Gạc Ma - khắc khoải một nỗi đau: Máu xương còn ở Gạc Ma
Đã hơn 1/4 thế kỷ trôi qua nhưng những mất mát, đau thương của những người vợ, người mẹ có chồng con hy sinh ở đảo Gạc Ma vẫn còn tươi rói. Những ngày này, biển lại “động dữ dội” khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa của VN, cũng như xây dựng mở rộng căn cứ quân sự trên khu vực đảo đá Chữ Thập và đảo Gạc Ma, lại khiến ruột gan thân nhân các liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma như lửa đốt.
“Rồi con mẹ làm răng”?
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm về nhà mẹ Nguyễn Thị Nhị ở đường Nguyễn Duy Trinh (khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, TP.Vinh, Nghệ An) - mẹ của liệt sĩ Lê Bá Giang, hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Gặp chúng tôi, mẹ Nhị mừng mừng, tủi tủi như thể gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày. Vừa nghe nhắc đến chuyện Gạc Ma là nước mắt mẹ Nhị đã lăn dài trên đôi mắt nhăn nheo, mờ đục. Mẹ nôn nóng muốn biết số phận nắm xương con còn dưới đáy biển lạnh: “Mấy tuần này nghe tin biển đảo mà lòng mẹ như lửa đốt. Nghe nói Trung Quốc đang cho tàu phun cát sạn lên đảo Gạc Ma, Tư Nghĩa để xây dựng căn cứ quân sự phải không con? Bao năm nay thằng Giang vẫn còn nằm dưới lòng biển Gạc Ma, chừ tụi nó làm rứa thì lấp hết, còn hy vọng gì tìm được hài cốt nữa? Rồi con mẹ làm răng”?. Mẹ Nhị vừa hỏi vừa khóc thành tiếng. Bên cạnh, ông Lê Bá Nghị (chồng mẹ Nhị) mắt cũng đỏ hoe.
Ông bà Nghị sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Liệt sĩ Lê Bá Giang là con thứ hai. “Nó hiền lành, chăm chỉ, ngoài giờ đi học, nó lăn ra đồng phụ mẹ...” - mẹ Nhị nhớ lại. Học hết cấp 3, do nhà nghèo, anh Giang không đăng ký thi đại học mà ở nhà đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ. Cuối năm 1987, anh Giang trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, được phiên chế vào hải quân. Sau mấy tháng huấn luyện tại Quảng Ninh, anh Giang được về thăm nhà.
“Em nó về chỉ quanh quẩn ở nhà, bửa cho mẹ một đống củi để tết nấu bánh chưng, đào gốc cây để bố mẹ sưởi cho ấm. Nó bảo, tết này con không ở nhà, bố mẹ đừng buồn, tết sau con lại về. Ở nhà được mấy ngày thì nó được lệnh về đơn vị để chuẩn bị hành quân vào Nam. Nó bảo sẽ về, vậy mà đi mãi cho đến bây giờ...” - giọng ông Nghị nghẹn lại.
Đơn vị của Lê Bá Giang được lệnh hành quân khẩn bằng tàu hỏa vào cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) để ra Trường Sa. Trước khi đi, Giang đánh điện tín, nhắn về nhà, báo đang ngồi ở toa thứ hai của đoàn tàu. Nghe tin tối 29 tết tàu sẽ đi qua Vinh, ông bà Nghị cùng các con xách một giỏ bánh chưng chạy ra ga. Tàu dừng ở ga Vinh, cả nhà nhảy lên tàu nhưng tìm mãi, chạy hết cả 4 toa tàu mà không thấy anh Giang đâu. Mãi khi vào Cam Ranh, Giang mới điện về cho biết do thay đổi đội hình hành quân, anh phải chuyển xuống toa gần cuối đoàn tàu.
“Nó vào Cam Ranh được 7 ngày thì được lệnh ra đảo. Đó là lần cuối cùng nó gửi thư về. Đến khoảng tháng 4, tháng 5 gì đó, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin về cuộc chiến đấu của hải quân ta với lính Trung Quốc ở đảo Gạc Ma. 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có tên thằng Giang. Bà nhà tôi ngất mấy lần nhưng vẫn hy vọng người ta báo tin nhầm. Lê Bá Giang có tên trên bản tin quê ở Hương Dũng, còn nhà mình ở Hưng Dũng kia mà? Bà ấy cứ tỉnh tỉnh, mơ mơ bảo thế. Dẫu biết không còn hy vọng, nhưng gia đình tôi vẫn cứ bấu víu vào mỗi nhầm lẫn chính tả đó. Đến năm 1990, giấy báo tử được gửi về, bà Nhị mới chịu tin là thằng Giang không còn nữa” - ông Nghị kể tiếp.
Từ đó, trên bàn thờ gia đình, ngoài di ảnh của em trai bà Nhị (liệt sĩ), còn có thêm di ảnh của anh Giang. Cùng với giấy báo tử, balô của Giang cũng được chuyển về gia đình, bên trong, chiếc áo len bà mẹ đan cho con trước khi đi vẫn được gấp cẩn thận. Bà Nhị ôm lấy chiếc áo ấm mà khóc thương đứa con đang nằm lạnh dưới đáy biển sâu. Đau buồn rồi có thể nguôi ngoai, nhưng trong lòng ông bà Nhị vẫn canh cánh nỗi niềm làm thế nào để tìm và đưa hài cốt của con về quê.
Niềm hy vọng ấy được nhen lên khi đoàn cán bộ Bộ tư lệnh Hải quân tới nhà cho biết vừa tìm được một số hài cốt từ xác chiếc tàu đắm, nay lấy mẫu máu, tóc của ông bà để xét nghiệm ADN. Ông bà khấp khởi, biết đâu trong số những hài cốt đó có con mình. Nhưng rồi niềm hy vọng ấy vừa mới nhen lên đã lụi tắt...
Mẹ già hàng chục năm ngóng con
Chúng tôi tìm về nhà của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiên (SN 1969) tại thôn Đồng Quy, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tại đây, mẹ của liệt sĩ Kiên - cụ Nguyễn Thị Nga - năm nay đã 91 tuổi, sống cùng với gia đình nhỏ của một người con trai khác của cụ. Bốn năm nay, cụ bị bạo bệnh, phải nằm liệt giường và không nói được, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải do con dâu, con trai, các cháu chăm sóc.
Tiếp chuyện chúng tôi là bà Đỗ Thị Phượng - chị dâu của liệt sĩ Kiên. Nhắc nhớ đến chuyện người em chồng của mình, bà không khỏi bồi hồi. Bà Phượng kể, khi bà về làm dâu tại gia đình, ngôi nhà này còn là cấp 4, là nơi ở của cụ Nga, vợ chồng bà Phượng và ông Kiên. Cụ Nga có 5 người con, ông Kiên là út. “Chú Kiên là người rất tình cảm, hiền lành. Hai chị em hay trò chuyện với nhau lắm. Tôi về đây ở cùng ngôi nhà với chú ấy được 3 tháng thì chú ấy tình nguyện đi hải quân. Khi ấy, chú mới 19 tuổi. Chú ấy bảo muốn đi bộ đội vài năm để rèn luyện mình cho cứng cáp, rồi sau đó làm gì thì làm” - bà Phượng kể lại.
“Hồi đấy, nhà chúng tôi nghèo lắm. Bố chồng tôi mất đã lâu, chỉ còn mẹ tôi một mình làm ruộng nuôi 5 đứa con. Nhà đói kém đến mức khi chú ấy đi khám tuyển, còn không có một chiếc áo lót nào. Hôm trước khi đi khám, chú ấy ngượng ngùng bảo xin chị đi chợ thì mua cho 2 chiếc áo lót. Khi khám xong, được phát áo, chú ấy lại để lại cho chồng tôi mặc”.
Trong suốt thời gian từ khi nhập ngũ, vào Cam Ranh (Khánh Hòa) đóng quân đến khi hy sinh, ông Kiên chỉ được nghỉ phép về quê một lần. Gia đình vẫn giữ những kỷ vật ít ỏi còn lại của ông là 2 lá thư gửi về nhà vào tháng 2 và tháng 3.1988 và bức ảnh chụp cùng đồng đội. “Hôm nhà tôi nhận hung tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam, chồng tôi không tin, bởi mới nhận được thư của chú ấy cách đó có 2 ngày. Nhưng khi có giấy báo tử đến thì gia đình tôi mất hết hy vọng. Theo thông báo, đang trên đường vận chuyển vật liệu ra quần đảo Trường Sa thì chú ấy hy sinh. Khỏi phải nói gia đình tôi đau đớn như thế nào. Chiến tranh đã kết thúc hơn chục năm, vậy mà... Mẹ tôi nghe tin gần như hóa điên, rồi người cứ ngẩn ngơ, phải một thời gian rất lâu sau đó mới phục hồi” - bà Phượng nhớ lại.
Tuy vậy, gia đình chưa được thông báo ông Kiên được chôn cất tại đâu. Cách đây 4 - 5 năm, bà Phượng cho biết, có đơn vị về lấy ADN của anh trai và chị gái ông Kiên để đưa đi xét nghiệm, xác định hài cốt, nhưng chắc không đúng nên sau đó cũng không có tin tức thông báo gì về nhà nữa. “Gia đình chúng tôi lúc nào cũng mong mỏi đón hài cốt của chú ấy về hương khói nơi quê nhà. Nếu không thể đầy đủ, thì chỉ cần một phần của hài cốt cũng được. Có vậy mẹ tôi và gia đình mới được yên lòng”. Nói đến đây, bà Phượng nhìn qua cụ Nga: “Lâu nay trong gia đình đều tránh nhắc tới việc chưa tìm được hài cốt, vì sợ cụ lại cả nghĩ, đau lòng. Cụ nghe được hết đấy, hiểu được hết đấy, chỉ là không nói được thôi” - bà Phượng nói.
Bây giờ chúng tôi mới nhận ra, dù nằm bất động ở trên giường, cụ Nga luôn dõi ánh nhìn khắc khoải về phía chúng tôi suốt cuộc nói chuyện. Khi tôi nắm tay cụ, động viên cố gắng giữ gìn sức khỏe, đôi mắt mờ đục của cụ vẫn không rời khỏi tôi, rồi miệng cụ mếu máo, đôi mắt rân rấn chực khóc...
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo