Tin tức - Sự kiện

Đường nội tồn kho vì đường nhập lậu

Do đường trong nước dư thừa lớn (chưa kể đường nhập lậu), giá giảm mạnh và khó tiêu thụ gây thiệt cho nông dân và doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp mía đường đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn khi lượng đường tồn kho lên đến hơn 348.000 tấn, trong khi giá đường giảm còn 13.300 - 14.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất nhưng vẫn khó bán. Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) - nhìn nhận “ngành mía đường đang xuống dốc”.

Mía và đường đều thê thảm

Các năm trước, khi vào giai đoạn cuối vụ thì giá mía nguyên liệu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao từ 1.200 - 1.300 đồng/kg. Năm nay mọi chuyện trái ngược, giá mía hiện thời giảm còn 700 - 800 đồng/kg. Ông Hồ Thanh Kiệt - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - lo lắng: “Với 8.000ha mía, Cù Lao Dung là huyện có diện tích mía dẫn đầu tỉnh và là kinh tế chủ lực của địa phương. Thế nhưng giá mía càng lúc càng giảm, khiến nông dân như ngồi trên lửa”.

Sở dĩ người trồng mía ở ĐBSCL gặp khó khăn cũng do ảnh hưởng giá đường thấp. Các nhà máy đường nhìn nhận, chưa bao giờ giá đường giảm liên tục như vụ này. Lúc các nhà máy bắt đầu vào vụ mới hồi tháng 8.2012, thì đường có giá 16.700 đồng/kg, nay còn 13.300 - 14.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 13.500 - 14.000 đồng/kg, nhà máy chẳng được gì? Song hành cùng giá đường giảm, thì vấn đề lo ngại là tiêu thụ rất khó dù một số nhà máy chấp nhận bán lỗ.

Ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký VSSA - cho biết, đến nay 40 nhà máy đường trong cả nước sản xuất khoảng 820.000 tấn, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 60.000 tấn. Nhưng lượng tồn kho lên đến 348.000 tấn đường. Tồn kho cao là do ảnh hưởng đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới Tây Nam ước khoảng 500.000 tấn/năm. Đường lậu bán giá thấp (nhờ trốn thuế) đã thao túng thị trường, “ép” đường nội không ngoi lên được.

Tiêu thụ đường đình đốn, nên nhiều ngày qua Nhà máy đường Long Mỹ Phát (Hậu Giang) đã ngừng hoạt động; 2 nhà máy đường Cà Mau và Kiên Giang sản xuất cầm chừng và dự định nghỉ sớm.

Giải “cứu” cách nào?

VSSA cho rằng, giải pháp cấp bách lúc này là đẩy mạnh xuất khẩu đường nhằm “giải phóng” hàng tồn kho càng nhanh càng tốt, nhằm “cứu” doanh nghiệp và nông dân trồng mía. VSSA phân tích, niên vụ mía 2012 - 2013, các nhà máy đường trong nước sản xuất khoảng 1.539.081 tấn; đường tồn kho vụ trước chuyển qua 178.100 tấn, đường nhập khẩu theo hạn ngạch cam kết WTO hơn 70.000 tấn, nâng tổng sản lượng đường lên 1.787.181 tấn. Dự kiến mức tiêu thụ đường trong nước khoảng 1.300.000 - 1.350.000 tấn; thừa từ 437.180 - 487.180 tấn đường.

Do đường trong nước dư thừa lớn (chưa kể đường nhập lậu), giá giảm mạnh và khó tiêu thụ gây thiệt cho nông dân và doanh nghiệp. Vì vậy, VSSA kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu linh hoạt mặt hàng đường.

Giải quyết việc này, đầu tháng 2.2013, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc “xuất khẩu mặt hàng đường”. Phó Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng Bộ NNPTNT rà soát, nắm tình hình sản xuất, tiêu thụ đường để giải quyết xuất khẩu đảm bảo cung cầu trong nước và kịp thời giải phóng lượng đường tồn kho, gỡ khó cho doanh nghiệp...

Theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VSSA - bản thân ông đã nhiều lần làm việc với các bộ, ngành liên quan xin cơ chế xuất khẩu đường; nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Cũng theo ông Long, trong thời gian “chờ” cơ chế xuất khẩu đường, VSSA đề nghị ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu; đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước.

Mới đây, ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 127 T.Ư - có công văn gửi VSSA yêu cầu cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại đường nhập lậu trong thời gian 3 năm (từ 2010 đến 2012); nêu đối tượng tham gia buôn lậu đường, phương thức, thủ đoạn, phương tiện và thời gian vận chuyển hàng lậu... để Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 127 T.Ư, làm việc với VSSA xây dựng phương án chống buôn lậu mặt hàng đường.Ông Long cho rằng, ngành mía đường đang rất bị động vì phải chạy xin cơ chế nhiều nơi. Trong khi niên vụ sản xuất sắp kết thúc, lượng tồn quá nhiều, giá thấp, nông dân thua lỗ sẽ bỏ cây mía... Tất cả là bài toán khó chưa có lời giải?




Công Duy (Theo LĐ)

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo