Gạo Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và tập quán canh tác lúa lâu đời, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Cho đến nay, lúa gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với khu vực và thế giới, sản xuất ngày càng phải cạnh tranh với nhiều nước bên ngoài, đặt ra yêu cầu phải không ngừng nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của lúa gạo.
Kỳ tích của hạt gạo Việt qua 30 năm đổi mới đã đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu đói nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo. Nhưng một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay là gạo Việt chưa có tên trên bản đồ thế giới, chính xác hơn là chưa có thương hiệu trên thị trường lúa gạo toàn cầu. Nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ mang tên gọi chung chung là gạo 5%, 25% tấm hoặc thậm chí phải “mặc áo” các loại gạo nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu gạo quan trọng của thế giới, nhưng hiệu quả xuất khẩu gạo vẫn thấp, vì vậy chưa khuyến khích nông dân sản xuất và nghề sản xuất lúa gạo chưa bền vững”.
Theo các chuyên gia, việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp gạo Việt Nam thâm nhập vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU. Tuy nhiên, mối lo về chất lượng, an toàn thực phẩm và mức độ định vị sản phẩm trên thị trường các nước, khiến gạo Việt Nam đang gặp nhiều thách thức.
Tháng 5/2015, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chính thức đặt tên cho gạo Việt, đề ra mục tiêu, yêu cầu xây dựng thương hiệu lúa gạo; định vị giá trị, hình ảnh gạo Việt, tạo cơ sở để nâng cao sức cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường thế giới.
Tiến sỹ Hà Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Viện cây Lương thực và Thực phẩm Việt Nam cho rằng: “Chúng ta trước hết phải tạo ra được giống lúa ngon, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không tồn dư những kim loại nặng. Muốn vậy, nông dân phải đảm bảo yêu cầu sản xuất sạch. Ngoài ra, cần tạo được những vùng sản xuất lớn và cơ giới hóa 100% sản xuất lúa”.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh lúa gạo toàn cầu, ngành lúa gạo Việt Nam không nên xem yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ là những lợi thế so sánh, mà phải nâng cao yếu tố tri thức trong sản xuất và quản lý. Ngoài ra, thúc đẩy việc đa dạng hóa thị trường trong đó tính đến khai thác triệt để thị trường nội địa cũng được xem là một trong những giải pháp giúp khẳng định vị thế và uy tín của hạt gạo Việt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024