Tin tức - Sự kiện

GDP đã chạy đi đâu?

“GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5%, thì không biết GDP chạy đi đâu?”. Thắc mắc này của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại một hội thảo cuối tháng 9 vừa qua chỉ là một trong những ý kiến nghi ngờ về số liệu thống kê kinh tế vĩ mô thời gian qua.

Cũng tại hội thảo nói trên, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan có cùng tâm tư: “Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin. Nợ xấu đố ai biết chính xác ra sao, tôi không dám tin con số nào vì hôm nay nói thế này mai lại nói thế khác… Nếu cứ căn cứ vào những con số này để phân tích thì đi đến đâu?”.

Nhiều hoài nghi quanh những con số báo cáo về kết quả kinh tế.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Bích Lâm, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã lên tiếng. Khẳng định rằng mức độ chênh lệch của một số chỉ tiêu “không đến mức bi quan như một số phát biểu gần đây”, ông Lâm nói:

- Việc các chỉ tiêu thống kê, việc có sự khác nhau giữa các đơn vị là bởi thực tế hiện nay nguồn thông tin còn nhiều bất cập. Do nền kinh tế nước ta trong những năm qua phát triển nhanh với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại một địa phương nhưng lại hoạt động trải rộng ở nhiều địa phương khác nhau.

Bên cạnh đó còn có những lĩnh vực hạch toán toàn ngành như: điện, hàng không, đường sắt, ngân hàng, bưu chính viễn thông, bảo hiểm... Thực trạng này cho thấy việc bóc tách riêng biệt cho từng địa phương đối với một số lĩnh vực kinh doanh có các chi nhánh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố hoặc xác định kết quả sản xuất của những lĩnh vực hạch toán toàn ngành cho từng địa phương là rất phức tạp, dẫn đến tình trạng tính trùng, bỏ sót giữa các địa phương và giữa địa phương và trung ương.

Mặt khác, sự hợp tác trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho ngành thống kê còn bất cập, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa bàn, với nhiều lĩnh vực nhưng không bóc tách thông tin để cung cấp theo yêu cầu phiếu điều tra thống kê.

Bên cạnh đó, hiện nay Tổng cục Thống kê tính toán các chỉ tiêu thống kê trên cơ sở áp dụng theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số bộ, ngành chưa sử dụng đồng nhất với Tổng cục Thống kê về khái niệm, phạm vi hoặc phương pháp thu thập thông tin đối với một số chỉ tiêu do bộ, ngành tính toán như: tỷ lệ nghèo, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, số lượng doanh nghiệp.

Một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thì cung cấp số liệu ban đầu thiếu chính xác và không kịp thời… cũng khiến cho việc tập hợp thống kê gặp nhiều khó khăn.

Nhưng, có thể nói, chênh lệch số liệu ở một số chỉ tiêu thống kê có thể nói là “nỗi niềm đau đáu, là món nợ chưa trả được” của những người làm công tác thống kê trong nhiều năm qua.

Vậy, ông giải thích thế nào với câu chuyện GDP “chạy đi đâu” khi mà các tỉnh thành thì cao ngất ngưởng, trong khi ở cấp Trung ương chỉ là con số khiếm tốn?

Câu chuyện này bắt nguồn từ thực tế, đó là việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương hàng năm, trong đó do áp lực phải phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Hầu hết nghị quyết đảng bộ cấp tỉnh đều đặt chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khá cao so với thực tế và cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng GDP của toàn quốc.

Tuy nhiên, thực tế thì mục tiêu tăng trưởng của nhiều địa phương đặt ra vượt quá năng lực và khả năng sản xuất của địa phương và đôi khi có yếu tố cảm tính. Ví dụ, bình quân giản đơn số kế hoạch tốc độ tăng GRDP hàng năm thời kỳ 2011-2015 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là gần 13,4%, trong khi nghị quyết Quốc hội đặt ra cho cả nước chỉ là 7-7,5%.

Từ đây, cộng thêm với "bệnh thành tích" của một số địa phương, dẫn đến có sự chênh lệch như chúng ta đã biết.

Tất nhiên, vẫn còn tình trạng một số cục thống kê chưa chấp hành chưa nghiêm về quy trình sản xuất số liệu thống kê, hoặc trình độ cán bộ thống kê còn nhiều bất cập.

Nhưng sai số hay sự chênh lệch giữa cấp tỉnh và Trung ương, đặc biệt là ở chỉ tiêu GDP nhiều năm qua là rất lớn, thưa ông?

Tôi cho rằng, nếu đánh giá một cách khách quan thì mức độ chênh lệch của một số chỉ tiêu không đến mức bi quan "một trời, một vực" như một số phát biểu gần đây.

Thực tế thì trong hai năm qua, Tổng cục Thống kê đã đẩy mạnh thực hiện đề án khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương và đã có những kết quả cụ thể.

Trong hai năm 2010-2011, tốc độ tăng GRDP của 63 tỉnh thành đều trên hai con số, trong khi của cả nước lần lượt là 6,42% và 6,24%.

Đến năm 2012 thì đã có nhiều địa phương ở mức một con số và nhất là trong 6 tháng đầu năm 2013, một số địa phương đã tính toán tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP sát hơn với thực tế, gần hoặc thấp hơn mức tăng trưởng của toàn quốc, ví dụ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bình Thuận…

Vậy liệu có hay không việc “mỗi nhà một kiểu” trong áp dụng các phương pháp thống kê?

Tôi cho rằng, nhìn chung phương pháp thống kê của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia trong thời gian qua đã được hoàn chỉnh một bước khá đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi xây dựng, Tổng cục Thống kê đã tham khảo tài liệu, hướng dẫn, khuyến nghị của quốc tế, đồng thời xin ý kiến của các bộ, ngành. Do đó, có thể nói lần đầu tiên hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia với 350 chỉ tiêu thống kê đã có được khái niệm, nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu đi kèm để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Tất nhiên, trong quá trình thu thập, tổng hợp, biên soạn số liệu của một số chỉ tiêu vẫn còn có sự chưa thống nhất về khái niệm, phạm vi và phương pháp thu thập thông tin dẫn đến có sự chênh lệch số liệu giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo…

Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bàn về phối hợp trong công tác thống kê giữa hai bộ.

Tổng cục Thống kê đã và sẽ làm gì để giải bài toán “nhiễu thông tin thống kê” hiện nay?

Trước thực trạng chất lượng thông tin thống kê như vậy và trước đòi hỏi, yêu cầu của người sử dụng, gần đây Tổng cục Thống kê đã có nhiều cố gắng trong việc giảm thiểu tình trạng chênh lệch số liệu. Chúng tôi đã đẩy nhanh việc thực hiện đề án khắc phục chênh lệch số liệu GDP.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã cử 5 đoàn công tác đến Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai và Lâm Đồng để cùng với các cục thống kê rà soát, kiểm tra, tính toán lại số liệu GRDP của năm 2011 của các địa phương này.

Kết quả là, GRDP của 5 địa phương này sau khi được tính lại đều thấp hơn từ 2 - 5,5% so với số liệu đã báo cáo. Kinh nghiệm của việc rà soát này được nhân rộng, làm cơ sở để rà soát, tính toán lại GRDP năm 2011 cũng như giai đoạn 2006 - 2010 của các địa phương trên cả nước.

Sau khi có đủ thông tin, Tổng cục Thống kê sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố số liệu GRDP năm 2011 và giai đoạn 2006 - 2010 của 63 tỉnh, thành phố.

Việc rà soát được thực hiện cho các năm tiếp theo với mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm thiểu được tình trạng chênh lệch số liệu giữa trung ương và địa phương, làm căn cứ quan trọng trong quá trình xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên phạm vi toàn quốc cũng như tại các địa phương.

Từ năm 2016, số liệu GDP của cả nước và GRDP của các địa phương sẽ do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành thống kê tăng cường chất lượng thông tin thống kê đầu vào và kỷ luật trong thu thập, tổng hợp, tiếp tục rà soát nghiên cứu, hoàn thiện các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng như tăng cường vai trò điều phối và quản lý nhà nước của trong hoạt động thống kê…

Theo Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo