Dừng chặt cây xanh: Lãnh đạo Hà Nội đã biết cầu thị?
Tâm tư ấy cũng được GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam chia sẻ trên Doanh Nghiệp Việt Nam cả về giá trị văn hóa, cả về khoa học và cả về môi trường.
Bóng cây và lòng người
- Thưa Giáo sư, lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa yêu cầu tạm dừng việc chặt hạ hàng loạt cây xanh, là chuyên gia trong lĩnh vực này ông có thấy lòng mình “mát” không?
+GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nếu thế thì cũng hoan ngênh. Tôi thấy vai trò của báo chí đã phản ảnh được nguyện vọng của người dân. Nếu Hà Nội có suy nghĩ đó thì họ cũng cầu thị, nghe ngóng nguyện vọng của dân. Tôi rất hoan ngênh.
- Thế nhưng cây xanh không phải là vật vô tri vô giác, với hàng loạt hàng cây đã bị đốn hạ, dường như “ hồn” người Hà Nội đã bị tổn thương?
+GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Đúng là cây xanh cũng có giá trị về tâm linh. Cây xanh cũng có hồn. Chính vì thế, trong cây xanh người ta cũng gửi gắm tình cảm của con người, con phố hoặc của ai đó.
Khi con người gặp được cây xanh đẹp, mát và tươi tắn tự nhiên trong lòng người họ cũng thấy thoải mái. Đứng về mặt văn hóa nó cũng có giá trị rất lớn. Việc bảo vệ các cây xanh hiện nay cũng là để biết ơn bậc tiền bối đã từng có công trồng cây.
Có thể các cây nào còi cọc quá hoặc bị sâu bệnh nhiều quá mà bất khả kháng phải thay thế thì chúng ta thay thế. Trong thiên nhiên cũng phải thay thế nhưng không phải thay thế hàng loạt như thế này.
Hiện nay cũng như tương lai, cây xanh có giá trị như vậy mà chặt hàng loạt như thế rõ ràng làm cho môi trường đó nóng lên.
- Đã có quyết định dừng rồi, phải chăng không còn gì để bàn về câu chuyện hâm nóng dư luận thời gian qua?
+GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Không, tôi nghĩ rằng cần phải tiếp tục đề nghị với thành phố suy nghĩ về vấn đề này, cần phải có quy hoạch và cân nhắc. Từng khu phố có tính chất riêng, không phải đường phố nào cũng buôn bán mà một số đường phố tập trung cho giao thông, một số đường là văn hóa, du lịch, bệnh viện, trường học thì những đường phố như vậy thì tìm những cây phù hợp.
Có thể trao đổi với các nhà khoa học, bàn bạc quy hoạch đường phố nên trồng những cây gì cho phù hợp để vừa tỏa bóng mát cây xanh vừa đảm bảo văn hóa của phường đó, khu phố đó. Hay những nút giao thông lớn thì tìm cách trồng chỗ nào, như thế nào, những cây gì không độc hại. Tôi nghĩ trong thời đại hiện nay ta có thể làm được.
Khoa học Việt Nam có thể làm được miễn là phải trao đổi với các nhà thực vật học, những người chuyên nghiên cứu sâu về loài cây, mỗi quần thể cây thích hợp với mỗi thổ nhưỡng khác nhau, điều kiện khí hậu khác nhau thì tìm cách mình trồng. Thứ hai, học hỏi kinh nghiệm trước đây đã có.
Như thời Pháp thuộc có những cây Pháp thuộc không trồng thì mình nghĩ không phải họ không có kiến thức đâu, nên mình trồng thì mình cũng nên nghiên cứu lại. Những việc này chỉ cần trao đổi chứ không có tốn tiền gì.
Điều nữa là cần phải trao đổi với địa phương, cộng đồng của từng khu phố, quận, huyện những nơi thay đổi cây xanh. Cần phải trao đổi với các cụ ông, cụ bà.
Việc thay đổi cây cũng ảnh hưởng đến tình cảm của người dân vì người dân sống trong khu phố bởi ở thành phố không có diện tích rộng rãi, ngoài đường phố có cây cối là nơi người dân gặp gỡ nhau, trao đổi tình cảm với nhau giữa các thế hệ với nhau.
Vì thế, việc chặt cây cũng làm ảnh hưởng đến tình cảm của người dân. Do đó, trong quá trình làm cũng phải trao đổi với cộng đồng, cùng phân tích để bà con có ý kiến, chỉ có lợi chứ không có hại.
Cây là cuộc sống đối với người dân, họ giữ không phải để làm giàu trong gia đình của họ, không phải để ăn, để uống mà giữ cho phường đó, khu phố đó, trong đó có họ. Chính ý kiến của họ, có chứng kiến đưa ra là những suy nghĩ chung chứ không phải suy nghĩ của riêng từng cá nhân.
Cây cối cũng tạo nên cảnh quan cho thành phố. Trong thành phố, bệnh viện hay trường học mà không có cây cối, chỉ thấy sắt thép làm cho con người dễ bực bội hơn. Nhưng khi cây cối có nhiều, nhiều thảm xanh cũng làm con người cũng dịu bớt nỗi ưu phiền, suy nghĩ của từng người.
Yên bình không cần cây xanh?
- Dưới góc độ môi rường, cây xanh có giá trị thế nào?
+GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Tất cả cây xanh trên đường phố cũng như trong đình chùa, trường học, công viên, có chức năng rất quan trọng.
Cây xanh có vai trò như một lá phổi trong thành phố. Điều đó phụ thuộc vào tầng lá, độ dày của cây, tán lá trong việc hấp thụ carbon và thải khí carbonic đều rất cần trong cuộc sống của con người nhất là trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay.
Vấn đề khí ô nhiễm ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt hiện nay công nghiệp phát triển hay trong giao thông vận tải, thậm chí trong các hộ gia đình vẫn còn đun nấu bằng than đóng góp vào việc tăng hiệu ứng khí nhà kính, làm trái đất nóng lên.
Chính vì thế, trong thời đại này, hiểu biết càng ngày càng tốt hơn thì có nghĩa ta càng phải thấm thía giá trị của cây xanh đối với cuộc sống.
Đối với người nước ngoài rất ca tụng Hà Nội là thành phố hòa bình, xanh – sạch – đẹp, yên bình. Trong cái yên bình đó có con người và thiên nhiên. Thiên nhiên có cây thể hiện nhiều nhất.
Yên bình là mong muốn của bất kì ai trong xã hội này. Yên bình giúp con người khỏe mạnh để có đầu óc sản xuất ra kinh tế và từ đó làm ra họ có ý thức bảo vệ cây cối.
Thiên nhiên tốt đẹp hơn sẽ giúp tái tạo sức khỏe cho con người. Nó có một vòng luân chuyển về vật chất, tuần hoàn giữa con người và thiên nhiên. Như vậy, hiệu quả về kinh tế cũng có. Khi con người yên bình, suy nghĩ điều tốt thì sẽ làm điều thiện nhiều hơn điều ác.
- Nếu hơn 6.700 nghìn cây bị chặt bỏ như kế hoạch, sẽ tác động thế nào đến môi trường và sức khỏe cộng đồng?
+GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Cây xanh trước hết có tác dụng giảm bớt bụi. Khi xe cộ đi qua lại, cây xanh sẽ cản lại bụi. Chính vì thế trên các đường phố sầm uất hay không sầm uất từ trước kia ông bà ta trồng cây để hạn chế tác hại này
Cây xanh trên đường phố Hà Nội còn có tác dụng giảm tiếng ồn, đối với thân cây, cành cây, lá cây làm giảm được tiếng ồn. Giảm được tiếng ồn, giảm được bụi tức là đã bảo vệ được sức khỏe cho cộng đồng. Do đó, cây xanh đối với vấn đề môi trường cực kì quan trọng.
Những chỗ có cây xanh có thể thấy, vào mùa hè nhiệt độ ở chỗ đó bao giờ cũng giảm khoảng ba đến bốn độ so với những nơi không có cây xanh.
Đối với mùa lạnh cũng vậy, ở ngoài trời lạnh nhưng khí vào bóng của cây xanh thì thấy ấm hơn . Chính vì thế cây xanh bảo vệ được sức khỏe của con người.
Trăm năm nữa …lại mát
- Tuy nhiên theo kế hoạch, những cây bị chặt bỏ sẽ được thay thế bằng cây khác, có giá trị và phù hợp với cảnh quan đô thị hơn. Vậy có phải lo lắng hay nói quá nhiều về việc này?
+GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Không. Theo ý của tôi, nếu thành phố có kế hoạch như vậy thì cũng nên mời người có chuyên môn sâu về trồng cây trên đường phố để trao đổi, phân tích cũng chả có tốn kém gì mà chỉ có lợi cho thành phố.
