Khám phá

Ép con học chữ trước bằng cách... dọa

(Dân trí) - Phụ huynh muốn con học chữ trước khi vào lớp 1 nhưng rất ít đứa trẻ đang trong môi trường vui chơi có hứng thú với cách học gò bó, ép buộc. Và nhiều trẻ lớp Lá phải làm quen với những nét chữ đầu đời trong sự la mắng, hù dọa của phụ huynh.

 Con chưa thích học, bố mẹ sốt sắng

Cách đây hai tháng, chị Lê Thu Huyền, nhà ở Q. Gò Vấp, TPHCM bắt đầu đưa cô con gái đang học lớp Lá đến lớp luyện chữ để chuẩn bị cho cháu vào lớp 1. Một hai hôm đầu, cháu thích thú, về nhà ngồi vào bàn viết theo chỉ dẫn của cô giáo ở lớp luyện chữ. Nhưng chỉ vài hôm sau, cháu phản ứng rất mạnh như không chịu vào lớp, về nhà ngồi vào bàn một lúc là cháu ngọ nguậy, khó chịu…

Tối nào, nhà anh chị cũng lanh lảnh tiếng hai vợ chồng kèm con học. Từ dỗ dành chuyển sang la mắng, họ "đe" rằng con không học vào lớp 1 sẽ thua bạn, bị cô giáo lớp 1 phạt... Chỉ khi đó cháu chịu ngồi vào bàn, bố mẹ lại thay nhau “gò” con viết từ chữ một. Việc học của cháu gây ức chế cho cả nhà nhưng vợ chồng chị Huyền vẫn khăng khăng "con cần phải học trước".

Chị Vân Anh, có con đang theo học lớp Lá tại một trường mầm non ở phường Tân Thạnh, Q. Tân Phú, TPHCM cho hay, con trai 5 tuổi của mình cũng đang theo học lớp dạy kèm vào lớp 1do một GV tiểu học gần nhà tổ chức. Tuần 3 tuổi, mỗi buổi kéo dài 1,5 giờ đồng hồ. Cháu rất ghét việc học, vùng vằng khi phải sang nhà cô học chữ, còn ở nhà cháu luôn quay ngang quay dọc tìm đủ lý do để rời khỏi bàn như con khát nước, con đi tè…

Mỗi lần như vậy, chị Vân Anh lại dùng đến nhiều cách như phạt cháu đứng góc tường, không cho con vui chơi. Thậm chí chị dùng đến chiêu "hù doạ" con không chịu học sẽ ở lại trường mầm non với các bạn nhỏ hơn, không được vào lớp 1 làm cậu bé sợ hãi đành ngồi vào bàn.

Một GV mầm non ở Q.6 chia sẻ, trước đây cô đã từng chứng kiến nhiều trẻ lớp Lá chưa hết giờ học ở trường mầm non đã bị bố mẹ "hốt" để đưa đến các lớp dạy kèm vào lớp 1. Đang trong môi trường vui chơi, hiếm có đứa trẻ lớp Lá nào có thể thích thú với việc học, nhất là với cách thức ngồi liền tù tì hàng giờ luyện chữ. Các em khóc lóc, phản ứng rất dữ nhưng hiển nhiên không qua nổi ý chí của bố mẹ.

"Một hai năm gần đây, tình trạng này giảm đi nhưng vẫn còn. Để con học chữ, nhất là đến các lớp dạy kèm, trung tâm thì hầu hết phụ huynh dùng các biện pháp ép buộc chứ họ ít quan tâm đến cảm xúc, sự hứng thú của con", cô nói.

Nên cho trẻ học như thế nào?


ThS tâm lý Võ Thị Tường Vy (ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay, vấn đề không nằm ở chỗ bé học sớm hay học muộn, học nhiều hay ít mà điều quan trọng là trong quá trình đó bé có cảm thấy thích thú với việc học, vui với việc khám phá kiến thức hay không. Phụ huynh tuyệt đối không được đưa việc học hay GV lớp 1 ra hù doạ con vì điều này có thể làm trẻ căng thẳng, sợ hãi và mất hứng thú với việc đi học.

Trong độ tuổi từ 3 - 6, bé chủ yếu học qua các trải nghiệm, theo cách chơi mà học. Những bài học cần thiết kế ở dạng trò chơi và người lớn chơi cùng bé để khuyến khích sự tò mò, thích thú. Ngay cả với trò chơi mà trẻ không thích cũng không nên ép mà hãy hướng đến các trò chơi bé háo hức hơn.

“Thông qua các trò chơi, chúng ta có thể giúp trẻ học xoay quanh 29 chữ cái và các con số. Ngoài ra, có thể khuyến khích năng lực cảm nhận, diễn đạt logic và giao tiếp của bé thông qua việc hỏi han và lắng nghe bé chia sẻ. Chú ý về câu hỏi “như thế nào” và khi trẻ cuốn vào cây chuyện, say mê các tình tiết có thể thêm câu hỏi “vì sao” để tăng khả năng tư duy cho con”, ThS Tường Vy bày tỏ.

Chuyên gia này nhấn mạnh, dù cách dạy như thế nào cũng phải quan tâm đến cảm xúc của trẻ, phải tạo cho bé cảm giác “được” học chứ không phải “bị ép” học. Khi học vì ép buộc, không có niềm vui trẻ sẽ ngầm chống lại, ảnh hưởng đến việc học lâu dài.

Bà Vy nhắn nhủ: “Món quà quý giá nhất phu huynh tặng trẻ trước khi vào lớp 1 chính là một thể lực tốt, một trái tim yêu thương và một tinh thần học hỏi, khám phá”.

GS.TS Vũ Gia Hiền cho rằng, chúng ta có thể dạy trẻ nhận biết mặt chữ, con số, đọc một số từ… nhưng không để trẻ học trước chương trình lớp 1 vì học trước sẽ làm trẻ bị trì trệ tâm lý. Ở tuổi 5 - 6, cha mẹ nên rèn tính tự lập cho trẻ thông qua trò chơi, giúp con thể hiện trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ gì đó phải làm tới nơi tới chốn và phải có kết quả.

“Hãy giúp trẻ hiểu một số khái niệm về vi trùng, vệ sinh, phòng bệnh, hỏa hoạn… như một cách giúp trẻ làm quen với cuộc sống và thế giới xung quanh mình. Những kỹ năng tự chăm sóc bản thân, ứng xử với bạn bè, cô thầy. Đó cũng là học!”, GS Vũ Gia Hiền nhấn mạnh.

 

Minh Đức

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo