Tin tức - Sự kiện

Dùng móc mèo làm thuốc: thận trọng!

Bài thuốc dân gian hạt móc mèo tán bột đang được nhiều người bệnh ở TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành đồn thổi là thần dược chữa được ung thư gan, ung thư dạ dày, u tuyến tiền liệt! Giá bán mỗi ký móc mèo trên mạng hiện lên đến gần 500.000 đồng. Điều ít ai biết là hạt móc mèo có thể gây đột tử!

Có thể làm thuốc nhưng không chữa ung bướu

 

Cây móc mèo còn gọi tên khác là vuốt hùm, móc diều, trần sa lực, điệp mắt mèo, thạch liên tử… thuộc họ đậu (Fabaceae).

 

Về thành phần hoá học, hạt móc mèo có dầu béo 23,920%; nhựa đắng 1,888%; đường 5,452%; muối vô cơ 4,521%; chất đạm (albumin) hoà tan 3,412%; chất đạm không hoà tan 18,2%; tinh bột 37,795%.

 

Các axít béo có: axít palmitic, axít stearic, axít oleic, axít linoleic…; amino axít có arginin, cystin, lysin… Rễ chứa caesalpinin, α-caesalpin, caesalpin F, caesalpin G, caesalpin H… Lá chứa brazilin, bonducin, caesalpin F… Có tác giả cho rằng nhựa đắng của cây là bonducin và đây chính là hoạt chất của hạt.

 

Theo một số sách cây thuốc Việt Nam, móc mèo có vị đắng, hơi the, tính mát, có tác dụng khử ứ, chỉ thống, thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Bộ phận thường dùng làm thuốc là hạt, lá, rễ. Dân gian thường dùng rễ dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu, chữa trị đau nhức, mất ngủ.

 

Về tác dụng dược lý, một số nghiên cứu ghi nhận dạng cao chiết từ lá móc mèo có tác dụng tăng cường sức co bóp của tử cung chuột cống trắng có chửa. Cao chiết nước và cao chiết etanol 50% từ hạt móc mèo thử nghiệm trên chuột cống trắng bình thường và chuột gây tiểu đường bởi streptozotocin cho thấy có tác dụng chống đường huyết tăng cao, hạ lipid máu, chống cholesterol và triglycerid tăng cao với liều 100mg/kg.

 

Năm 2001, nhóm của Ren-Wang Jiang (Hong Kong) đã chiết xuất từ hạt móc mèo chất Furanoditerpenoid lactones, và xác định chất này có tính kháng RSV, một virút gây bệnh đường hô hấp.

 

Năm 2006, nhóm các nhà nghiên cứu Li Dong Mei, Lei Ma, Liu Guang – Ming, Hu Li – Hong đã phân lập các chất cassane diterpene – lactones trong hạt móc mèo. Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo khoa học nào về tác dụng trị ung bướu của hạt móc mèo.

 

Độc đến mức chưa có thuốc chữa

 

Trong khi đó, một kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Dược Hà Nội bước đầu cho thấy trong hạt móc mèo có chứa chất sapronin. Chất này gây tan máu mạnh khiến người sau khi ăn phải cảm thấy mệt, buồn nôn, vàng da, vàng mắt dẫn đến suy gan, suy thận nặng, tán huyết và xuất huyết, có thể dẫn tới tử vong.

 

Điều đáng lo ngại hơn: đến nay chưa có kháng độc đặc hiệu với sapronin, việc điều trị mới chỉ dừng lại ở mức độ hạn chế tiến triển, chờ sự phục hồi bằng khả năng tự thải độc của cơ thể.

 

Do vậy, người bệnh không nên đặt niềm tin vào hạt móc mèo theo kiểu “phước chủ, may thuốc” hoặc “không uống thì đằng nào cũng chết”... bởi lẽ với y học hiện đại, một số loại bệnh ung thư nếu phát hiện sớm, can thiệp đúng cách, khoa học… thì có thể chữa được.

 

Việc dùng hạt móc mèo trị bệnh ung thư chẳng những không có cơ sở khoa học, mà còn có thể khiến sức khoẻ người bệnh thêm nguy kịch.


 

Đã có trường hợp tử vong vì ngộ độc móc mèo

 

Nếu ăn phải hoa, ngọn của cây móc mèo, sau khi ăn vài tiếng đồng hồ, người ăn sẽ có cảm giác nôn nao khó chịu, đau bụng, buồn nôn rồi đi vào hôn mê, dần dần xuất huyết. Dấu hiệu thường gặp là xuất huyết hố mắt và củng mạc mắt. Xét nghiệm chức năng gan cho thấy tế bào gan bị huỷ hoại rất nặng, nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong.

Theo số liệu từ bệnh viện Nhi trung ương, đã có 22 trường hợp trẻ từ 5 – 15 tuổi bị ngộ độc do ăn móc mèo, năm cháu đã tử vong trước hoặc sau khi đến viện 2 – 3 ngày. Trong đó, có một gia đình ở Nghệ An, cả sáu người (anh em họ, chú cháu ruột), đều bị ngộ độc và một tử vong khi được cấp cứu ở bệnh viện tỉnh.

L. Hương

 
 
  
Theo SGTT

 

 
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo