Hội nghị G-7 "kịch liệt phản đối" quân sự hóa Biển Đông
Ngày 24/5, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Ise-Shima tại Nhật Bản trong tuần này, G-7 sẽ bày tỏ sự "phản đối mạnh mẽ" việc xây dựng đảo và quân sự hóa khu vực Biển Đông, động thái chỉ trích hành động gây hấn của Bắc Kinh khi tuyên bố chủ quyền tại các quần đảo và đảo san hô ở vùng biển trên.
Theo đó, các nhà lãnh đạo sẽ bác bỏ "các hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng" trong một tuyên bố được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 26/5 tới ở tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản.
Các nước G7 cũng sẽ phản đối hành động "hăm doạ, ép buộc hay sử dụng vũ lực" nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ phi pháp, đồng thời kêu gọi các biện pháp giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh Ise-Shima sẽ có sự tham dự của lãnh đạo thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Với tư cách chủ tịch, Nhật mời đại diện từ 7 nước dự hội nghị mở rộng, gồm Việt Nam, Lào, Indonesia, Bangladesh, Sri Lanka , Papua New Guinea và Chad. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đại diện Việt Nam dự hội nghị.
Nhật Bản không phải một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tại Hội nghị cấp cao G7, các nhà lãnh đạo cũng sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông, động thái được cho là nhằm đáp trả hành động xâm nhập của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nhiều nguồn tin giấu tên nói Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tìm cách thuyết phục các lãnh đạo G7 thiết lập mặt trận chung nhằm đối phó với những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo sẽ khẳng định "thực thi đầy đủ" các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo