Gần 90% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng
Thông tin trên báo điện tử VOV, theo tổ chức Action Aid quốc tế tại Việt Nam.tại Việt Nam, có 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng. Trong đó, 89% nam giới và người đi đường chứng kiến các hành vi quấy rối đó nhưng hơn 66% trong số họ không có hành động nào can thiệp hay bênh vực nạn nhân bị quấy rối tình dục.
Tin tức trên báo Dân việt, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, các hình thức quấy rối bao gồm huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm hình thức, nhìn chằm chằm vào một bộ phận trên cơ thể, sờ mó, đụng chạm cố ý. Có một tỷ lệ nhỏ từng bị gạ gẫm tình dục, cưỡng bức…
57% số phụ nữ và 47% số nam giới được hỏi cho rằng đường phố là nơi có nguy cơ cao nhất diễn ra các vụ quấy rối tình dục. Tiếp đến là công viên, phương tiện giao thông công cộng, trường học, nơi làm việc. 67% số phụ nữ và trẻ em không có phản ứng nào khi bị quấy rối.
'Phụ nữ và trẻ em gái gặp rất nhiều nguy cơ về quấy rối tình dục. Do đó, chúng ta cần có những chính sách để tăng cường sự an toàn cho họ như tăng cường hệ thống chiếu sáng, chống quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng, tăng cường tuần tra nơi vắng người và nâng cao nhận thức của người dân để chấm dứt tình trạng bạo lực với phụ nữ', bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA cho biết.
Và không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, theo bà Nguyễn Phương Thúy, quyền Trưởng phòng chính sách và truyền thông tổ chức Action Aid quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Phụ nữ ở các thành phố ở khắp nơi trên thế giới thường e dè, khép kín bởi nỗi sợ hãi, bởi chính họ đã từng bị quấy rối, xâm hại và hãm hiếp khi họ di chuyển trên đường tới trường học, nơi làm việc hay các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế... ”.
Trước thực trạng này, Chương trình Thành phố An toàn (TPAT) Việt Nam được bắt đầu từ năm 2013 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ kết quả nghiên cứu của tổ chức Action Aid và CGFED, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu thử nghiệm lắp đặt camera giám sát trên xe buýt nhằm kiểm soát tình hình trộm cắp và quấy rối trên xe.
Hiện, đã có 15 tổ chức và hơn 1.000 cá nhân tham gia ủng hộ mạng lưới Thành phố An toàn. Năm nay, chương trình đã mở rộng ra 3 thành phố nữa là Hải Phòng, Uông Bí và Trà Vinh. Các hoạt động của chương trình tập trung nâng cao nhận thức của người dân tại các đô thị và kêu gọi họ tham gia xây dựng thành phố của họ trở nên an toàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo