EVN phải nghiêm túc nói về sự cố Sông Tranh 2 để xử lý
Lãnh đạo Ủy ban này cho rằng, EVN chưa nghiêm túc trước các chuyên gia, đồng thời cho biết sẽ đưa vấn đề ra thảo luận ở Quốc hội.
EVN: Đập vẫn an toàn
Ông Trần Văn Được - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định trước đoàn giám sát của Quốc hội rằng, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn, không có gì đáng lo ngại. EVN vẫn đang tích cực xử lý các vết nứt ở khe nhiệt và cam kết sẽ xử lý xong trước mùa mưa bão.
Cho đến nay, tổng lượng nước thấm từ 30 đến 65 l/s. EVN đã ký hợp đồng với Tổng Công ty thủy lợi 4 và Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) để xử lý chống thấm tại hàng chục khe nhiệt.
Đặc biệt, với 10 khe nhiệt có lưu lượng thấm lớn, EVN đã ký hợp đồng với Viện khảo sát thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc). Theo đó, từ ngày 12/5 đến 15/5, Viện này đã khảo sát hiện trường và thống nhất tiến độ xử lý chống thấm trong vòng hai tháng (từ 15/6 đến 15/8 tới).
Ông Nguyễn Tài Sơn - Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng Điện 1 (PECC1) - đơn vị tư vấn thiết kế thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định: Ngay trước khi khởi công, đơn vị này đã… lường trước được những sự cố nứt tại các khe nhiệt.
“Bởi lường trước được, nên chúng tôi đã xây haihệ thống đường ống nhằm thu nước ở các điểm khớp nối và thoát nước ở thân đập bê tông. Sự cố này thực ra xử lý rất đơn giản. Hàng chục đập thủy điện được thi công bằng bê tông đầm lăn trên thế giới cũng đã xảy ra những vết nứt ở các điểm khớp nối. Đây là sự cố bình thường” - ông Sơn nói.
Đặc biệt, vị lãnh đạo tư vấn ví von: Đập như một chậu nước đầy, có đổ nước vào thì nó tự tràn ra, làm sao mà lật nghiêng cái chậu được (!?).
Về việc ngoại lực tác động (thủy động, động đất tại Bắc Trà My - PV), thiết kế đã tính toán kỹ, ngoại động sẽ là quá nhỏ so với sức chịu đựng của đập.
“Bây giờ, điều chúng tôi lo lắng là đập sẽ ra sao nếu như có… đánh bom khủng bố thôi ! Tôi mà có điều kiện tôi cũng xây nhà ở ngay dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2” - ông Sơn khẳng định.
Chưa thuyết phục
Ông Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, thẳng thắn: “Sau khi đi thực tế tại thân đập và chứng kiến những dòng nước xối xả chảy qua các vết nứt, thì phương pháp xử lý sự cố của EVN chưa thuyết phục được chúng tôi, kể cả những giải thích của EVN cũng vậy”.
Theo ông Nhân, vấn đề đặt ra là liệu EVN đã chẩn đúng căn bệnh của sự cố chưa? Quan trắc, đánh giá điều kiện tự nhiên đã có nhưng rất sơ sài. Vì sao để một công trình lớn như Sông Tranh 2 ngay trong vùng tâm chấn động đất?
Ngoài ra, EVN giải thích, chứng minh nhiều điều về sự an toàn của đập, nhưng ngay trong buổi làm việc này, và sau đó, chúng tôi sẽ phải báo cáo vấn đề này trước Quốc hội, trước các cử tri, chúng tôi vẫn không thấy một dòng hồ sơ nào của việc thiết kế, thi công.
Hồ sơ đâu? Nhật ký thi công đâu? Nói là vật liệu chuẩn, nhưng thi công thế nào? Giá như có một đoàn chuyên gia độc lập kiểm định song song với việc khắc phục tạm thời sự cố thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Phải chẩn đúng bệnh, nói cho minh bạch vấn đề thì dân mới yên tâm.
Bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, bày tỏ: EVN phải nghiêm túc, thẳng thắn nói hết những vướng mắc, khó khăn của sự cố hiện nay để cùng nhau xử lý.
Bà Khánh nói: Tôi đọc hết những báo cáo của EVN, không tài nào tìm ra được hai chữ nguyên nhân xảy ra sự cố là gì.
Thêm nữa, không thấy vai trò của Bộ Xây dựng ở đâu cả, mặc dù thủy điện do Bộ Công thương quản lý, nhưng ít ra, khi áp dụng công nghệ xây dựng theo chuẩn nước ngoài, phải có ý kiến tham gia của Bộ Xây dựng.
Không triệt để thì đừng tích nước
GS Trần Việt Hùng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, EVN vẫn chưa tìm hiểu sâu sắc nguyên nhân vì sao xảy ra sự cố. “Lo chữa bệnh mà không lo tìm hiểu căn nguyên của bệnh thì chữa sai phương pháp là điều tất nhiên”.
Theo GS Hùng, mời nhà thầu Trung Quốc xử lý 10 khe nhiệt thấm lớn, và hiện nay xử lý bằng keo dán vết nứt ở thượng lưu chỉ là phương pháp tạm thời.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Vũ Trọng Hồng nói: Mùa mưa lũ sắp đến rồi, nếu không xử lý triệt để được thì đừng tích nước. Và hiện nay tốt nhất nên chuẩn bị kỹ phương án di dời dân, không chủ quan trước bất kỳ hiện tượng nào.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, cho biết, buổi làm việc thực tế và cuộc họp với địa phương, EVN của đoàn giám sát chỉ là kiểm tra công việc, không phải báo cáo nghiệm thu và sắp tới sẽ đưa vấn đề này thảo luận tại Quốc hội.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam