Đường sắt Việt Nam: Cần một cuộc “đại phẫu”!
Tái cơ cấu, đổi mới toàn diện nhằm sớm chấm dứt tình trạng lạc hậu, trì trệ là yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT cũng như đòi hỏi của thực tiễn đối với ngành đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Quá nhiều bất cập đang khiến cho ĐSVN từ vị thế của một trong những loại hình vận tải chủ lực của đất nước trở nên kém hấp dẫn và gắn liền với hai chữ "ì ạch"…
Trì trệ vì độc quyền
Sự trì trệ của ngành đường sắt thời gian dài vừa qua được cho rằng bắt nguồn chính từ sự độc quyền. Thậm chí, chính những lợi ích từ sự độc quyền, "vừa đá bóng vừa thổi còi" đem lại mà nhiều thế hệ lãnh đạo ngành đường sắt đã không muốn đổi mới. Hệ quả là hệ thống hạ tầng xuống cấp, dàn phương tiện cũ kỹ, nhếch nhác. Chính ngành đường sắt đã thừa nhận thực trạng này khi cách đây không lâu, tại một hội nghị bàn về việc cải tạo, lắp đặt mới hệ thống nhà vệ sinh trên tàu hỏa, Cục ĐSVN công bố thông tin khiến nhiều người không khỏi giật mình: Mỗi ngày có trên 6 tấn phân và 40.000 lít nước tiểu xả xuống đường sắt tuyến Bắc - Nam! Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 10% toa xe có lắp thiết bị vệ sinh tự hoại, thu gom chất thải. Số toa xe này chủ yếu ở các chuyến tàu S3, S4 chạy tuyến Bắc - Nam và một số toa đặc biệt tuyến Hà Nội - Lào Cai. Trong khi đó, việc nghiên cứu lắp đặt nhà vệ sinh, không thải chất bẩn ra đường sắt đã được ngành này nghiên cứu từ năm 2001 nhưng không tiến triển là bao.
Trong khi các loại hình vận tải khác như hàng không, đường bộ phát triển mạnh thì sự tụt hậu của ngành ĐSVN đã dẫn tới hậu quả là mất thị phần. Các thống kê cho thấy một thực trạng báo động. Năm 2000, thị phần vận tải hành khách của ĐSVN là 9,9%, đến 2010 chỉ còn 4,6%; lượng hàng hóa đường sắt đảm nhận chỉ chiếm 3,5% tổng nhu cầu xã hội. Vào các năm gần đây, thị phần vận tải của đường sắt vẫn "giậm chân tại chỗ" trong khi các phương thức vận tải khác lại tăng cao, đặc biệt là hàng không. Chỉ riêng trong quý I-2014, các hãng hàng không vận chuyển được hơn 5,9 triệu lượt hành khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Khoảng cách từ sự độc quyền, thiếu giám sát dẫn tới tiêu cực thường không quá xa, nếu không muốn nói là ranh giới rất mong manh. Vào cuối năm 2013, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện có tới 24 doanh nghiệp tham gia thuê toa xe của Tổng Công ty ĐSVN, trong đó riêng tuyến Hà Nội - Lào Cai, số toa xe cho thuê là 67/76 toa. Điều đáng nói là việc thuê toa xe không theo tiêu chí rõ ràng. Thậm chí có doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh vận tải đường sắt cũng được thuê toa xe. Dường như, đường sắt chỉ "hấp dẫn" vào những dịp lễ, Tết khi đông đảo người dân lựa chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. Trong khi đó vào những ngày bình thường, cảnh tượng một toa tàu chỉ có vài khách không phải là cá biệt. Tuy nhiên, ngay cả vào các dịp cao điểm này, đường sắt lại càng bộc lộ sự trì trệ khi hàng dài người xếp hàng chen chúc mua vé như thời bao cấp; những toa tàu nhếch nhác với tốc độ chạy tàu ì ạch… Lợi dụng sự quá tải trong những dịp lễ, Tết không ít nhân viên đã lợi dụng đưa khách đi tàu "chui". Có những ga, tại cửa bán vé luôn treo biển "hết ghế" nhưng vô tư mở cửa cho khách lên tàu. Khi tàu đã chạy, nhân viên nhà tàu mới đi thu tiền những ai không có vé. Số lượng khách không vé vẫn được lên tàu này được các nhân viên tích vào những cuốn sổ nhỏ… Đáng nói là mới đây, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phê phán gay gắt việc nhiều lãnh đạo ngành đường sắt… mê chơi golf! Nhân sự việc này, dư luận đặt câu hỏi, trong bối cảnh ngành đường sắt trì trệ, làm ăn bết bát như vậy, lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN trông vào khoản thu nhập nào để theo đuổi thú chơi xa xỉ kia?
Phải đổi mới quyết liệt
Cách đây không lâu, trong hội nghị Triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2014 của Tổng Công ty ĐSVN, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã rất gay gắt cho rằng, đơn vị này đang tự coi mình là "Bộ đường sắt" chứ không phải là một doanh nghiệp và chỉ đạo phải quyết liệt đổi mới, tái cơ cấu. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu ĐSVN đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, tách hạ tầng ra khỏi vận tải và khuyến khích tư nhân tham gia vận tải đường sắt nhằm chặn đứng tình trạng trì trệ, lạc hậu.
Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN cho biết: ĐSVN đang đứng trước sức ép phải đổi mới, tái cơ cấu và đây là con đường tất yếu để tồn tại và phát triển. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, hiện tổng công ty đang khẩn trương triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015 theo Quyết định số 198/TTg của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu để đến sau năm 2015 sẽ hình thành 3 lĩnh vực hoạt động chính là: Kinh doanh vận tải đường sắt; quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; điều hành giao thông vận tải đường sắt.
Một số chuyên gia nhấn mạnh, tiềm năng cạnh tranh vận tải của ngành đường sắt rất lớn. Do đó, đổi mới phải quyết liệt trên quan điểm không dùng vốn ngân sách, mà phải tiến tới xã hội hóa để cạnh tranh. Trên thế giới từ lâu các nước đã thực hiện mô hình Nhà nước chỉ quản lý, bảo trì cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp vận tải thì cổ phần hóa. Sau khi tách thành khối vận tải, điều hành chạy tàu và hạ tầng, Tổng Công ty ĐSVN chỉ giữ vai trò là doanh nghiệp quản lý khai thác hạ tầng. Khi một đoàn tàu hoạt động, doanh nghiệp sở hữu đoàn tàu sẽ ký hợp đồng với đơn vị có hạ tầng và điều độ. Trong quá trình hoạt động, nếu xảy ra chậm trễ trong chạy tàu hay sự cố, chỉ cần căn cứ theo hợp đồng để quy trách nhiệm.
Hà Nội Mới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo