Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ
Tại báo cáo này, các thành viên FOMC nhận định, thị trường lao động tiếp tục cải thiện trong tháng 3, nhưng GDP thực trong quý I/2017 tăng chậm, chủ yếu do tác động của một số yếu tố mang tính tạm thời. So với cùng kỳ năm trước, giá cả hàng tiêu dùng trong những tháng gần đây đã tiến sát mục tiêu dài hạn 2%. Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, giá cả hàng tiêu dùng giảm trong tháng 3/2017, và lạm phát lõi so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm nhẹ xuống 4,5%.
Trong tháng 02/2017, lạm phát cơ bản tăng cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sau đó giảm xuống 1,8% vào tháng 3/2017, phần nào phản ánh tác động của giá năng lượng thấp đến giá cả. Trong tháng 3/2017, lạm phát lõi giảm xuống 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2017, chi tiêu dùng cá nhân (PCE) ghi nhận mức tăng nhẹ, mặc dù có xu hướng tăng dần. Cụ thể là, sau khi giảm trong tháng 01 và tháng 02, PCE tăng trở lại vào tháng 3, phần nào phản ánh xu hướng phục hồi chi tiêu một số mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ năng lượng, sau khi giảm do mùa đông ấm áp, và chi tiêu dùng sẽ tăng trở lại trong những tháng tới nhờ chi tiêu của các hộ gia đình tăng vững, bao gồm việc làm và thu nhập tăng, cảm nhận tiêu dùng lạc quan hơn. Thâm hụt thương mại giảm đáng kể, nhất là trong tháng 02, khi xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm mạnh, trong đó nhập khẩu ô tô và hàng tiêu dùng giảm sau khi tăng cao trong tháng trước đó.
Liên quan đến tình hình kinh tế quốc tế, GDP quý I/2017 tại các nước phát triển tăng trở lại sau khi tăng chậm trong quý trước đó. GDP tại Canada, khu vực đồng euro và Nhật Bản đều tăng vững, trong khi GDP tại Vương quốc Anh giảm đáng kể. Tại các nước mới nổi, GDP quý I/2017 tăng tốc tại Trung Quốc và một số nước ASEAN, nhưng tăng chậm tại Mêhicô. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy, hoạt động kinh tế cải thiện tại một số nước Nam Mỹ, nổi bật là tại Brazil, khi quốc gia này bắt đầu đạt mức tăng trưởng dương sau nhiều năm suy thoái. Lạm phát tại các nước phát triển tiếp tục tăng, chủ yếu nhờ giá dầu tăng đã tác động đến giá bán lẻ các mặt hàng năng lượng. Tại các nước mới nổi, lạm phát tại Trung Quốc giảm, chủ yếu do giá thực phẩm giảm sâu, nhưng tăng cao tại Mexico do giá dầu tăng và tác động mất giá trong quá khứ của đồng bản tệ.
Các thành viên FOMC cho rằng, sau khi tăng thấp trong quý I, GDP thực sẽ tăng trở lại trong quý II. Yếu tố chi phối là PCE được kỳ vọng tăng cao vào mùa xuân, khi số người có việc làm tăng thêm và thu nhập cá nhân cải thiện. Hơn nữa, tác động tiêu cực của đầu tư tồn đọng đối với GDP quý I không còn lặp lại trong quí II. Trong ngắn hạn, GDP được dự báo tăng cao hơn so với dự báo trước đây, chủ yếu là do USD giảm giá. Các thành viên nhận định, GDP năm 2017-2019 sẽ tăng cao hơn mức tăng trưởng tiềm năng, một phần là do chính sách tài khóa sẽ mở rộng trong những năm tới. Trong vài năm tới, thất nghiệp sẽ tiếp tục giảm dần và thấp hơn tính toán của FOMC. Trong năm nay, lạm phát được kỳ vọng tăng cao hơn năm trước, phản ánh xu hướng tăng giá tiêu dùng, năng lượng và hàng nhập khẩu. Trong hai năm 2018-2019, lạm phát được dự báo tăng dần và tiến sát mục tiêu 2% do Fed đề ra. Tuy nhiên, dự báo GDP còn bị ảnh hưởng của lạm phát và thất nghiệp, thậm chí có thể đảo ngược như đã xảy ra trong 20 năm qua.
Các thành viên FOMC kỳ vọng, với sự điều chỉnh dần về lập trường chính sách tiền tệ, hoạt động kinh tế sẽ tăng khiêm tốn, thị trường lao động cải thiện phần nào, lạm phát sẽ ổn định quanh ngưỡng 2% trong giai đoạn trung hạn.
Trong ngắn hạn, rủi ro đối với triển vọng kinh tế nhìn chung là cân bằng, trong đó rủi ro về tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục giảm, mặc dù vẫn chưa bị đẩy lùi, chủ yếu do các vấn đề về địa chính trị và tình hình chính trị quốc tế, xu hướng thắt chặt dần chính sách tiền tệ tại Mỹ sau nhiều năm mở rộng có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính tại các nước mới nổi.
Về lộ trình tăng lãi suất, các thành viên cho rằng chính sách tiền tệ hiện nay là phù hợp, nhưng Fed sẽ tiếp tục rút dần chính sách tiền tệ nới lỏng do triển vọng kinh tế và lạm phát sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, yếu tố bất định bắt nguồn từ khả năng thay đổi về chính sách tài khóa và những chính sách khác, mặc dù không ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế ngắn hạn, Fed sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến các chỉ số lạm phát và tình hình kinh tế - tài chính trên thế giới. Các thành viên FOMC nhất trí, sẽ duy trì mức lãi suất 0,75-1,0% hiện hành cho đến khi có bằng chứng xác định kinh tế suy giảm trong quý I/2017 chỉ mang tính tạm thời. Fed cũng thận trọng trước khi quyết định tăng lãi suất, kiềm chế đà tăng USD vốn được thúc đẩy sau kỳ vọng về chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Sau công bố về biên bản cuộc họp của Fed, ngày 25/5/2017, USD quay về thế phòng thủ, sau đánh giá tình hình kinh tế và Fed quyết định chưa tăng lãi suất, nhưng tăng cao nhất so với euro trong 6,5 tháng vừa qua. Trong giỏ các đồng tiền chủ chốt, chỉ số USD giảm 0,3% xuống 96,972. Trong đó, một USD đổi được 111,635 yên, sau khi tăng lên mức giá 112,130 vào phiên giao dịch trước. Euro giảm 0,2% từ mức tỷ giá 1,1240 USD xuống 1,1168 USD. Trong phiên giao dịch ngày 23/5/2015, đồng euro có lúc lên tới 1,1268 USD, mức tỷ giá cao nhất trong 6,5 tháng qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển