FTA: Việt Nam - EU còn nhiều thách thức
Ngày 22/4 tới đây, vòng đàm phán thứ ba Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ diễn ra hướng tới mục tiêu kết thúc thành công vòng đàm phán FTA vào năm 2014.
FTA Việt Nam – EU được nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khi khoảng 90% dòng thuế hàng hóa vào thị trường này sẽ được giảm xuống ở mức thấp, thậm chí còn 0%. Song để đạt được Hiệp định này thì vẫn còn không ít khó khăn.
Với 27 nước thành viên, 500 triệu người tiêu dùng và GDP đạt hơn 17.000 tỷ USD, EU là đối tác thương mại lớn với tất cả các nước xuất khẩu. Năm 2012, EU đã vươn lên vị trí thứ nhất, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, quan hệ thương mại giữa hai bên chưa tương xứng với tiềm năng bởi xuất khẩu của nước ta sang thị trường này chỉ chiếm 0,75% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU; trong đó, 40% được hưởng thuế 0%, 60% còn lại phải chịu các mức thuế khác nhau. Việc ký kết FTA Việt Nam – EU sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN trong nước tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU và được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khi khoảng 90% dòng thuế hàng hóa vào thị trường này sẽ giảm xuống mức thấp, thậm chí còn 0%.
Ngoài ra, cùng với việc minh bạch hóa, FTA Việt Nam – EU sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước theo hướng thuận lợi, cởi mở và thông thoáng hơn, từ đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đầu tư trực tiếp từ EU và các nước khác vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta.
Bên cạnh những thuận lợi khi ký kết FTA Việt Nam- EU thì các DN trong nước cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bởi việc giảm thuế sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam nhằm lách thuế ở nước sở tại. Làn sóng FDI vào nước ta sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt và nếu không đủ mạnh, các DN trong nước có nguy cơ thua ngay tại thị trường nội địa.
Mặt khác, khi chính thức tham gia lộ trình này, các DN trong nước không chỉ phải đáp ứng các tiêu chí do EU ban hành về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, các yêu cầu về an toàn đối với sức khỏe, bảo đảm kỹ thuật… mà còn phải thỏa mãn các tiêu chuẩn liên quan đến trách nhiệm xã hội như bảo vệ môi trường, chăm lo cho người lao động… Trong khi đó, việc thực thi những quy định pháp luật này tại nước ta thời gian qua còn một số hạn chế, và chưa có những chuẩn bị cơ bản để đối phó khi xảy ra tranh chấp.
Để kết quả đàm phán mang lại những lợi ích thiết thực và các DN có thể tận dụng tối đa cơ hội từ FTA Việt Nam - EU, các cơ quan đàm phán của nước ta cần thống nhất với EU những chính sách mềm dẻo, đồng nhất để áp dụng rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, EU còn công nhận Việt Nam là nước theo kinh tế thị trường trong việc áp dụng chính sách chống bán phá giá.
Ngoài ra, điều khoản FTA cũng cần có lộ trình thích hợp cho Việt Nam về một số lĩnh vực. Về phía các DN, cần phải tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đồng thời, tìm hiểu kỹ về thị hiếu tiêu dùng, thiết bị công nghệ, năng suất lao động của thị trường rộng lớn này để có thể lập kế hoạch kinh doanh cũng như nắm bắt được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Nếu làm tốt được những điều này, các DN Việt Nam sẽ có tâm thế chủ động khi bước vào EU - thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo