Đừng làm du lịch theo kiểu sân khấu hóa
Năm du lịch là một thương hiệu, sản phẩm du lịch lớn của quốc gia nhưng mỗi năm lại chọn tổ chức tại một địa phương. Mới đây, Hải Phòng đã đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2013 với chủ đề Văn minh sông Hồng. Theo ban tổ chức, Lễ hội hoa phượng đỏ sẽ là hoạt động cốt lõi, cao trào trong suốt thời gian diễn ra sự kiện cùng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác và trọng tâm là đêm khai mạc tổ chức vào ngày 11/5/2013 nhân kỷ niệm 58 năm giải phóng Hải Phòng.
Làm du lịch kiểu sân khấu hóa
Là người làm du lịch lâu năm, có nhiều tiếng nói phản biện trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, bày tỏ: “Tôi đã nói quá nhiều lần. Nói đến mức bị ghét. Quả thật ý tưởng chương trình năm du lịch quốc gia rất hay nhưng nếu cứ để các địa phương thay phiên nhau làm thì tôi chỉ sợ chúng ta đang biến sự kiện quốc gia thành ra “đám giỗ”. Tức là đến hẹn lại lên, năm trước địa phương này, năm sau địa phương khác mà không để ý sản phẩm du lịch cụ thể là gì, du khách có thích hay không? Địa phương nào cũng làm lễ lượt rồi truyền hình trực tiếp, lãnh đạo lên phát biểu. Những điều đó du khách đâu có cần!”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Thành phố Hội An (Quảng Nam), cho rằng năm du lịch là một lễ hội nhưng lại mất đi ý nghĩa thực của nó.
Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam)
“Cách làm du lịch hiện nay là sân khấu hóa, giống như buổi biểu diễn văn nghệ có truyền hình trực tiếp. Đã là lễ hội thì phải diễn ra trong cộng đồng người dân, trên đường phố, chứ không chỉ diễn ra trên sân khấu. Còn nữa, hội phải mang tính dân gian nhiều hơn là tính chuyên nghiệp. Chúng ta đang chuyên nghiệp hóa lễ hội trên sân khấu trong khi du khách luôn thích tìm hiểu văn hóa dân tộc địa phương mà hội chọi trâu ở Hải Phòng là một ví dụ. Đừng để du khách thụ động ngồi xem biểu diễn chương trình. Nếu vậy họ chỉ cần ở nhà coi trên tivi là đủ rồi, không nhất thiết phải đến tận nơi” - ông Sự nhận xét.
Bên cạnh đó, có một điều đáng buồn là sự kiện năm du lịch quốc gia địa phương nào cũng có thể đăng cai tổ chức trong khi thực tế nơi đó chưa mạnh về du lịch. Thế mạnh của họ có khi chỉ là nông nghiệp, công nghệ…
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, nói thêm: “Ví như Phú Yên năm 2011 đăng cai năm du lịch khi còn chưa hoàn thiện hạ tầng, cơ sở, khách đi ra đảo mà phải đi bằng tàu đánh cá… Rõ ràng, một địa phương đăng cai tổ chức năm du lịch mà không có sản phẩm du lịch hoàn chỉnh thì làm sao thu hút khách?”.
Ông Nguyễn Sự nhấn mạnh: “Chúng ta nên tập trung vào những địa phương mạnh về du lịch và phải tập trung bài bản, thống nhất. Không thể vì tỉnh A làm năm du lịch mà tỉnh B cũng phải làm. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là sự tốn kém tiền của. Tôi ví von việc này như chúng ta bắt họ phải sinh phải đẻ khi chưa tới ngày tới tháng, nên họ phải đẻ non!”.
Khi doanh nghiệp lữ hành… ngại
Việc tổ chức các lễ hội trong năm du lịch quốc gia một cách dễ dãi, phần lễ nhiều hơn phần hội cũng đã khiến cho các hãng du lịch lữ hành không còn mặn mà với sự kiện này. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra ngán ngẩm vì sợ đưa khách đến, về lại mất khách thêm.
Theo ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, nếu đưa khách đến tham gia năm du lịch thì quá nhiều rủi ro, rất dễ làm doanh nghiệp mất uy tín. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty Fiditour, cho biết xu thế bán tour du lịch theo các tuyến lễ hội thường được nhiều doanh nghiệp lữ hành quan tâm. Thế nhưng nếu xét tổng thể thì doanh thu từ các tour dạng này không nhiều cho nên doanh nghiệp không quá tập trung và đặt nhiều kỳ vọng. Nguyên nhân là rất ít chuyến đi có được dịch vụ tốt, giá khách sạn không bị thừa dịp đẩy lên cao… “Mặc dù phần lớn hành trình doanh nghiệp đã tính toán từ A đến Z nhưng do lượng khách đến sự kiện quá đông nên thường hay xảy ra chen lấn, rất dễ làm khách mất lòng” - bà Mai nói thêm.
Từ những vấn đề trên, ThS Trương Hoàng Phương, Giám đốc sản phẩm - tiếp thị Công ty Vietmark, nhận định: “Nếu tạo được phần hội, chắc chắn các địa phương sẽ giữ được du khách. Điều này có thể thấy rõ qua các sự kiện ở Thái Lan có rất nhiều phần hội, hay đơn cử ở Việt Nam nổi bật là Festival Huế, sự kiện này trải dài và có rất nhiều phần hội để khách tham quan thưởng lãm. Đặc biệt, các vấn đề về trật tự, an ninh, nạn “chặt chém” giá cả nếu giải quyết được triệt để thì doanh nghiệp lữ hành an tâm đưa khách đến nhiều hơn”.
Phải là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Vì thiếu một “nhạc trưởng” nên các lễ hội đang bị biến tướng, khiên cưỡng và thậm chí nó phục vụ cho thương mại nhiều hơn là văn hóa. Khi đã thiếu “nhạc trưởng” sẽ dẫn đến hệ lụy mạnh ai nấy làm, dù “nhạc công” có giỏi đến mức độ nào cũng không thể thành dàn đồng ca. “Nhạc trưởng” ở đây phải là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, thậm chí có thể là Chính phủ. Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Thành phố Hội An (Quảng Nam) |
Thanh Thảo (Theo Pháp luật TP.HCM)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?