Đua nhau lợi dụng mác học viện
Dù đã có những quy định pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của viện trong các trường đại học hoặc các học viện, nhưng thực tế những tổ chức này đang tồn tại với nhiều biến dạng không đúng với chức năng, nhiệm vụ vốn có.
Chủ yếu liên kết đào tạo và dịch vụ
Được gọi tên là viện nhưng hoạt động chính của Viện Đào tạo quốc tế Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.Hồ Chí Minh là tuyển sinh và đào tạo các chương trình liên kết với nước ngoài từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Trên website của viện này không thấy đề cập về hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ mà đáng ra chức năng một viện phải làm.
Tương tự là Viện Đào tạo mở và nghiên cứu phát triển (Bolt) của Trường Đại học Bình Dương. Tiền thân của viện này là Trung tâm tin học - ngoại ngữ của trường. Sau hơn 2 năm thành lập, viện đang hoạt động với chức năng đào tạo các chương trình ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ; liên kết với nước ngoài tổ chức đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức tư vấn du học, giới thiệu đi học nước ngoài… Thậm chí, viện còn đảm nhiệm các việc như đào tạo ngoại ngữ và tin học, giảng dạy Anh văn thiếu nhi tăng cường tại các cơ sở liên kết với các trường tiểu học, biên phiên dịch, thực hiện các công việc liên quan đến tin học như lập trình, cài đặt phần mềm…
Hiện tại viện đang đào tạo các bậc từ ngắn hạn đến trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp đến các chương trình đại học liên thông. Tiến sĩ Cao Việt Hiếu, Viện trưởng Viện Bolt, nói: “Các hoạt động đào tạo mà viện thực hiện đều của Trường Đại học Bình Dương, viện chỉ là đơn vị trực thuộc được trường giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, còn văn bằng vẫn do trường cấp. Viện cũng có các hoạt động nghiên cứu khoa học, gần đây nhất trường mới chuyển giao quy trình và phương pháp tổ chức mô hình kế toán ảo cho sinh viên sang một số trường khác”!
"Từ lúc thành lập đến giờ viện chủ yếu hoạt động ở mảng đào tạo các khóa ngắn hạn là chính, còn việc nghiên cứu thì lâu lâu mới tham gia một vài đề tài chung với Viện Kinh tế, nhưng chủ yếu để học hỏi" |
Học viện Công nghệ thông tin bách khoa (BKACAD) ra đời tháng 11/2004 lại chỉ là một chương trình hợp tác quốc tế của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với các đối tác nước ngoài như Tập đoàn Cisco Systems, Microsoft, Sun Microsystems, Prometric, VUE (Mỹ), CIMA (Anh)...
Khi được hỏi tại sao một chương trình hợp tác quốc tế lại được gọi là học viện, một cán bộ phụ trách đào tạo của học viện này giải thích: “Do Đại học Bách khoa hợp tác với Tập đoàn Cisco Systems để đào tạo về công nghệ thông tin. Tập đoàn này có các học viện mạng Cisco và khi hợp tác với Đại học Bách khoa thì đã đổi tên là Học viện Công nghệ thông tin Bách khoa!”.
Dạy nghiệp vụ, kỹ năng mềm
Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp (IABM) thành lập được khoảng 6 năm nay nhưng chủ yếu chiêu sinh các khóa đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ như kế toán, giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự, chuyên viên tài chính ngân hàng…
Theo bà Phương Dung, bộ phận quản lý của viện, các chương trình này được liên kết với Hiệp hội Các nhà quản lý Anh quốc. Sau khi kết thúc khóa học từ một đến 4 tháng rưỡi, học viên sẽ được nhận chứng chỉ của viện và chứng chỉ của Hiệp hội Các nhà quản lý Anh quốc.
Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp (IABM) chủ yếu chiêu sinh các khóa đào tạo nghiệp vụ như kế toán, giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự, chuyên viên tài chính ngân hàng.
Trong khi đó, nhiệm vụ chính mà Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh yêu cầu viện là “nghiên cứu triển khai thực nghiệm và áp dụng các công nghệ, các sản phẩm và các biện pháp mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp”. Viện cũng được đào tạo nhưng chỉ là “tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về khoa học công nghệ, công nghệ thông tin”. Thế nhưng, viện lại mở rất nhiều khóa đào tạo không đúng với nội dung cấp phép để thu kinh phí. Tiến sĩ Trần Văn Rũng, Viện trưởng, nhìn nhận: “Từ lúc thành lập đến giờ viện chủ yếu hoạt động ở mảng đào tạo các khóa ngắn hạn là chính, còn việc nghiên cứu thì lâu lâu mới tham gia một vài đề tài chung với Viện Kinh tế, nhưng chủ yếu để học hỏi”.
Trên website của Viện Quản trị kinh doanh (BMI) cũng là những thông tin về các khóa học kỹ năng mềm, nghiệp vụ, quản lý cấp cao, đào tạo riêng cho từng doanh nghiệp mà không có bất cứ một thông tin nào về nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ. Website của Viện Quản trị và tài chính (IFA) cũng tương tự. Bên cạnh các khóa học, IFA còn chiêu sinh các khóa quản trị kinh doanh thu nhỏ với học phí gần 1.000 USD/khóa.
Chỉ để tư vấn du học
Trên website chính thức của Viện Nghiên cứu giáo dục quốc tế (có trụ sở chính tại Hà Nội) lại chủ yếu quảng bá du học. Toàn bộ các chuyên mục ở đây đều tập trung vào các vấn đề như thông tin du học, học bổng du học, dịch vụ (dịch thuật, chuyển đổi bằng tương đương). Công ty hợp tác giáo dục quốc tế trực thuộc viện đứng ra tổ chức mọi hoạt động này. Điều đáng nói, viện có văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh nhưng không đăng ký hoạt động tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh theo quy định của luật Khoa học và công nghệ. Tiến sĩ Đỗ Nam Liên - Trưởng văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết ở đây viện chủ yếu hoạt động về du học.
Viện Quản trị doanh nghiệp (trụ sở tại Hà Nội) cũng thành lập Trung tâm tư vấn đào tạo quản lý và nghiên cứu thị trường song chủ yếu để chiêu sinh các khóa học với hàng loạt lớp như nghiệp vụ thư ký văn phòng, kế toán doanh nghiệp, chuyên viên bán hàng và tiếp thị, giám đốc nhân sự… Văn phòng đại diện của trung tâm cũng không thấy nằm trong phần đăng ký hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh.
Viện Công nghệ giáo dục tại TP.Hồ Chí Minh còn quảng bá cả những lớp tiếng Anh một thầy một trò, học viên học tại nhà qua internet với giáo viên nước ngoài, lớp luyện thi lấy học bổng cao đẳng, đại học của Singapore, luyện thi đầu vào các trường Đại học Phần Lan… các môn toán, lý, tiếng Anh…
Cử nhân cũng trở thành viện trưởng ! Theo điều 5 thông tư hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, đối với tổ chức khoa học và công nghệ cấp quốc gia, bộ, tỉnh hoặc tổ chức khoa học và công nghệ là viện thì người đứng đầu phải có trình độ tiến sĩ trở lên. Thế nhưng khi đăng ký tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, viện trưởng của một số viện chỉ mới cử nhân hay thạc sĩ. Chẳng hạn, viện trưởng các viện: Marketing và quản trị Việt Nam, Quản trị kinh doanh, Đào tạo quốc tế FPT TP.Hồ Chí Minh, Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Quản trị kinh tế ứng dụng, Khoa học phát triển nhân lực quốc tế Sài Gòn, Marketing và quản trị Việt Nam, Nghiên cứu và tư vấn quản lý nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ. Viện trưởng các viện: Nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam, Quản trị kinh tế - kỹ thuật, Phát triển nhân lực và công nghệ thông tin, Công nghệ giáo dục và quản trị, Tài chính kế toán và tin học… mới chỉ có bằng cử nhân. |
Hoạt động khoa học và công nghệ Điều lệ trường đại học ban hành năm 2010 quy định rõ: “Các tổ chức nghiên cứu và phát triển được tổ chức dưới hình thức viện hoặc trung tâm, được thành lập theo quyết định của hiệu trưởng, hoạt động theo quy định của pháp luật và có các nhiệm vụ sau: Triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ mũi nhọn hoặc liên ngành, đưa tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, gắn hoạt động khoa học và công nghệ với đào tạo và thực tế sản xuất, kinh doanh”. Thông tư số 22/2011 của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, cũng nêu viện là một trong những đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện hoạt động nghiên cứu và khoa học trong các trường đại học. Theo đó, viện được thành lập và hoạt động theo luật Khoa học và công nghệ, có nhiệm vụ như nêu trên trong Điều lệ trường đại học. Như vậy, viện chính là một tổ chức khoa học công nghệ của trường đại học. Còn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học cho biết: “Theo quy ước của quốc tế thì học viện cũng cùng đẳng cấp với đại học nhưng khác là học viện chỉ đào tạo 1-2 lĩnh vực đầu ngành, còn các đại học và trường đại học thì đào tạo đa lĩnh vực. Mô hình của học viện giống như các trường đại học, bao gồm các viện, khoa và các trung tâm nghiên cứu…”. |
T.N (Theo Thanh niên)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Top 10 loài động vật dài nhất thế giới: Vị trí số 1 lên tới 55 mét
Vàng đến từ đâu và được hình thành như thế nào?
Top 5 con ‘quái vật’ bí ẩn gây ám ảnh nhất cho người Việt Nam: Con thứ 2 hoàn toàn có thật trên đời!
Einstein là thiên tài nhưng tại sao con trai ông lại mắc bệnh tâm thần?
Người đàn ông thông minh nhất thế giới với chỉ số IQ 210 tuyên bố không ngờ về những gì xảy ra sau khi con người chết