EVN chối trách nhiệm, dân chạy lũ tại... ông trời?
EVN khẳng định thủy điện của mình xả lũ đúng quy trình, không tác động xấu.
Thông tin trên được nhắc tới trong bản báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 10/2013 và 10 tháng đầu năm của EVN.
Theo đó, EVN khẳng định do các hồ trực thuộc vận hành hồ chứa theo đúng quy trình đơn hồ và liên hồ, chủ động điều tiết kết hợp với công tác điều hành phối hợp vận hành khai thác các nguồn điện hợp lý nên “đã giữ được an toàn hồ đập, không gây tác động xấu tới hạ du”.
Mặc dù trước đó, nhiều ý kiến cho rằng EVN phải chịu trách nhiệm trong nhiều vụ xả lũ. Mới đây nhất, ngày 2/10/2013, người dân hạ nguồn thủy điện A Vương hốt hoảng tháo chạy khi thấy nước từ trên đầu nguồn đổ ào xuống,
Ông Phan Đức Tính, phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết chính quyền cũng phải gấp rút truyền loa để trấn an người dân.
Phó giám đốc Công ty Thủy điện A Vương Lê Đình Bản thì nói: đơn vị cũng hết sức mệt mỏi để giải thích cho nhân dân vùng hạ du của nhà máy là đập A Vương không hề bị vỡ.
Dù không vỡ đập, song một số khu vực ở huyện miền núi Nông Sơn bị ngập nước do thủy điện ở đầu nguồn sông Thu Bồn xả nước.
Cũng trong sáng 2/10, nhiều địa phương của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bị ngập lũ nặng và bị cô lập.
Tại thủy điện Đắk Mi 4 cũng mở 5 cửa xả lũ, đổ nước về sông Đắk Mi (thượng nguồn sông Vu Gia) với lưu lượng 2.000m3/s, trong khi nước về hồ 2.300m3/s. Hơn 7.000 học sinh cũng được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Trước đó, ngày 18/9, thủy điện xả lũ khiến hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm ha hoa màu của người dân tại thị trấn Eađrăng (huyện Eahleo, Đăk Lăk) bị nhấn chìm trong biển nước.
Người dân địa phương cho biết, họ không hề được chính quyền và Ban quản lý đập thông báo từ sớm để di dời, bảo toàn tài sản. Khi lũ đã tràn về rồi mới được thông báo, lúc đó đã quá muộn, họ chỉ còn biết tháo chạy thoát thân, tất cả tài sản đều phải bỏ lại.
Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng, trong việc xả lũ EVN không thể tránh khỏi trách nhiệm.
"Mỗi hồ chứa, mỗi khu vực có quy trình riêng, nhưng theo tôi nghĩ, từ khi có ý định xả tới khi quyết định xả thì cũng phải mất vài chục phút. Với các phương tiện thông tin hiện đại như hiện nay, chỉ cần 5 – 7 phút là có thể điện, thông báo cho các huyện, xã, phường... về việc này. Và chỉ cần báo sớm trong vòng 1 tiếng là nhân dân đã có thể chuẩn bị các hình thức đối phó tạm thời với nước lũ được rồi", ông Thịnh nhấn mạnh.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến cũng khẳng định thủy điện thời gian qua gây tác động lớn, trong đó, không loại trừ thủy điện của EVN.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH-CN-MT), nêu thực trạng: "Về việc xả lũ tại các thủy điện không thông báo trước; không đánh giá hết được tác động trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để xây dựng các phương án ứng phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão, lũ.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cần ban hành đủ quy trình vận hành liên hồ chứa cả trong mùa lũ và mùa kiệt trên các lưu vực sông; đồng thời quy định rõ cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính, điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực sông cùng tham gia xả lũ, ứng phó với các sự cố đối với hệ thống liên hồ chứa để khắc phục tình trạng này".
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo