Xã hội

Ghi âm, ghi hình: Tốn kém cũng làm vì quyền con người

(DNVN) - Đa số các Đại biểu quốc hội đều tán thành việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung. Đặc biệt, để bảo vệ con người, tốn kém mấy cũng phải thực hiện.

Ngày 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) thống nhất cao với quy định dự thảo Bộ luật đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng bức cung, nhục hình trong tố tụng: Phải ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung.
Thực hiện "quyền im lặng" để giảm oan sai
Theo các đại biểu Lương Văn Thành - TP Hải Phòng, Phạm Huy Hùng - TP Hà Nội, Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng, việc quy định về quyền im lặng trong dự luật là điểm rất mới, cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội. Đây là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc tội được cả giới thừa nhận và áp dụng, thực chất là quyền của nghi can được tự bảo vệ đối với các hoạt động tố tụng hình sự chống lại mình, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tố tụng nhằm khắc phục oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm.
Cơ bản tán thành quy định của dự thảo, song ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, để tránh quy định này bị lạm dụng, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố xét xử, Bộ luật cần làm rõ việc khai báo sớm và thành khẩn là một yếu tố quan trọng để xem xét giảm nhẹ mức án.
Cùng quan điểm này, ĐB Phạm Huy Hùng (TP Hà Nội) nhấn mạnh: “Chế định bào chữa là một thành tố quan trọng để đảm bảo tiến trình tố tụng minh bạch, công bằng. Tôi đề nghị dự thảo Bộ luật quy định bị can, bị cáo được quyền im lặng cho đến khi có người bào chữa tham gia tiến trình tố tụng. Tòa án, Viện Kiểm sát có trách nhiệm thông báo để người bào chữa có mặt kịp thời, không quá 24 giờ sau khi bị can bị tạm giam, tạm giữ. Việc trao đổi giữa người bào chữa với người bị tạm giam, tạm giữ không bị ghi âm”.
Vẫn theo ĐB Phạm Huy Hùng, người bào chữa phải được coi là một chủ thể tư pháp độc lập, tham gia tố tụng một cách bình đẳng với các chủ thể khác. Xóa bỏ cơ chế cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư; thay thế bằng chế độ đăng ký bào chữa và dành cho luật sư một vị trí ngồi ngang hàng với kiểm sát viên trong các phiên tòa…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: "Quyền im lặng" có thể gây cản trở nhưng không thể vì thế mà không đưa vào luật. (Ảnh: Dân Trí).

Các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cũng nhận xét, thực tế thời gian qua, không hẳn các vụ oan sai đều do ép cung, nhục hình, mà còn do trình độ, thiếu trách nhiệm của các cán bộ làm nhiệm vụ tố tụng, việc thiếu quyền im lặng. Khi bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo có tâm lý hoang mang, thiếu ổn định, mất bình tĩnh, không có luật sư để tạo niềm tin giúp cho lời khai của mình chính xác nên có thể có những lời khai chống lại chính mình hoặc thừa nhận mình có tội. Quyền im lặng nếu được áp dụng có thể là bước tiến về tư duy trong hoạt động lập pháp, nhằm mục đích giảm thiểu tiến tới chấm dứt oan sai. 
“Nếu có quyền im lặng chắc chắn việc oan sai do mớm cung, bức cung, nhục hình sẽ giảm đáng kể, thậm chí không còn. Nó đặc biệt có ý nghĩa ở những bản khai đầu tiên, thường có giá trị chứng minh, trong khi nghi can chưa chuẩn bị tâm lý khai báo giúp cho việc lấy cung được khách quan, tránh oan sai, gây khó khăn cho các nhà chức trách”, đại biểu Phương nói.
Ủng hộ việc quy định quyền im lặng, đại biểu Vũ Xuân Trường - Nam Định lưu ý thêm, dự luật cũng nên khuyến khích việc bị can, bị cáo nếu khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải thì được xem xét coi như một tình tiết giảm nhẹ. Việc làm này vừa tránh được ép cung, nhục hình, mớm cung, đặc biệt tránh được việc hiểu về lạm dụng quyền im lặng. 
Ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung: tốn kém vẫn phải làm
Bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là một quy định rất mới của dự thảo Bộ luật, nhằm bảo đảm tính khách quan, hạn chế bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Quy định này được đa số ý kiến ĐBQH ủng hộ. 
ĐB Vũ Xuân Trường phát biểu: “Làm việc trong điều kiện luôn có máy quay, máy ghi âm theo dõi chắc cũng không thoải mái, nhưng để đảm bảo khách quan thì nên làm. Và cũng không nên giới hạn “một số trường hợp”, vì không biết trường hợp nào thì nên ghi, trường hợp nào thì không? Đồng thời, nên quy định rõ tài liệu ghi âm, ghi hình được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh vụ án chứ không chỉ “được sử dụng trong trường hợp cần thiết”.
Trước băn khoăn về nguồn kinh phí để mua sắm trang, thiết bị ghi âm ghi hình, BĐ Nguyễn Trọng Trường bình luận: “Có rất nhiều thiết bị ghi âm, ghi hình trên thị trường với giá chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Để khắc phục tình trạng bức cung nhục hình thì bỏ ra khoản tiền ấy cũng hợp lý”.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đồng tình: “Tốn kém cũng phải làm, vì liên quan đến quyền con người, hơn nữa với công nghệ hiện nay thì cũng không phải chi phí lớn. Nên ghi âm ghi hình 100% các cuộc hỏi cung”.
Trong Tờ trình về Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, về nội dung ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 174) có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị: Ngoài quy định phải lập biên bản như hiện nay, cần quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình. Đồng thời, đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị: Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, quy định như ý kiến thứ nhất sẽ rất khó bảo đảm. Vì vậy, đề nghị tiếp tục kế thừa quy định hiện hành: Có thể ghi âm hoặc ghi hình khi xét thấy cần thiết. Trường hợp nào được coi là cần thiết sẽ do cơ quan tố tụng cân nhắc, quyết định.
Thay mặt Ban soạn thảo, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định dự thảo thể hiện theo ý kiến thứ nhất, nghĩa là bắt buộc phải ghi âm ghi hình 100% các vụ hỏi cung.

Hòa Hậu (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo