Èo uột khu kinh tế vùng biên: Cần chính sách dài hơi
Theo kết quả phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, toàn vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia (gồm 4 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh Tây Nam Bộ) sẽ có 52 cửa khẩu, trong đó có 13 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu chính và 26 cửa khẩu phụ, có tuyến đường sắt xuyên Á, 4 cảng hàng không cùng hệ thống đường giao thông theo trục dọc, trục ngang...
Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các khu kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các khu kinh tế hiện nay đang đối mặt nhiều vấn đề nan giải.
Lo chuyện tái định cư
Theo ghi nhận của phóng viên tại các khu kinh tế ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, hầu hết người dân trong vùng đều bảo rằng họ rất sẵn lòng giao đất cho các nhà đầu tư để xây dựng các công trình, dự án. Đồng thời, họ chấp nhận về nơi ở mới cho dù sẽ gặp khó khăn, bất tiện hơn.
Đã vậy mà gần 10 năm qua, vẫn còn một số địa phương chưa xây dựng xong khu tái định cư cho dân. Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người đều than rằng đời sống của họ bây giờ còn khổ hơn trước. Không ít hộ dân phải rời bỏ làng quê đi xứ khác tìm kế sinh nhai.
Tại xã biên giới Thuận Yên (thị xã Hà Tiên - Kiên Giang), nơi có khu công nghiệp Thuận Yên được đầu tư xây dựng khoảng 8 năm nay, trong tổng số 115 hộ dân buộc phải di dời giải tỏa để nhường đất cho nhà đầu tư nay vẫn còn 37 hộ chưa được cấp nền nhà tái định cư. Khu tái định cư cho các hộ dân này rộng 33 ha và được quy hoạch ở nơi biệt lập, chỉ cách biển Đông Hồ khoảng 600 m.
Thế nhưng đến nay, nó vẫn còn là một bãi đất trống, nhà đầu tư chỉ cho san lấp mặt bằng một phần rồi để đó. Trong khi đó, khu công nghiệp Thuận Yên được quy hoạch rộng khoảng 141 ha, cứ nằm im ỉm bên Quốc lộ N1 vì nhà đầu tư đã rút lui nhiều năm nay.
Ông Phạm Văn Nhơn (49 tuổi, ngụ ấp 1, xã Thường Phước - nơi có khu kinh tế Thường Phước tỉnh Đồng Tháp) cho biết cách nay khoảng 8 năm, khu vực cửa khẩu này còn vắng vẻ. Đầu năm 2004, khi được quy hoạch thành cửa khẩu quốc tế thì Thường Phước mới có con đường nhựa và chiếc cầu gỗ khu vực vành đai biên giới được thay bằng cầu bê tông.
Trước đây, dân cư sinh sống chủ yếu bên vành đai biên giới và làm ăn buôn bán nhưng do thường xuyên bị thay đổi quy hoạch nên có nhiều hộ dân mới vừa nhận tiền đền bù xây được căn nhà thì lại bị giải tỏa thêm lần nữa...
Thiếu vốn lại đầu tư dàn trải
Ban Quản lý các khu kinh tế ở các tỉnh vùng biên giới Tây Nam cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của các tỉnh không chỉ là thiếu vốn trầm trọng mà còn do cơ chế chính sách chưa thông thoáng. Tất cả những điều này đã làm cho cơ sở hạ tầng chậm triển khai thực hiện và gây nản chí cho các nhà đầu tư.
Ban Quản lý dự án khu kinh tế cửa khẩu Thường Phước thừa nhận: khu kinh tế này chưa thể thu hút nhà đầu tư vì cơ sở hạ tầng còn quá yếu kém. Trong khi đó, nguồn vốn Trung ương mỗi năm chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Ngân sách tỉnh còn hạn chế nên một số công trình chậm thực hiện. Đến nay, các khu chức năng vẫn chưa triển khai thực hiện vì thiếu vốn và vướng công tác giải phóng mặt bằng...
Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, lo lắng: Suốt 7 năm nay, khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên vẫn chưa được hưởng cơ chế chính sách riêng vì còn nằm trong thí điểm. Chính sách ưu đãi bán hàng miễn thuế từ Chính phủ đã tạm ngưng nên không còn thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó, 2 năm nay, cửa khẩu quốc tế Hà Tiên không đủ kinh phí xây dựng các khu chức năng…
Ông Lê Hữu Trang, Phó trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế An Giang, cho biết tình trạng chung hiện nay của các khu kinh tế vẫn là thiếu vốn nhưng lại đầu tư dàn trải. Theo ông Trang, Chính phủ cần tập trung nguồn vốn đầu tư cho 9 khu kinh tế trọng điểm quốc gia chứ không nên phân bổ mỗi nơi một ít, không hiệu quả.
Đồng thời các cơ chế chính sách phải mang tính ổn định lâu dài để các nhà đầu tư yên tâm. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông cũng phải được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là giao thông từ nội địa đến các khu vực cửa khẩu.
Bài học từ cái “tật bắt chước”
Trong tình hình kinh tế khó khăn chung như hiện nay thì rất khó để các địa phương thu hút được các doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Thực tế này đã đi ngược lại những dự định tốt đẹp từ ban đầu của Chính phủ. Hậu quả của vấn đề này là không chỉ làm cuộc sống của người dân gặp khó khăn hơn do mất đất sản xuất mà các địa phương rơi vào thế bí khi để lãng phí hàng ngàn tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng…
Việc các địa phương ồ ạt mở khu kinh tế ven biên như thời gian vừa qua nhưng không đem lại hiệu quả là một bài học đắt giá cho cái “tật bắt chước”. Tỉnh này thấy tỉnh kia mở khu kinh tế hay khu công nghiệp thì ngay lập tức làm theo chứ không cần phải đắn đo suy tính thiệt hơn. Có tỉnh dù thiếu cả nguồn lực tài chính lẫn con người nhưng vẫn quyết tâm xin chủ trương thành lập cho bằng được. Cái cốt lõi của vấn đề ở đây chính là Chính phủ nên xem xét một cách cẩn trọng để có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn lẫn cơ chế chính sách. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm chứ không thể dàn trải mãi để gây thêm lãng phí...(GS. Võ Tòng Xuân)
Việt Huế (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024