Gánh nặng ngàn tỷ: Đại gia Việt khổ trước sướng sau
Thời tái cơ cấu, không ít những đại gia đa mang, ôm những công việc, những doanh nghiệp thuộc dạng khó nhằn với món nợ ngàn tỷ, trên bờ phá sản,... Tuy nhiên, thách thức luôn là cơ hội lớn và chỉ sau 1-2 năm có những người gỡ được gánh nặng nợ nần và bắt đầu thu lãi. Giới doanh nhân vẫn tự động viên rằng mình có số ‘khổ trước, sướng sau’.
Đại gia ôm rơm
Tháng 8/2012, vụ sáp nhập Ngân hàng Habubank vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được công bố. Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch SHB, đứng trước một thách thức lớn khi việc sáp nhập Habubank cùng với những khoản nợ xấu và thua lỗ mỗi ngày lộ ra càng nhiều.
Trước đó, nhiều NĐT thực sự bất ngờ khi Habubank, chỉ trong vòng 2 tháng, từ báo lãi 234 tỷ đồng đã chuyển thành lỗ hơn 4.000 tỷ đồng, mất gần hết vốn chủ sở hữu. Những con số chênh lệch giật mình này có lẽ đã khiến các cổ đông SHB cũ cảm thấy thiệt thòi bởi tỷ lệ hoán đổi vẫn được giữ ở mức 1 cổ phiếu HBB đổi 0,75 SHB.
Thậm chí, càng đi sâu vào cuộc, vào từng việc cụ thể thì càng nếu khó khăn mà có lẽ vị đại gia dày dạn kinh nghiệm này cũng khó tưởng tượng hết.Ông từng chia sẻ, phải “ngày đêm đau khổ” với nhiệm vụ thu hồi nợ xấu. Và cần sử dụng nhiều phương cách và phải đau đầu mới thu hồi được nợ xấu từ việc vận động khách hàng trả nợ đến việc đi rình rập con nợ hay phải tuân thủ theo pháp luật để đưa ra tòa phát mại tài sản…
“Nói chung là phải có bách nghệ trong đòi nợ, phải có các loại võ và dùng tất cả những biện pháp Đông - Tây y kết hợp”, ông Hiển từng chia sẻ với trước các cổ đông.
Thậm chí, đã có những biện pháp mạnh được đưa ra, chỉ sau chưa tới 3 tháng thử thách vị trí Phó tổng, SHB đã giáng chức nguyên TGĐ Habubank, thuyên chuyển sang bộ phận thu hồi nợ.
Từ đầu 2012, Tập đoàn Doji của hai anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú cũng đã tham gia điều hành tại TienPhongBank (sau đổi tên thành TPBank). Đây là một ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc và có những khoản nợ xấu lớn cần xử lý.
TienPhongBank là NH mới thành lập, sau 4 năm hoạt động ngân hàng này gặp khó khăn. Tới giữa 2012, tỷ lệ nợ xấu của NH này đã lên tới gần 6%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm dần và tới 2011 đã bắt đầu ghi nhận những con số âm.
Khi các đại diện Doji nhảy vào những vị trí quyền lực cao nhất và phải đối đầu với khối nợ xấu lớn phải xử lý và còn không ít vụ việc lớn như: ủy thác đầu tư liên quan tới siêu lừa Nguyễn Thị Huyền Như, vụ nhận chuyển nhượng 3 triệu cổ phiếu Everpia Việt Nam (EVE)...
Cùng với việc sáp nhập HBB, SHB cũng buộc phải nhảy vào giải cứu Bianfishco của đại gia Diệu Hiền khi DN này nợ ngàn tỷ ngân hàng và dây dưa với hàng trăm hộ nông dân. Còn Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) mua dự án Điện Biên của Công ty Thái Hòa (THV)….
Sau cơn bĩ cực
Gần đây, nhiều đại gia đang bước vào những thương vụ ngàn tỷ mới mà ở đó nếu không phải là DN khó khăn phải tái cơ cấu cũng là những thương vụ ngàn tỷ không dễ gì kiếm được lợi nhuận ngay. Không ít các đại gia buộc phải ôm gánh nặng vào thân hay tự chọn cho mình nhưng thương vụ khó khăn để tìm kiếm cơ hội lớn, thậm chí từ những đống đổ nát.
SHB của bầu Hiển thậm chí còn đạt được còn đạt được nhiều kết quả ấn tượng hơn nhiều. Ngân hàng SHB sau khi sáp nhập đã kéo nợ xấu 2014 xuống chỉ còn 2,02%, từ mức 8,6% ở thời điểm sáp nhập.SHB cũng là số ít ngân hàng trả được cổ tức cao ở mức 7% cho thấy hoạt động kinh doanh ổn định, năng lực tài chính vững mạnh, đảm bảo lợi ích cổ đông.
Trong khi đó, Bianfishco cũng đã hoạt động hiệu quả trở lại để không chỉ gỡ dần khối nợ ngàn tỷ mà còn giúp hàng ngàn nông dân có đầu ra cho con cá.
Ông Vũ Văn Tiền đưa tiền của và người vào Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) và đích thân làm phó chủ tịch tại DN vừa CPH này. Cũng như thế, hàng loạt các đại gia đã thâm nhập hoặc có kế hoạch tấn công vào các DNNN lớn CPH như các tổng công ty ngành giao thông như Vinalines, Cienco, Vietnam Airlines,...
Thách thức luôn là cơ hội lớn và chỉ sau 1-2 năm có những người đã hưởng hương vị thành công khi gỡ được gánh nặng ngàn tỷ và bắt đầu thu lãi.
Tháng 8/2014, Công ty Cổ phần Vinpearl - thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mua đứt lại số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của cảng Nha Trang. Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng đề xuất mua 80% cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng.
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển nhắm tới gần 100% cổ phần mà Vinalines nắm tại Cảng Quảng Ninh. Ông bầu bóng đá này cũng đang trên đường đua với vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn để giành quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc. Trong tuần, SHB của bầu Hiển cũng đã công bố tại đại hội cổ đông 2015 kế hoạch sáp nhập với Công ty tài chính Vinaconex - Viettel (VVF).
Thương vụ lớn luôn đi kèm rủi ro lớn. Nhưng có lẽ kinh doanh là như vậy. Nhiều doanh nhân buộc phải chấp nhận những rủi ro, chấp nhận thử thách để mở ra những hướng mới cho doanh nghiệp.
Với nhiều người, thành công còn ở rất xa. Nhưng cũng có doanh nhân đã ít nhiều thu về được những thắng lợi nhất định. TPBank gần đây liên tục báo cáo lợi nhuận tăng vọt, chất lượng tín dụng duy trì tốt và nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 2%. TPBank đã được ghi nhận là ngân hàng sớm tái cơ cấu thành công
Theo VNN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo