Đường lậu tung hoành doanh nghiệp méo mặt
Phù phép đường lậu thành đường sản xuất trong nước
Theo các cơ quan chức năng, đường nhập lậu về Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, giá bán luôn thấp hơn đường sản xuất trong nước từ 1 - 2 triệu đồng/tấn. Đường sau khi tập kết tại các kho dọc sông phía biên giới Campuchia sẽ được nhập lậu về Việt Nam tại các sông của các xã biên giới các tỉnh An Giang, Long An, Kiên Giang. Tại các kho do các chủ đầu nậu buôn lậu xây dựng dọc sông phía biên giới Campuchia, đường lậu được sang đóng bao trái phép, giả mạo các bao bì của các nhà sản xuất trong nước, nhằm hợp thức hóa thành đường nội địa khi được vận chuyển về Việt Nam. Một số nhà sản xuất trong nước cho biết, việc sang chiết các bao đường Thái Lan sang thương hiệu đường Việt Nam để thuận lợi cho việc tiêu thụ.
Sau đó, đường đã sang bao được bốc xếp lên các tàu lớn neo nậu dọc bờ sông phía Campuchia. Tại đây, hàng hóa được bốc dỡ đưa xuống các ghe nhỏ có tốc độ cao, mỗi ghe từ 5 - 10 tấn chuyển về các bến sông phía Việt Nam. Về đến Việt Nam, đường được đưa đi tiêu thụ luôn, không tồn trữ trong kho của đầu nậu. Việc chuyển đường từ ghe lên kho hoặc lên xe tải được giới buôn lậu dùng băng tải chuyển nhanh chóng với số lượng lớn. Toàn bộ các hoạt động này được làm ban đêm để tránh các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát.
Thông tin từ Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) cho biết, kiểm tra một số khu vực của Tp. HCM có dấu hiệu buôn bán đường Thái Lan nhập lậu, được chuyển về từ Campuchia. Các cơ sở này bán cả đường nhập lậu và đường sản xuất trong nước để che mắt các cơ quan chức năng. Tại đây, đường không nhãn mác đóng gói 5kg hoặc 10kg được đem đi tiêu thụ khá phổ biến. Mặt khác, đường nhập lậu còn được đóng sang bao biến thành đường sản xuất trong nước. Điển hình là vụ bắt giữ xe ô tô tại địa bàn Tp.HCM đang vận chuyển 15.000 tấn đường có nhãn hiệu Biên Hòa, không có hóa đơn chứng từ. Qua xác nhận, Công ty đường Biên Hòa khẳng định, toàn bộ số đường trên không phải của công ty sản xuất mà là hàng hóa giả nhãn hiệu, bao bì, thương nhân. Một thủ đoạn khác để phù phép đường lậu thành đường sản xuất trong nước là mua hàng tịch thu phát mãi của các tỉnh. Sau đó sử dụng hóa đơn, bộ hồ sơ phát mãi để hợp thức hóa đường nhập lậu.
Trăm phương nghìn kế đường lậu
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu, kinh doanh đường lậu, giả mạo và gian lận thương mại thời gian qua ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn và có chiều hướng gia tăng.
Ngoài những thủ đoạn nêu trên, tại tỉnh Kiên Giang, một số cơ sở kinh doanh đường cát đã lợi dụng giấy phép chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (do Sở NN&PTNT cấp) để hợp thức hóa việc sang chiết đường lậu. Các đối tượng buôn lậu còn thuê người giám sát lực lượng chức năng để tránh bị phát hiện. Khi bị phát hiện thì bỏ hàng chạy trốn.
Theo phản ánh từ các công ty mía đường tại Cần Thơ, Hà Tiên thì hoạt động buôn lậu đường từ Campuchia về Việt Nam ở những nơi này diễn ra khá nhộn nhịp. Thậm chí, các đối tượng rất manh động khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý và còn đe dọa cả thân nhân cán bộ thi hành công vụ.
Tại các tỉnh miền Trung, đường lậu đi từ hướng sông Xê Pôn biên giới Việt - Lào sang thị trấn Lao Bảo. Hoạt động này diễn ra công khai, chưa được kiểm soát.
Thông tin từ Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cho biết, thủ đoạn buôn bán, vận chuyển đường nhập lậu trên địa bàn ngày càng phức tạp và tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Đường lậu được thuê người gùi cõng qua các đường mòn, lối mở để tránh kiểm tra, kiểm soát. Sau đó tập kết chờ xe vận chuyển về nội địa tiêu thụ hoặc xé lẻ, ngụy trang cất giấu lẫn lộn với các loại hàng hóa khác. Thậm chí, phương tiện còn được gia cố thêm ngăn bí mật để chứa hàng lậu. Hàng được tập kết chủ yếu tại Tp. Đông Hà rồi đưa đi các nơi khác tiêu thụ. Trước khi đưa đi tiêu thụ, đường lậu được xóa hạn sử dụng, lô sản xuất, xuất xứ, thông tin trên bao bì… nhằm quay vòng hóa đơn, viết hóa đơn thấp hơn giá trị để trốn thuế.
Ai cứu doanh nghiệp?
Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện nay đường lậu nhập vào Việt Nam có số lượng rất lớn, tăng dần trong các năm trở lại đây. Đường nhập lậu ước khoảng 500.000 tấn/năm, chiếm khoảng 30% so với lượng đường sản xuất trong nước. Trong khi đó, sản lượng đường sản xuất trong nước đã bắt đầu dư thừa, đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sử dụng nội địa. Tính tổng nguồn cung chính thức gồm đường sản xuất, đường tồn vụ trước và đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì lượng đường dư thừa trung bình khoảng 500.000 tấn. Trong khi đó, việc xuất khẩu chỉ có thể xuất tiểu ngạch nhưng cũng rất khó khăn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của vận chuyển, buôn bán đường lậu, giả mạo, Tổ công tác 334 đã phối hợp với Hiệp hội mía đường Việt Nam, các doanh nghiệp, các chi cục quản lý thị trường các tỉnh để trực tiếp khảo sát nắm tình hình tại các tỉnh nổi cộm. Trong những ngày khoảng giữa đầu tháng 6 năm 2018, tổ công tác đã khảo sát, khoanh vùng các đối tượng, thủ đoạn, phương thức hoạt động. Tiếp đó phối hợp với quản lý thị trường địa phương xây dựng phương án kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán đường lậu, đường giả mạo trong thời gian tới. Tổ công tác cũng báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về tình hình trên để có phương án phối hợp với các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, công an.
Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm yếu kém trong công tác phối hợp với địa phương. Đồng thời đề nghị xây dựng một kênh thông tin phối hợp với các chi cục và đề nghị các chi cục khi tổ chức bán hàng tịch thu thông báo cho Hiệp hội tham gia. Qua đó, ngăn chặn được tình trạng quay vòng hồ sơ, hóa đơn mua hàng phát mãi, bán hàng tịch thu để hợp thức hóa đường lậu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững