G7 họp bàn Biển Đông, Trung Quốc "đứng ngồi không yên"
Hội nghị Thượng đỉnh G7 khai mạc ngày 26/5 tại thành phố Ise Shima, thuộc tỉnh Mie, Nhật Bản, với sự tham gia của người đứng đầu các nước Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker.
Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề toàn cầu như tình hình kinh tế, chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng tị nạn, Brexit và các tuyên bố chủ quyền tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngay sau khi khai mạc G7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lớn tiếng cảnh báo các thành viên của G7 phải duy trì “vị trí khách quan và công bằng thay vì áp dụng các tiêu chuẩn kép hoặc ý kiến riêng của khối".
“Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ cuộc thảo luận hoặc hành động nào có thể khiến căng thẳng trong khu vực thêm trầm trọng”, SCMP dẫn lời Vương nói. Theo ông này, các thành viên G7 có thể quyết định chủ đề thảo luận của nhóm, nhưng “không nên làm bất cứ điều gì ảnh hưởng tiêu cực tới căng thẳng khu vực”.
Tân Hoa Xã cũng đưa ra ý kiến các thành viên G7 sẽ đưa thêm những vấn đề không thích hợp cho hội nghị nếu như họ thảo luận về Biển Đông. “Để không ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và ổn định toàn cầu, G7 nên chuyên tâm vào việc của mình hơn là chỉ tay vào các nước khác và đổ thêm dầu vào các cuộc xung đột”, Tân Hoa Xã viết.
Tân Hoa xã cũng nói thêm rằng bất cứ “sự can thiệp” nào vào những vấn đề như thế này cũng đều vô dụng.
Hồi tháng 4, hội nghị các ngoại trưởng G7 diễn ra ở Hiroshima, Nhật Bản đã ra tuyên bố phản đối các hành động "khiêu khích và áp đặt" trên biển Hoa Đông và Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên hành xử theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với bản tuyên bố này, dù tuyên bố không hề đề cập trực tiếp tên quốc gia nào.
Theo giới phân tích, hội nghị các nhà lãnh đạo G7 lần này nhiều khả năng sẽ ra một tuyên bố tương tự, và lời lẽ trong đó có thể sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy bị "động chạm" rất nhiều.
End of content
Không có tin nào tiếp theo