Thị trường

Đường thừa, sao vẫn nhập?

Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương cho phép nhập 70.000 tấn đường, mà theo lý giải của lãnh đạo bộ này là do… chúng ta phải thực hiện theo cam kết với WTO.

Trong khi nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang phải chật vật bán mía non với giá rất thấp để chạy lũ, thì các nhà máy sản xuất, chế biến đường và doanh nghiệp tiêu thụ đường vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để tiêu thụ sản phẩm đường trong nước.

Đường trong nước chất lượng thấp?

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng mía đường niên vụ 2012 - 2013 ước khoảng trên 1,5 triệu tấn. Trong đó, lượng đường tinh luyện sản xuất của 9 nhà máy đường trên cả nước ước đạt 732.000 tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra dự báo nhu cầu tiêu thụ đường trong nước năm nay ở mức 1,35 - 1,4 triệu tấn.

Như vậy, lượng đường trong nước năm nay có thể dư thừa khoảng 200.000 tấn. Tuy nhiên, sau khi nhiều doanh nghiệp sử dụng đường kiến nghị xin nhập khẩu đường, từ đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương cho phép nhập 70.000 tấn đường, mà theo lý giải của lãnh đạo bộ này là do… chúng ta phải thực hiện theo cam kết với WTO.

Cũng liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp sử dụng đường cho rằng, chất lượng đường của các nhà máy đường trong nước phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn để sản xuất thực phẩm, nước giải khát, sữa… Hơn nữa, giá đường trong nước vừa cao, vừa không ổn định so với các loại đường nhập khẩu.



Mặc dù giá đường trong nước đang có chiều hướng “hạ nhiệt” nhưng vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực.


Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - đại diện Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola Việt Nam cho biết: "Lượng đường sử dụng để sản xuất của chúng tôi hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, Coca - Cola chỉ sử dụng đường RE chất lượng cao, mà trong nước chỉ một số nhà máy đáp ứng được như Bourbon Tây Ninh, La Ngà, Biên Hòa…".

Một lý do nữa, theo bà Dung, nguồn cung đã ít, giá đường trong nước lại biến động liên tục, chênh lệch giá có khi lên tới 40 - 50% trong một thời gian rất ngắn khiến doanh nghiệp xoay xở không kịp. “Doanh nghiệp tiêu thụ đường hầu hết cần có giá đầu vào ổn định trong thời gian từ 3 - 6 tháng để đảm bảo sản phẩm đầu ra không bị biến động" - bà Dung cho biết.

Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát (sản xuất nước giải khát) cũng cho rằng, lượng đường mà doanh nghiệp này sử dụng hằng năm khá lớn, 40.000 - 50.000 tấn. Tuy nhiên, để có được nguồn đường đáp ứng đủ chất lượng rất khó, phần lớn những nhà máy đường đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của Tân Hiệp Phát đã hết đường trong kho.

Khó giảm giá bán

Trả lời những thắc mắc của các doanh nghiệp tiêu thụ đường trong nước, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định: "Sản lượng, chất lượng đường niên vụ 2012 - 2013 đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng và chế biến trong nước. Tuy nhiên, các nhà máy hiện không thể làm chủ được giá đường, chất lượng sản phẩm cũng chưa thể cải thiện trong một thời gian ngắn".

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần NIVL (huyện Bến Lức, Long An) cũng cho biết: "Giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đường ở Việt Nam hiện rất cao, chiếm từ 75 - 80% giá thành đường thành phẩm. Đây cũng là mức giá cao nhất thế giới khiến lợi thế cạnh tranh của đường Việt Nam yếu hơn so với các nước khác".

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá thu mua mía tại ruộng khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện ở mức 940 đồng/kg mía 10 chữ đường (CCS). Tuy nhiên, do mưa nhiều, lũ ngập sớm nên bà con ở vùng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang phải thu hoạch chạy lũ khi mía chỉ đạt từ 8 CCS nên giá thu mua phải giảm xuống còn 760 đồng/kg.

Còn đại diện Công ty cổ phần Đường Biên Hòa nhận xét, giá đường trong nước không do nhà máy quyết định mà bị ảnh hưởng nhiều bởi cơ chế, chính sách khác. Cùng với kỹ thuật trồng mía còn thủ công, công nghệ chế biến đơn giản, chưa bắt kịp thế giới như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam không thể cung ứng được sản phẩm đường với giá thấp, khoảng 600USD/tấn như đường nhập khẩu hiện nay.

Còn ông Nguyễn Bá Chủ - Tổng Giám đốc Công ty CP Bourbon Tây Ninh thì cho rằng, nhà máy đường sẵn sàng thỏa thuận chốt giá hàng tháng, hàng quý hoặc lâu hơn cho doanh nghiệp tiêu thụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp tiêu thụ cũng phải có kế hoạch hợp tác lâu dài với nhà máy, tránh tình trạng mua bán chộp giật, dẫn tới việc thừa đường trong nhà máy mà doanh nghiệp thì lại kêu thiếu như hiện nay.


Đoàn Huế

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo