Dư nợ Chính phủ đang trong ngưỡng an toàn
(vneconomy) Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, vấn đề nợ công và quản lý nợ không chỉ là mối quan tâm ở Việt Nam mà còn là chủ đề “nóng” của nhiều chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trên thế giới.
Ở Việt Nam khái niệm nợ công mới được sử dụng từ năm 2009 sau khi có Luật Quản lý nợ công. Tuy nhiên, cách tiếp cận khái niệm nợ công còn nhiều khác nhau giữa Việt Nam và một số tổ chức quốc tế. Yêu cầu về quản lý nợ công hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng được các nhu cầu phát triển của đất nước nhưng phải đảm bảo khả năng trả nợ, các cân đối trong cán cân kinh tế vĩ mô cũng như hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay.
Giám sát chặt nợ của doanh nghiệp nhà nước
Một trong những điểm còn tranh cãi trong cách tính nợ công của Việt Nam là nợ doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện có ý kiến cho rằng, tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước phải tính vào nợ công, vì suy cho cùng chủ sở hữu thực sự của các doanh nghiệp nhà nước chính là nhà nước. Trong khi đó, Bộ Tài chính căn cứ vào Luật Nợ công không tính các khoản vay này vào nợ công.
Đồng tình với quan điểm nợ doanh nghiệp nhà nước không nên tính vào nợ công nhưng theo vị phó chủ tịch này, dù về mặt kỹ thuật không nên thống kê nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, nhưng về mặt quản lý độ rủi ro, các khoản nợ này cần được giám sát một cách chặt chẽ, không chỉ khâu nợ mà cả khâu đi vay.
“Nếu không, đây vẫn là hệ quả mà ngân sách nhà nước phải xử lý”, ông Tuấn nhấn mạnh. Hơn nữa, trên thị trường vốn quốc tế nếu các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước mà nhiều thì các khoản vay của Chính phủ sẽ khó khăn hơn do tất cả những rủi ro sẽ được tính cộng vào lãi suất vay.
Chính vì vậy, theo ông Tuấn, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cần quan tâm đến khoản vay của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời xem xét, giám sát chặt chẽ như một khoản vay của Chính phủ.
Đánh giá về vấn đề nợ công Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra cho rằng tình trạng nợ Việt Nam không căng thẳng và ít rủi ro do chất lượng chính sách và thể chế (CPIA) tốt. Tuy nhiên, nếu CPIA của Việt Nam không giữ được mức độ tốt trong thời gian tới thì mức độ rủi ro này sẽ tăng lên.
2015: Dư nợ Chính phủ khoảng 2.220 tỷ đồng
Về kế hoạch vay và trả nợ trong giai đoạn trước mắt, Bộ Tài chính cho rằng, giai đoạn 2011-2015 vẫn cần nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực này.
Nhiều công trình, dự án đã và đang được đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ, trong bối cảnh nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA) dành cho Việt Nam sẽ giảm dần, vì vậy, cần tiếp tục vay trong nước để đảm bảo vốn đầu tư các cho các công trình, dự án này, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ cũng góp phần thúc đẩy phát triển và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường vốn trong nước; đồng thời huy động tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội đưa vào đầu tư phát triển, khuyến khích thực hành tiết kiệm.
Dự kiến trong giai đoạn 2011-2015, tổng nhiệm vụ huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước khoảng 1.021,1 nghìn tỷ đồng.
Trong số này, dự kiến vay ngoài nước khoảng 152,7 nghìn tỷ đồng; vay trong nước khoảng 868,4 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ chi trả nợ gốc, tổng nhiệm vụ vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả trái phiếu chính phủ) khoảng 694,5 nghìn tỷ đồng, trong đó vay trong nước khoảng 628,3 nghìn tỷ đồng.
Trong tổng số vay nợ trong nước 868,4 nghìn tỷ đồng, dự kiến phát hành trái phiếu chính phủ khoảng 660,4 nghìn tỷ đồng còn lại 208 nghìn tỷ đồng sẽ huy động từ các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong nước khác. Dự kiến tổng chi trả nợ trong cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 khoảng 583,6 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, dự kiến chi trả nợ ngoài nước khoảng 125,6 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay trong nước khoảng 458 nghìn tỷ đồng. Loại trừ chi trả nợ gốc, dự kiến chi trả nợ lãi khoảng 257,3 nghìn tỷ đồng; trong đó chi trả nợ lãi vay trong nước khoảng 216 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, với dự kiến về vay và trả nợ như trên, dư nợ Chính phủ sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù vẫn trong giới hạn an toàn.
Lê Hường
End of content
Không có tin nào tiếp theo