Không biết người khác thế nào nhưng riêng bản thân tôi thì chưa thấy có trao đổi gì. Khi nghe tin đó, đứng trên góc độ nhà khoa học cao tuổi tôi cũng thấy lo lắng vì mình ở trong thành phố.
Việc bảo vệ cây chính là bảo vệ con người. Dù có thời đại công nghiệp cao đến mấy thì con người và thiên nhiên vẫn là trung tâm.
Bất khả kháng mới phải chặt cây. Có một số loại cây phát triển rất nhanh như cây keo đứng về mặt môi trường nó cũng có tác dụng nhất định của nó nhưng không thể trồng trong các đường phố được.
Nếu đê cây trồng mới có giá trị được như hiện nay thì phải ba bốn chục năm, có khi hàng trăm năm mới đạt được như thế.
Xã hội đang công nghiệp hóa rất sôi động mà đợi vài chục năm nữa cái cây đó mới có tán cây, cành cây thì sức khỏe con người có thể đã bị ảnh hưởng rất lớn.
Do đó, chính việc hài hòa thiên nhiên đối với việc phát triển kinh tế là cực kì quan trọng. Đây là điều dứt khoát chúng ta phải làm. Những cây đang xanh tốt, độ lớn, tán che, độ tồn tại của nó vẫn vững vàng thì không nên chặt phá. Giữ cây xanh là giữ cuộc sống của con người.
Những cây mới trồng cần phải khoảng thời gian vài chục năm mới bảo đảm được chức năng của nó. Cho nên, khi suy nghĩ thay nhiều cây thì phải suy nghĩ trên cơ sở sinh thái học, khoa học, cụ thể là sinh thái đô thị xanh.
Sống trăm năm rồi “ly hôn” vì không hợp
- Nhiều người hỏi những cây có tên trong sổ “Nam Tào” có giống với cây ở các tuyến phố lớn và quan trọng như Hoàng Hoa Thám, đoạn chạy qua Vườn Bách Thảo và nối với nó là đường Phan Đình Phùng,… Giáo sư có nắm được thông tin gì về số phận hàng cây trên các con phố đấy không?
+GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Các cây bị chặt thì tôi chưa biết chặt cây nào. Nói chung, đối với các cây ở bờ hồ hay trên những đường phố Hà Nội đều có những đặc trưng riêng ví dụ như phố Nguyễn Du có cây hoa sữa, dọc Phan Đình Phùng có cây xà cừ hay có những đoạn đường có cây sấu…Các cây cũng đa dạng.
Không biết các cây có giống không nhưng chắc cũng phải giống một số cây ở ngoài bờ hồ. Ngoài bờ hồ cây có đặc trưng riêng, Pháp trước đây trồng cũng rất nhiều. Có thể thấy như lộc vừng. Xung quanh bờ hồ hay như hồ giảng võ sau này mới trồng, hay ở đường Thanh Niên đều có những cây lâu năm.
Cũng có một số cây giống với cây đã bị chặt. Có nhiều cây khác nhau khi người ta quy hoạch, tôi cũng không nắm được họ chặt cây gì và như thế nào.
-Họ thắc mắc bởi nếu gắn với phán quyết “ không phù hợp với đô thị” thì những cây trên các con phố đó khác gì những cây đã bị chặt hạ?
+GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Hà Nội có nói một số cây không hợp với đô thị. Tôi thì không rõ chuyện đó nhưng thế nào là không hợp với đô thị thì phải có tiêu chí. Đô thị trước đây như thế nào thì giờ nó như thế. Trong quá trình phát triển những cây đó nếu nói là không hợp, nhưng không hợp ở tiêu chí gì thì phải đưa ra.
Nếu nói rằng những cây đó không hợp đô thị thì hoàn toàn không hợp lý bởi những cây đã sống lâu năm như vậy có nghĩa là đã hợp với đô thị từ xưa đến nay rồi.
Đô thị lúc đó còn bé, đơn thuần nhưng giờ là đô thị hiện đại. Dù là đô thị hiện đại cũng không làm mất giá trị của đô thị xưa kia.
Ta phải tôn trọng những giá trị xưa kia bởi những cây đó đã từng thích nghi với thổ nhưỡng, không khí ở đó, nó đã phát triển mấy chục năm thì đó là thuận lợi, không có gì gọi là không phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo