Thị trường

FDI đổ mạnh vào sản xuất

Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam vẫn khá tích cực trong bối cảnh FDI chung có phần giảm sút.


Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 12,18 tỷ USD (cả cấp mới và tăng vốn), bằng 78,6% so với cùng kỳ 2011.  Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10 tỷ USD,  bằng 99,5 % so với cùng kỳ năm 2011.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 431 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,5 tỷ USD, chiếm 69,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Như vậy, công nghiệp chế biến chế tạo đã bỏ xa lĩnh vực đứng thứ 2 là bất động sản (1,84 tỷ USD) và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa (465,6 triệu USD).

Không chỉ đăng ký mới, nhiều nhà đầu tư đang có nhà máy sản xuất tại Việt Nam cũng không ngừng tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Mới đây, Tập đoàn Formosa đã chính thức xây dựng lò cao tại Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương tại Hà Tĩnh. Có quy mô hiện tại là 9,966 tỷ USD, Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn này sẽ là nhà máy thép quy mô lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Hiện tại, tiến độ tổng thể của toàn bộ dự án đạt 30,4% và theo kế hoạch, cuối tháng 5/2015 lò cao số 1 bắt đầu sản xuất chính thức. Ở thời điểm này, chủ đầu tư dự án cũng đã có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư trong giai đoạn 2 lên tới 18 triệu tấn phôi thép/năm, thậm chí, Formosa còn tính cả bước mở rộng tiếp, với công suất 21,8 triệu tấn phôi thép/năm.

Nhiều số dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng đầu năm 2012 cũng thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, như dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintek Việt Nam tại Bắc Giang và dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Bắc Ninh với số vốn là 830 triệu USD; dự án Cty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone VN tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án Công ty sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 441 triệu USD…

Trong lĩnh vực dệt may, ngay trong tháng 11/2012, đã có gần chục doanh nghiệp nước ngoài đến đặt vấn đề về việc lập liên doanh sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Đó là những công ty, tập đoàn lớn chuyên sản xuất xơ, sợi, dệt nhuộm, đến từ các quốc gia có ngành dệt may phát triển, như Texhong (Trung Quốc), Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo), Công ty TNHH Dệt may Sunrise (Trung Quốc)…

Như vậy, những dự đoán của các chuyên gia trong ngành dệt may về khả năng hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đầu tư nguyên liệu nhằm tận hưởng ưu đãi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang từng bước được cụ thể hóa.

Tới Việt Nam chủ trì hội thảo quốc tế với chủ đề "Dự báo và Chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam - Tư duy chiến lược của nhà Quản trị 2013-2015" vừa diễn ra tại Hà Nội, Tiến sĩ Patrick Dixon, một trong những nhà tư tưởng quản trị xuất sắc của thế giới, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu và tư vấn xu thế toàn cầu Globalchange, cũng nhận định Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới và “sẽ là công xưởng của thế giới”.

Trong một bài báo mới đây, hãng tin tài chính Bloomberg cũng đã dẫn lời của nhà kinh tế Vincent Conti của Ngân hàng ANZ tại Singapore rằng, Việt Nam đang trở thành một điểm lắp ráp ngày càng được chú ý của các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Theo bài báo này, lợi thế về chi phí thấp của Việt Nam đã giúp thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ và Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Thu hút FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo là một chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Tháng 9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1617/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Thông điệp mạnh mẽ của Chỉ thị này là hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến.

Hoan nghênh chỉ thị này, giới phân tích kinh tế đã đưa cảnh báo về một số tác động tiêu cực có thể xảy ra khi các giải pháp chặt chẽ trong kiểm soát dòng vốn FDI được thực hiện, như số lượng nhà đầu tư giảm, số lao động khu vực thu hút giảm. Song, áp lực này là cần thiết để chính chúng ta phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các doanh nghiệp, cũng như chất lượng nền kinh tế Việt Nam để đủ sức đón nhận FDI cao cấp như mong muốn.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Chinhphu.vn)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo