Ế ẩm vốn vay
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng cao, lãi suất cho vay liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng lại rất thấp”, đó là nhận định của ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, 2 tháng đầu năm 2013 tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức âm, tuy nhiên từ tháng 3 đến nay huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 1,87% , vốn huy động bằng ngoại tệ giảm 3,24% so với cuối tháng 3.
Tính đến ngày 30-4 tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn thành phố ước đạt 1.033.400 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối tháng trước, tăng 4,06% so với cuối năm 2012. Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, phân tích theo tính chất tiền gửi thì tiền gửi tiết kiệm tiếp tục duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao trong tổng nguồn vốn huy động.
Mặc dù, tổng huy động vốn của các TCTD tăng cao nhưng dư nợ tín dụng lại rất thấp. Tính đến tháng 4 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố chỉ đạt 861,3 ngàn tỷ đồng (tăng 1,2% so với tháng trước). Riêng 5 lĩnh vực ưu tiên (vay phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) các tổ chức tín dụng đã dành 102.117 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư nợ đối với 5 lĩnh vực này chỉ ở mức 277.941 (chiếm 10% trong tổng dư nợ). Riêng các DN vừa và nhỏ tính đến ngày 14-4 tổng dư nợ cho vay là 601 ngàn tỷ đồng.
Nhận định về việc tổng huy động vốn gia tăng nhưng dư nợ lại rất ít, ông Tô Duy Lâm cho rằng: "Nói là kinh tế có xu hướng phục hồi, DN ổn định hơn trong sản xuất nhưng thực tế, DN đang rất khó khăn, nợ xấu vẫn gia tăng”. Cũng theo ông Lâm, lãi suất tiếp tục ổn định, thậm chí lãi xuất trên địa bàn tiếp tục giảm với mức giảm phổ biến 1,5-2% (so với cuối năm 2012). Cụ thể, lãi suất huy động vốn phổ biến ở mức 7,5%/năm đối với kỳ hạn 3 - 9 tháng, gửi 12 tháng sẽ có mức cao nhất là 11%/năm. Đối với lãi suất cho vay, không quá 11%/năm cho những đối tượng được ưu tiên. Thực tế cho thấy, lãi suất huy động vốn liên tục giảm nhưng vẫn không tìm được đầu ra. Các ngân hàng đang đứng trước một bài toán nan giải. Đó là, một mặt phải tiếp tục huy động vốn, mặt khác phải giải quyết vốn ra cho nền kinh tế.
Trước tình hình vốn đưa vào nền kinh tế không nhiều trong khi ngân hàng thừa vốn, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định: "Để có thể mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả trên cơ sở chỉ tiêu tín dụng được duyệt của ngân hàng trung ương đối với từng TCTD. Các TCTD trên địa bàn thành phố cần đặc biệt quan tâm mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả”. Theo đó, tín dụng tăng trưởng hiệu quả, DN hoạt động phục hồi và tốt trở lại sẽ đảm bảo nguồn thu trả nợ - quá trình này lan tỏa hiệu ứng đối với toàn bộ nền kinh tế. Song đây là vấn đề khó trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo