Đừng bắt trẻ con sướt mướt, nhố nhăng như người lớn
Nhìn từ những cuộc thi hát, những chương trình truyền hình, những sân chơi giải trí dành cho thiếu nhi ngày nay, có thể thấy những bài hát cho thiếu nhi đang ngày một khan hiếm. Một thời những bài hát như: Cánh én tuổi thơ, Cô và mẹ (Phạm Tuyên), Trường làng tôi (Phạm Trọng Cầu), Em là bông hồng nhỏ (Trịnh Công Sơn), Em yêu trường em, Mùa hoa phượng nở (Hoàng Vân), Đi học (Bùi Đình Thảo)... đã làm xao động biết bao trái tim trẻ thơ cả nước. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, những bài hát hay dành cho thiếu nhi dường như… ít được sáng tác (hay có mà không thiếu nhi nào hát?).
Chương trình Giọng hát Việt nhí vừa kết thúc cách đây chưa lâu, dư âm của cuộc thi vẫn đang là đề tài nóng hổi trong dư luận bởi không có bài hát tuổi thơ nào được trình bày, các em hát những bài hát với nội dung không đúng lứa tuổi.
“Hiện tượng” Phương Mỹ Chi trình bày những ca khúc vô cùng ngọt ngào, nhưng rõ ràng là rất ít các em nhỏ cỡ tuổi em có thể hiểu hết ý nghĩa của những “Sắc màu” (Trần Tiến), “Để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn), “Hồ trên núi” (Phó Đức Phương), “Ngựa ô thương nhớ”, “Đêm phương Nam”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Nhớ mẹ Lý mồ côi”... Lại còn những ca khúc tiếng Anh vừa khó cảm nhận, vừa quá giàu tính triết lý. Tất cả đều khá xa lạ với lứa tuổi của các em. Để hát được những bài hát đó, truyền tải được thông điệp của những bài hát đó, thường người hát phải có sự trải nghiệm cuộc sống, tóm lại là phải “trải đời”...
Chia sẻ điều này, NSND Trọng Nghĩa cho rằng, những năm gần đây, không có nhiều ca khúc thiếu nhi mới được phát rộng rãi trong các trường học, các cuộc thi và ngay cả trên sóng phát thanh, truyền hình. Theo nghệ sĩ, các chương trình giải trí, “sân chơi” dành cho thiếu nhi trên VTV như Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, cũng chỉ thấy các cháu hát toàn nhạc người lớn và hát nhạc nước ngoài. Một cuộc thi dành cho thiếu nhi thì phải hát nhạc thiếu nhi chứ?
“Điều khiến tôi cảm thấy đau lòng là các nhạc sĩ tâm huyết viết ca khúc cho thiếu nhi (như các “tượng đài” Phạm Tuyên, Phong Nhã, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Trương Quang Lục, Vũ Hoàng...) đã không còn nhiều, bởi nhạc sĩ Việt Nam gần đây thường sáng tác để phục vụ thị hiếu của số đông, đôi khi là tầm thường, chưa kể có tiền đặt hàng của đơn vị này, địa phương kia…” - NSND Trọng Nghĩa tâm sự.
Đấy là chưa kể - vẫn theo NSND Trọng Nghĩa - có những vị giám khảo dẫn dắt các cháu trên sân khấu trông rất nhố nhăng, sướt mướt như: “Tìm về dấu yêu”, “Baby”, hay “Giấc mơ ngày xưa”, “Ru lại câu hò”, “Trên bến sông buồn”... rất phản giáo dục, phản văn hóa.
Còn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - cha đẻ của ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, một ca khúc được bé Mỹ Chi biểu diễn trong đêm chung kết Giọng hát Việt nhí 2013 thì cho rằng, thông thường, bất cứ tác giả nào khi có người hát lên “đứa con” của mình đều rất vui mừng và hạnh phúc. Nhưng trong trường hợp này thì không.
Tác giả “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” tâm sự: Nhạc sĩ khi viết ca khúc cũng như một người thợ may áo, vóc dáng nào thì may ra chiếc áo ấy. “Chiếc áo” “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, về nội dung, ca từ thấm đẫm chất ai oán của dân ca Nam Bộ, tất nhiên là dành cho người lớn; về thanh nhạc, có nhiều quãng âm luyến láy đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao, cũng là dành cho người chuyên nghiệp. Vì vậy, theo nhạc sĩ, ca khúc trên không thể phù hợp với một cô bé như Mỹ Chi. Việc để cháu hát ca khúc này trên sân khấu chẳng khác nào bắt cháu mặc chiếc áo quá rộng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc