĐ – 1.500.000VNĐ tiền vé thăm quan. Thêm vào nữa, người miền Nam, đặc biệt là người lớn tuổi không nhiều người hợp với đồ ăn ngoài Bắc. Nếu vào Sài Gòn, có thể dễ dàng gặp được những quán ăn “cơm Bắc”, “phở Hà Nội” thì lại không dễ dàng tìm được khẩu vị nhiều ngọt của người Nam tại những thành phố du lịch như Hạ Long hay Ninh Bình, chưa kể khu vực miền núi như Sapa, Hà Giang. Thời tiết miền Bắc có những mùa mưa rét, gây tâm lý ngại ngần cho nhiều du khách.
Và cuối cùng, không thể không nhắc đến vấn đề còn tồn tại từ rất lâu tại miền Bắc đó là chất lượng dịch vụ, vấn đề cốt lõi về con người. Từ lâu nay, dịch vụ tại miền Nam luôn được coi là đi đầu về chuẩn mực dịch vụ, thái độ hòa nhã, lịch sự, người dân thân thiện hiền hòa thì du lịch miền Bắc đặc biệt một số vùng biển chỉ kinh doanh một mùa hè từng rất ‘nổi tiếng’ với dịch vụ chặt chém, đối xử với du khách gây nhiều phản ứng tiêu cực, dịch vụ không đảm bảo. Tuy hiện nay những hiện tượng này đã được chấn chỉnh ít nhiều nhưng không thể trong một sớm một chiều mà thay đổi được tâm lý của du khách.
Trong tình hình hiện nay, khi chưa thể mở cửa các đường bay thương mại quốc tế, đồng nghĩa với chưa có khách du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch đã lên kế hoạch các chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ hai và thứ ba sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhưng để tận dụng được lợi thế cạnh tranh, thu hút khách du lịch và phát triển du lịch đồng đều ở ba miền vẫn cần định hướng ở các cơ quan quản lý nhà nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo