Đừng để có Quỹ bình ổn rồi mà giá vẫn “nhảy múa”
Liệu có tái diễn điệp khúc... "đổ đầu người tiêu dùng"?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế điều hành Quỹ bình ổn giá điện. Chỉ đạo này được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương từ giữa năm 2011, về điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản.
Theo đó, giá bán điện được tính toán, kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào về tỷ giá, nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát sinh. Trước ngày 20 hàng tháng, EVN tính toán thành phần chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản.
Đáng nói, trong đề xuất, EVN sẽ được phép trích từ Quỹ bình ổn giá điện để bình ổn giá. Trường hợp đã trích quỹ bình ổn mà giá bán điện bình quân tính toán vẫn tăng trên 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức 5%. Sau 5 ngày Bộ Công Thương không có ý kiến trả lời, EVN được điều chỉnh giá bán điện tăng ở mức 5% so với giá bán điện hiện hành.
Ngay sau khi thông tin được phát đi, nhiều chuyên gia có ý kiến phản biện. Một số ý kiến cho rằng, việc lập Quỹ bình ổn giá điện theo phương cách này tương tự việc hình thành Quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu, trong khi, quỹ bình ổn áp dụng với giá xăng dầu vừa qua cho thấy cần có sự điều chỉnh. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp này phải có sự tính toán cụ thể. Cùng với đó, nếu đưa vào vận hành trong bối cảnh hiện nay sẽ gặp một số khó khăn cho thị trường điện cạnh tranh mới đi vào hoạt động.
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, TS. Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển KT -XH Hà Nội) cho biết: "Không nên lập Quỹ bình ổn giá điện giống như Quỹ bình ổn giá xăng, và cũng không nên đặt tên là Quỹ bình ổn giá điện mà nên gọi nó là Quỹ bình ổn an ninh năng lượng Quốc gia. Trong đó bao gồm cả Quỹ bình ổn xăng dầu, giá điện. Còn nếu lập ra Quỹ bình ổn giá điện thì không thể để doanh nghiệp quản lý, nên chăng giao cho tổ chức khác, như Bộ Tài chính chẳng hạn.
Trong bộ phận quản lý đó có người của EVN, của Bộ và cả người tiêu dùng. Kinh phí của quỹ không nên tính vào giá điện giống như Quỹ bình ổn xăng dầu, mà phải thu từ những khoản lãi trong kinh doanh của EVN, từ việc phạt những cá nhân, tổ chức sử dụng điện sai phạm".
Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, phân tích: "Việc thành lập Quỹ bình ổn giá điện mà lại quy định EVN sẽ được trích từ Quỹ bình ổn giá điện để bình ổn giá, nhưng nếu giá điện bình quân tăng lên 5% thì EVN được tính toán và đề xuất tăng giá bán điện lên 5% sau năm ngày đề xuất lên Bộ Tài chính, khác gì điệp khúc xưa được lặp lại nhiều lần.
Vấn đề là Quỹ đó trực thuộc ai, công khai minh bạch như thế nào, chứ giao cho EVN quản lý còn gì là quản lý độc lập. Quỹ này không phải là sáng kiến để giải quyết vấn đề, mà quỹ đó chỉ là một “thủ thuật” để đáp ứng những yêu cầu của EVN mà thôi, và nó lại “rơi” vào đầu người tiêu dùng".
Trong khi đó, trao đổi với báo giới, đại diện Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Quỹ bình ổn giá điện này chỉ được hoạt động khi mà EVN giải quyết xong các khoản nợ treo mà EVN đang gánh chịu.
Cần xem chi phí đã hợp lý chưa?
Mặc dù thông tin về Quỹ bình ổn giá điện mới được giao cho Bộ Tài chính xem xét, xây dựng cơ chế điều hành, nhưng người dân đã dần cảm nhận được độ "giật" của điện. Anh N.Đ.Q (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Những người đề ra ý tưởng này luôn miệng nói, nếu không có quỹ thì mọi thứ tăng cao hơn, CPI tăng cao... Nhưng CPI tăng là lỗi của các nhà quản lý không kiềm chế được lạm phát, để giá thực phẩm tăng vô tội vạ, thao túng giá điện..... Không thể lấy tiền của dân (trích ra làm Quỹ bình ổn) để kìm hãm CPI được”.
Ông T.V.K (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: "Bộ Tài chính khi ban hành Quỹ bình ổn mà chưa thiết lập cơ chế đầy đủ về sự vận hành của Quỹ chả khác nào "mua dây tự buộc mình". Theo chị V.N.N (Lê Duẩn, Hà Nội): "Trong điều kiện quản lý còn yếu kém như ở nước ta thì Quỹ bình ổn giá điện chỉ làm tăng cơ hội cho tham nhũng mà thôi. Theo tôi cần phải để giá cả nói chung và giá điện nói riêng vận hành theo quy luật thị trường. Nói cho cùng Nhà nước làm gì có tiền để mà bình ổn, "trăm dâu lại đổ đầu tằm cả thôi". Cuối cùng khổ nhất vẫn là người dân áo vải".
Đem khúc mắc của người dân trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ông cho biết: "Không thể nói Quỹ bình ổn giá điện giống Quỹ bình ổn giá xăng được, vì xăng dầu lên xuống theo giá quốc tế, còn với điện thì lại khác. Dù mình có phải mua khí, mua than đi chăng nữa... cũng không thể lên xuống theo tuần, theo ngày như xăng dầu. Vấn đề giá điện sản xuất ra thì tự trong EVN họ tự cân đối, với thị trường giá điện phải chuẩn và áp dụng trong lâu dài chứ không như bình ổn kiểu xăng dầu được".
Nhiều chuyên gia kinh tế khi được hỏi đã đặt ra câu chuyện: Phải dựa vào đâu để bình ổn? Phải minh bạch, phải có sự vào cuộc của Nhà nước. Nhà nước cần tính toán chi phí của EVN đã có hợp lý hay chưa? Chứ không phải là dựa vào sự kêu than về bình ổn cái này, cái nọ là lại lập Quỹ bình ổn. Nguyên tắc quan trọng là đảm bảo được năng lượng điện cho cả nền kinh tế phát triển và tạo điều kiện để nhà đầu tư tư nhân tham gia vào phát triển nguồn điện.
"Cơ bản vẫn phải công khai minh bạch"
Một trong những tiêu chí quan trọng để có thị trường điện cạnh tranh chính là việc chia tách các thực thể trong ngành điện. Bước đầu tiên cần làm là, truyền tải điện cần tách độc lập với các nhà máy sản xuất điện. Mô hình thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực điện lực cần phát triển theo hướng mỗi thực thể chính không chiếm lĩnh quá 30% thị phần (có thể hơn hoặc kém mốc này một chút). Ví như mô hình viễn thông chúng ta đang có đã tạo ra một môi trường cạnh tranh tích cực. Ngân sách tăng nguồn thu qua thuế, doanh nghiệp hưởng lợi qua lợi nhuận, người tiêu dùng hưởng lợi qua chất lượng dịch vụ và giá cạnh tranh. Trở lại với vấn đề Qũy bình ổn của ngành điện, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm: "Cơ bản vẫn phải công khai minh bạch, quỹ phải độc lập với EVN, có ban quản lý độc lập, có người tiêu dùng trong đó. Còn nếu không sẽ rất tù mù. Còn nếu vẫn để quỹ này hoạt động như quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cũng chả khác gì một kiểu móc túi khách hàng". |
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024