Dù tín dụng tăng 12%, GDP vẫn khó đạt mục tiêu
Với độ trễ tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế là từ 6 tháng đến 1 năm, dù tăng trưởng tín dụng 7 tháng còn lại năm 2013 đạt được mục tiêu 12%, thì tác động tăng trưởng tín dụng đến tăng trưởng GDP năm 2013 là không đáng kể.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã tăng trở lại trong 2 tháng trở lại đây, đạt 1,4% tính đến cuối tháng 4/2013, song theo quan sát của nhóm nghiên cứu Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng tín dụng đã suy giảm mạnh 2 năm 5 tháng liên tiếp từ năm 2011-5/2013 và dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới. Cụ thể, theo thống kê, tăng trưởng tín dụng bình quân 2000-2010 là 32,39%, tới giai đoạn 2011-2012, con số này chỉ còn 11,36%, giảm gần 2,8 lần. Nếu tín dụng năm 2013 đạt được mục tiêu 12%, thì tổng số tăng trưởng tín dụng 3 năm 2011-2013 cộng lại là 35,3%, xấp xỉ bằng tăng trưởng tín dụng bình quân của 11 năm trước đó (32,39%).
Thực tế, độ trễ của tăng trưởng tín dụng tác động làm tăng GDP từ 6 tháng đến 12 tháng và tác động làm tăng CPI từ 14-24 tháng. Tăng trưởng tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tăng trưởng nền kinh tế trong ngắn hạn. Nếu tăng trưởng tín dụng quá cao và không đảm bảo chất lượng sẽ làm tăng cung tiền M2 quá mức, trong khi năng suất và sản lượng không theo kịp sẽ thổi bùng lạm phát lên cao.
“Như vậy, với độ trễ tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế là từ 6 tháng đến 1 năm, dù tăng trưởng tín dụng 7 tháng còn lại năm 2013 đạt được mục tiêu 12%, thì tác động tăng trưởng tín dụng đến tăng trưởng GDP năm 2013 là không đáng kể. Sự tích tụ suy giảm liên tục tín dụng và đầu tư toàn xã hội từ 2011-2013 sẽ làm giảm sút rất lớn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2013 và những năm tới. Hệ quả là năm 2013, sẽ rất khó đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012 và 2014-2015 rất khó đạt được mức độ tăng trưởng 7-7,5% như mục tiêu đề ra. Và để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân như trên thì lạm phát mục tiêu tối ưu của giai đoạn 2013-2015 nên kiểm soát ở mức 7-7,5%.” – PGS.TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính – Tiền tệ Quốc gia khẳng định.
Phải lựa chọn giữa tăng trưởng và lạm phát
Quan điểm chính sách tăng trưởng và lạm phát giai đoạn 2013-2015 của Việt Nam theo định hướng “Tăng trưởng cao, lạm phát thấp” và “ưu tiên cả hai mục tiêu như nhau”. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thạc Hoát, Học viện Chính sách và phát triển, về dài hạn phải đạt được đồng thời cả 2 mục tiêu là tăng trưởng cao và lạm phát thấp tuy nhiên trong ngắn hạn và trung hạn sẽ khó đạt được cùng lúc 2 mục tiêu trên, giảm lạm phát thì cái giá phải trả sẽ là hy sinh tăng trưởng. Nếu nỗ lực đơn thuần dựa vào quyết tâm chính trị thì sẽ đi vào vòng xoáy lạm phát cao và tăng trưởng thấp.
“Trong giai đoạn 2013-2015, do nền kinh tế Việt Nam vẫn trong thời kỳ bắt đầu cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, chưa có sự phát triển đột biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả so với giai đoạn trước. Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm theo mục tiêu kế hoạch 5 năm 2010-2015 theo NQ của Đại hội Đảng XI 7-7,5%/ năm và NQ số 10/2011/QH là 6,5-7% thì lạm phát mục tiêu tối ưu của giai đoạn 2013-2015 nên kiểm soát ở mức 7-7,5%.” – TS. Hoát khuyến nghị.
Bên cạnh các nhân tố gây lạm phát cơ cấu như hạ tầng yếu kém, khu vực kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo không hiệu quả, ngành công nghiệp cơ bản của nền kinh tế không phát triển… thì các yếu tố tiền tệ cũng là nguồn gốc gây lạm phát cao trong thời gian qua của Việt Nam. Đó là sự thâm hụt ngân sách kéo dài mà nguyên nhân chính không phải do chi tiêu thường xuyên mà tại đầu tư không hiệu quả; tiếp đó, góp phần vào lạm phát là tăng trưởng tín dụng quá mức kéo theo sự tăng cao của tổng phương tiện thanh toán, từ đó, tạo ra áp lực tăng giá và thổi bùng lạm phát lên cao.
Thêm vào đó, thị trường tài chính và độ sâu tài chính của Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh chóng nhưng chưa thực hiện tốt chức năng phân bổ, sàng lọc và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng được phân bổ vào khu vực hiệu quả thấp, rủi ro cao, hoặc đầu cơ vào chứng khoán và bất động sản. Đây là một trong những nhân tố quan trọng gây ra lạm phát cơ cấu, lạm phát tiền tệ ở nước ta trong thời gian qua.
Để khắc phục sự lệch pha chính sách tài khóa và tiền tệ, cần có một cơ quan thực hiện chức năng phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ độc lập với NHNN và Bộ Tài chính thực hiện chức năng: tham mưu cho Chính phủ quyết định các quan hệ cân đối giữa các chỉ tiêu Lạm phát, cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng và các khoản nợ công, kiểm tra giám sát thực hiện chi tiêu trên. Theo đó, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP là một trong những tiêu chí thước đo độ sâu tài chính phải luôn được kiểm soát ở tỷ lệ phù hợp để đảm bảo hệ thống tài chính phát triển hiệu quả. Đồng thời, ưu tiên cơ cấu hệ thống tài chính, đảm bảo thực hiện tốt các chức năng phân bổ vốn, sàng lọc và hỗ trợ nhằm tập trung tín dụng vào các khu vực hoạt động hiệu quả của nền kinh tế.
Cụ thể, TS Nguyễn Thạc Hoát khuyến nghị: Cần tái cơ cấu chức năng phân bổ vốn, cho phép linh hoạt về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức tín dụng lên tối đa 49%, nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, khắc phục yếu kém trong khả năng phân bổ vốn. Cần hướng dòng chảy vốn xã hội từ chính sách kích thích đầu tư tài chính (vàng, cổ phiếu, ngoại tệ…) sang đầu tư sản xuất kinh doanh mà muốn vậy thì lãi suât tiềng gửi các tổ chức kinh tế phải thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm của cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng chính sách “phi lãi suất” đối với các nguồn vốn gửi vào ngân hàng để thực hiện các chức năng phương tiện thanh toán, ký quỹ, bảo lãnh, giữ hộ.
Đặc biệt, chính sách ngân hàng phải đóng vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế khi thực hiện việc không khuyến khích lợi nhuận cao và tỷ lệ thuế cao đối với một số hoạt động tín dụng rủi ro cao mà nhà nước cần khuyến khích cho vay, đồng thời, các TCTD cần có sự kiểm soát chặt chẽ các chi phí đầu vào như chi phí quản cáo, tài trợ quản lý… để giảm lãi suất đầu ra cho nền kinh tế.
Trí Thành
Theo eFinance
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo